Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là nguồn thu lớn nhất cho ngân sách nhà nước (NSNN), đóng góp 20-24,5% tổng thu NSNN giai đoạn 2019-2023. Qua hơn hai thập kỷ, sắc thuế này đã trở thành nền tảng quan trọng của hệ thống tài chính công Việt Nam.
Luật Thuế GTGT 2024: Điều chỉnh mới hướng tới phát triển bền vững
Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là nguồn thu lớn nhất cho ngân sách nhà nước (NSNN), đóng góp 20-24,5% tổng thu NSNN giai đoạn 2019-2023. Qua hơn hai thập kỷ, sắc thuế này đã trở thành nền tảng quan trọng của hệ thống tài chính công Việt Nam.
Trước bối bối cảnh kinh tế – chính trị thế giới đang chuyển biến nhanh chóng, Luật thuế GTGT 2024 sửa đổi nhằm đảm bảo hướng tới một hệ thống thuế công bằng, minh bạch và phù hợp với xu hướng quốc tế. Những thay đổi này không chỉ tăng cường hiệu lực quản lý mà còn giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân.
Thúc đẩy động lực kinh doanh
Thuế GTGT đóng góp lớn cho ngân sách, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế. Ngưỡng doanh thu không chịu thuế 100 triệu đồng/năm hiện không còn phù hợp đối với các hộ, cá nhân kinh doanh. Việc nâng ngưỡng lên 200 triệu đồng/năm giúp giảm gánh nặng tài chính và thúc đẩy kinh doanh nhỏ phát triển. Đây được coi là giải pháp phù hợp với sự phát triển toàn diện và bền vững.
Điều chỉnh thuế GTGT góp phần tăng cường hiệu lực quản lý và hướng tới phát triển bền vững. Ảnh: Shutterstock |
Nhiều chủ hộ kinh doanh chia sẻ rằng nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế sẽ giúp họ tái đầu tư và thu hút khách hàng. Bà Trần Thể, chủ hộ kinh doanh thuộc Quận Thanh Xuân cho biết: “Trong bối cảnh giá nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng cao, nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế lên 200 triệu đồng/ năm sẽ cho phép chúng tôi có thêm nguồn tiền để tái đầu tư phát triển, hoặc thực hiện các chương trình khuyến mại và thu hút khách hàng”.
Hướng tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất
Luật thuế GTGT đã điều chỉnh một số đối tượng hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế. Các sản phẩm như phân bón, máy móc nông nghiệp, tàu đánh cá xa bờ chuyển sang thuế suất 5% (Điều 5 Luật Thuế GTGT). Một số mặt hàng như lâm sản chưa chế biến, đường, phụ phẩm đường, và hoạt động văn hóa, thể thao được điều chỉnh từ thuế suất 5% lên 10%. Đây là bước quan trọng trong Chiến lược cải cách thuế đến năm 2030.
Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Thuế GTGT, dự án Tăng cường quản lý tài chính công tại Việt Nam, do Liên minh châu Âu và Chính phủ Đức đồng tài trợ qua GIZ, đã cung cấp sự hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển và đang phát triển về chính sách thuế GTGT.
Hội thảo “Trao đổi dự thảo Luật thuế GTGT sửa đổi” do Cục Quản lý và Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí phối hợp với dự án tổ chức, đã diễn ra tại Nha Trang vào tháng 5/2024 nhằm thu thập ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật thuế GTGT sửa đổi. Các đại biểu từ các cơ quan bộ, ngành địa phương, tổ chức nghiên cứu, học thuật và doanh nghiệp tư nhân đã tham gia thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến góp phần hoàn thiện dự thảo.
Hội thảo “Trao đổi dự thảo luật thuế GTGT sửa đổi” |
Tại hội thảo, đại diện Hiệp hội phân bón Việt Nam đã góp ý rằng, việc áp dụng thuế suất 5% sẽ giúp sản xuất phân bón trong nước cạnh tranh tốt hơn với phân bón nhập khẩu. Quy định mới mở rộng đối tượng chịu thuế, chuyển phân bón từ nhóm không chịu thuế sang thuế suất 5%. Điều này cho thấy ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của các bên liên quan.
Hướng tới hệ thống thuế hiệu quả, phù hợp thông lệ quốc tế
Luật Thuế VAT sửa đổi là bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa hệ thống thuế, thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Các cải cách này giúp tối ưu hóa nguồn thu ngân sách và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế – xã hội. Dự án “Tăng cường quản lý tài chính công tại Việt Nam” sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để triển khai các hoạt động, đưa các quy định mới vào thực tiễn.
Nguồn: https://baodautu.vn/luat-thue-gtgt-2024-dieu-chinh-moi-huong-toi-phat-trien-ben-vung-d232456.html