Phát triển mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập có cơ cấu hợp lý theo định hướng ưu tiên phát triển của quốc gia, ngành và lĩnh vực, hoạt động hiệu quả, tiếp cận với chuẩn mực quốc tế, làm nền tảng để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Với các giải pháp như hoàn thiện chính sách đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập, xây dựng cơ chế, chính sách từng bước chuyển tổ chức KH&CN công lập hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về trực thuộc các trường đại học, học viện để thúc đẩy gắn kết nghiên cứu với đào tạo; chuyển tổ chức KH&CN công lập hoạt động nghiên cứu ứng dụng mà sản phẩm khoa học có khả năng thương mại hoá về trực thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Cùng với nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, nhất là chính sách tuyển dụng, tiền lương, tạo môi trường làm việc, tập trung ưu tiên nhân lực KH&CN chất lượng cao.
Tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ cán bộ KH&CN theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm được cơ quan có thẩm quyền ban hành. Tiếp tục triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Khuyến khích cán bộ hoạt động KH&CN nâng cao trình độ chuyên môn thông qua các chương trình học bổng liên kết giữa các tổ chức hoặc thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN trong việc sử dụng, trọng dụng nhân lực KH&CN.
Đẩy mạnh thu hút chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia người nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại các tổ chức KH&CN công lập. Tăng cường xây dựng, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ triển khai công tác đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Phân bổ quỹ đất phù hợp cho phát triển các tổ chức KH&CN công lập với ưu đãi về thuế, giải phóng mặt bằng, bố trí mặt bằng cho các doanh nghiệp tổ chức bộ phận hoạt động nghiên cứu và phát triển, nhất là trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu sản xuất tập trung.
Đẩy mạnh việc ứng dụng KH&CN và các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong quản lý, điều hành hoạt động các tổ chức KH&CN công lập. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các nguồn lực KH&CN và đổi mới sáng tạo, kết nối, hỗ trợ mạng lưới các nhà quản lý, nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương.
Thúc đẩy liên kết giữa các tổ chức KH&CN công lập trong vùng, giữa các vùng, giữa các tổ chức KH&CN công lập nghiên cứu liên ngành thông qua đào tạo nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động KH&CN giữa các tổ chức KH&CN công lập và ngoài công lập. Tăng cường liên kết giữa tổ chức KH&CN công lập với các doanh nghiệp để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu; thu hút sự tham gia của doanh nghiệp trong các chương trình, dự án, nhiệm vụ quan trọng cấp quốc gia có sản phẩm khoa học, công nghệ phục vụ tăng trưởng và phát triển của doanh nghiệp; tăng cường liên kết giữa các tổ chức KH&CN công lập với cơ sở giáo dục đại học để hỗ trợ hoạt động đào tạo và hoạt động nghiên cứu. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan và nhân dân về vai trò của KH&CN và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế – xã hội.
Tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và phát triển; ứng dụng KH&CN; đẩy mạnh thực hiện các Hiệp định, Thỏa thuận song phương đối với các đối tác phát triển trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng của các tổ chức KH&CN nhằm gia tăng số lượng tổ chức KH&CN công lập được quốc tế xếp hạng.
Cùng với tăng cường nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu cho các tổ chức KH&CN công lập. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, nhất là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn để đa dạng hóa nguồn đầu tư, từng bước tăng kinh phí đầu tư cho các tổ chức KH&CN công lập hoạt động có hiệu quả. Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án xây dựng và phát triển các tổ chức KH&CN công lập được quốc tế xếp hạng, các tổ chức có phạm vi hoạt động liên vùng, liên ngành, các tổ chức thực hiện hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới, có khả năng ứng dụng cao.
Thực hiện giải thể các tổ chức KH&CN công lập hoạt động không hiệu quả theo quy định pháp luật với lộ trình phù hợp; đẩy mạnh việc sắp xếp, tinh gọn đầu mối các tổ chức KH&CN công lập. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập; tăng cường phân cấp quản lý tổ chức KH&CN công lập, đề cao thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đại học quốc gia, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có tổ chức KH&CN thuộc thẩm quyền quản lý. Đẩy mạnh giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tăng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tương ứng với mức độ tự chủ về tài chính của các tổ chức KH&CN công lập.
Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, đồng thời từng bước xã hội hóa hoạt động của tổ chức KH&CN công lập. Quan tâm phát triển các tổ chức nghiên cứu cơ bản; tăng cường đầu tư cho các tổ chức nghiên cứu ứng dụng để đẩy mạnh thương mại hóa và chuyển giao kết quả nghiên cứu phục vụ sản xuất – kinh doanh; phát triển đồng bộ các tổ chức dịch vụ KH&CN và các tổ chức KH&CN công lập đáp ứng yêu cầu về cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực KH&CN.Với mục tiêu phát triển mạng lưới tổ chức KH&CN công lập có cơ cấu hợp lý theo định hướng ưu tiên phát triển của quốc gia, ngành và lĩnh vực, nâng cao tiềm lực và hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập, tiếp cận với chuẩn mực quốc tế, làm nền tảng để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thu Hằng