Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đặt chỉ tiêu không còn hộ nghèo. Như vậy, gần 7.000 hộ nghèo trong toàn tỉnh Quảng Ninh, theo thống kê năm 2014, chỉ mất 10 năm đã được “xóa trắng”. Đây là kết quả của các chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững mà tỉnh đã triển khai, trong đó có vai trò quan trọng của vốn tín dụng chính sách, nhất là từ sau khi Chỉ thị số 40/CT-TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Khoát tay một vòng trên bản đồ Huyện Ba Chẽ treo giữa phòng làm việc, ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh, tự hào cho biết tính đến năm nay, cả 14 thôn của xã không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương. “Nhờ chính sách cho vay vốn trồng rừng của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ba Chẽ, xã Đồn Đạc đã hoàn toàn thoát khỏi tình trạng nghèo đói”, ông giải thích.
Là địa bàn miền núi, đất rộng, người thưa, cách đây khoảng 10 năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã đa số người dân tộc Dao này lên tới 77%. Nhưng nguồn tín dụng chính sách gần 126 tỷ đồng “đổ vào” 11.000 ha diện tích rừng trồng, cái nghèo đeo bám nhiều năm thì nay đã được xóa bỏ. “Nếu không có vốn chính sách, có mô hình trồng cây keo, cây quế, cây trà hoa vàng… thì cuộc sống của người dân chúng tôi sẽ khó khăn hơn rất nhiều”, ông Trung thừa nhận.
Nhà nhà vay vốn trồng rừng
Đứng trước căn nhà 2 tầng khang trang vừa xây năm ngoái hết hơn 1 tỷ đồng, ông Triệu Quý Bảo, Trưởng thôn Pắc Cáy, xã Đồn Đạc, tự tin cho biết 87 hộ dân trong thôn đến nay chỉ hướng tới làm giàu, không còn lo “nghèo bền vững” như trước.
Cách đây hơn chục năm, đa số người dân trong thôn Pắc Cáy chủ yếu nấu rượu lấy bã nuôi lợn, “ngưng làm, đứt bữa”. Tiếp cận với vốn tín dụng chính sách từ sớm, ông Bảo chuyển hướng trồng keo, trà hoa vàng. “Cây keo giúp cho cái nhà, trà hoa vàng sẽ dành sắm ô tô”, ông Bảo vui vẻ cho biết khi nhiều cây trà hoa vàng sau vườn đã bắt đầu kéo nụ.
Sở hữu 19 ha rừng trồng keo, Trưởng nhóm dân vũ thôn Nà Bắc, xã Đồn Đạc, ông Chíu Hồng Phúc cũng đã sắm được bộ loa đài hiện đại phục vụ giải trí của nhóm. Từ khoản vay vốn tín dụng chính sách chỉ 30 triệu đồng năm 2007, đến nay đã mạnh dạn vay vốn dư nợ 200 triệu đồng để phát triển sản xuất, gia đình ông từ “nghèo bền vững” đi lên, cuộc sống giờ đã đủ đầy.
“Ở đây, chúng tôi có một cách làm rừng rất đặc biệt. Mọi người vừa là chủ rừng, vừa là người làm thuê cho nhau. Khi rừng nhà mình trồng xong, chúng tôi lại qua giúp nhà khác, rồi đến lượt họ giúp lại mình. Nhờ tinh thần tương trợ lẫn nhau, việc trồng rừng không chỉ mang lại thu nhập cao, khoảng 500 nghìn đồng/người/ngày, mà còn góp phần củng cố tình làng nghĩa xóm, tạo nên một cộng đồng gắn kết”, ông Phúc cho biết.
“Đó là lý do người dân thoát nghèo bền vững”, Chủ tịch xã Nguyễn Thành Trung nói, trên địa bàn hiện còn có nhiều lao động di cư từ nơi khác về để làm thuê vì thu nhập khá mà việc lại nhiều, dân địa phương “làm không hết việc”.
Có mô hình xóa nghèo, làm giầu, người dân Đồn Đạc nhà nhà vay vốn tín dụng chính sách. Ông Triệu Quý Bảo cho biết, cả 87 hộ trong thôn đều vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, giờ đây cuộc sống đều tốt hơn trước rất nhiều.
“Nếu không có Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn, chắc chắn gia đình chúng tôi vẫn còn thuộc diện hộ nghèo nhất xóm”, ông Đặng Doãn Long, thôn Làng Cổng, xã Đồn Đạc nói, ghi nhận khoản vay 100 triệu đồng đã trao cho cơ hội phát triển nghề rừng, đưa cuộc sống gia đình ông sang trang mới.
Cuộc sống của bà con thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ giờ đây gắn liền với rừng. Nắm rõ địa bàn xã miền núi Đồn Đạc, ông Triệu A Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, với mức vay trung bình 100-200 triệu đồng/hộ, người dân có thể trồng khoảng 6ha keo. Chỉ sau 5 năm đến kỳ khai thác, mỗi hộ có thể thu về 800 triệu đồng, thoát nghèo bền vững. “Bà con giờ vay vốn làm rừng chỉ một, hai năm sẽ trả hết nợ Ngân hàng Chính sách xã hội”, ông Lộc nói thêm.
Cả hệ thống “bắt tay vào cuộc”
Để đồng vốn chính sách phát huy được hiệu quả, “xóa nghèo nhưng không cụt vốn”, cả hệ thống chính trị trên từng địa bàn đều vào cuộc. Chủ trương đi từ cấp ủy, chính quyền sát sao, các tổ chức đoàn thể bám dân, Ngân hàng Chính sách xã hội thường xuyên thăm hỏi từng hộ vay. Đồng vốn cứ thể thành rừng, tạo sinh kế.
“Cứ đến ngày thu lãi là 100% hộ vay đều trả đủ. Do hồ sơ làm chặt chẽ, đúng quy trình từ tổ vay vốn, vì vậy gần như 100% hồ sơ vay vốn gửi lên huyện đều được duyệt”, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Chẽ, ông Lê Hồng Phú cho biết và nói thêm: “Là một huyện miền núi với đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số, Ba Chẽ luôn đặt mục tiêu đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách đến được tay người dân một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Chúng tôi rất vui khi nhận được sự động viên, vào cuộc, quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân về sự thiết thực và hữu ích của các chương trình tín dụng chính sách này”.
Và cũng vì luôn theo sát các hộ vay vốn, trên địa bàn rộng trên 600 km2 với 8 xã, thị trấn, toàn huyện Ba Chẽ gần như không có nợ xấu phát sinh liên quan đến vốn tín dụng chính sách. “Chúng tôi biết rất rõ tình hình của từng hộ, đến kỳ trả nợ là thông báo sớm, đi vận động từng hộ”, ông Triệu Quý Bảo, Trưởng thôn Pắc Cáy cũng là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm, vay vốn cho biết.
Cứ như vậy, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, việc vay vốn diễn ra nhanh chóng và hiệu quả. Theo báo cáo của Huyện ủy Ba Chẽ tại Hội nghị tổng kết 10 năm Chỉ thị 40-CT/TW năm 2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với tín dụng chính sách xã hội tại Quảng Ninh (tháng 7/2024), tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội là chính sách thiết thực, đa chiều, mang tính nhân văn sâu sắc, là công cụ kinh tế để Nhà nước điều tiết các hoạt động kinh tế xã hội đối với những đối tượng dễ bị tổn thương, yếu thế. Đồng thời, tín dụng chính sách xã hội là đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội.
“Việc thực hiện Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách đã góp phần thay đổi diện mạo huyện Ba Chẽ, đời sống của Nhân dân các dân tộc huyện nhà ngày càng được cải thiện và nâng lên, đồng thời là động lực quan trọng trong việc thực hiện thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững trong thời gian qua”, Báo cáo nêu rõ.
Đặc biệt, sau xóa nghèo, giờ đây tỉnh, huyện, xã lại tính đến phát triển bền vững. Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc, cho biết cây keo phát triển nhanh nhưng hại đất, tỉnh và huyện đang tính phát triển cây gỗ lớn, trong đó có quế. Với chu kỳ sinh trưởng chỉ sau 3 – 5 năm, người dân đã có thể thu hoạch cành, lá để bán làm nguyên liệu chế tinh dầu quế… sau khoảng 10 năm được thu hoạch tổng giá trị kinh tế gấp 3-4 lần trồng keo theo thời giá hiện nay.
Tỉnh Quảng Ninh đang dự kiến đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tinh dầu quế ở Ba Chẽ để khuyến khích các hộ trồng rừng chuyển đổi cây trồng. Lãnh đạo xã Đồn Đạc thì đang tìm hiểu về việc bán tín chỉ carbon để bà con có thêm thu nhập khi phát triển rừng cây lâu năm.
Với dư nợ hiện vào khoảng 406 tỷ đồng với hơn 4.100 hộ vay, chiếm tỷ lệ trên 70% số hộ của toàn huyện, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Chẽ, ông Lê Hồng Phú, tự tin nói: “Chúng tôi sẽ lại theo sát bà con, đưa vốn tín dụng chính sách làm vốn mồi cho cuộc chuyển đổi mới này”.
Vất vả để gần dân
Công tác tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh từ ngày đầu, cách đây 21 năm, Giám đốc Lê Hồng Phú có nhiều kỷ niệm “bám bản”. “Ngày xưa, đi công tác sẹo đầy”, ông nhớ lại.
Ba Chẽ với 8 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn, khởi điểm khi Ngân hàng Chính sách xã hội đặt trụ sở, đường sá đi lại vô cùng khó khăn, đi đến địa bàn xã xa nhất bằng xe máy phải mất nửa ngày. Trong khi đó, để chủ trương, chính sách được phổ biến đến từng địa bàn, đồng vốn đến được với từng hộ, cán bộ tín dụng phải gần dân và kiên trì thuyết phục.
“Trèo đèo, lội suối, đá hộc to, xe Win tôi đi cứ nẩy lên từng chặp. Lúc về, hai tay đỏ lên vì nắng, phuộc xe phun hết dầu là chuyện bình thường”, ông Phú cho biết, kể thêm một kỷ niệm ngã xe không thở nổi, tưởng chết giữa “đồng không mông quạnh”. “Hồi đó máu mê công việc lắm”, ông Phúc chốt lại.
Ở các Tổ tiết kiệm và vay vốn, địa bàn tưởng gần nhưng để vận động người dân trong nhưng năm tháng đó cũng không dễ dàng. Với cương vị Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Pắp Cáy từ năm 2003, ông Triệu Quý Bảo chia sẻ, việc vận động người dân tham gia chương trình lúc ban đầu vô cùng gian nan. “Phần lớn bà con còn e dè, chưa tin tưởng vào hiệu quả của việc vay vốn để đầu tư trồng rừng, trong khi tỷ lệ hộ nghèo trong thôn rất cao, tới 47 hộ”, ông Bảo cho hay.
Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, ông Nguyễn Thành Trung cũng thừa nhận, những năm trước, đưa vốn tín dụng chính sách đến với đồng bào không hề dễ dàng. “Người ta băn khoăn không biết dùng vốn vào việc gì, rủi ro mất vốn thì phải làm sao”, ông nói.
Ở phương diện khác, ngay trong quan điểm của các cấp chính quyền khi xưa cũng có phần chưa thuận, chưa cấp vốn ủy thác của địa phương nhiều như sau này. “Nhiều ý kiến cho rằng tín dụng làm chính sách là cho đi, cấp ra là mất”, bà Vũ Thị Ngọc Bích, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ninh, nhớ lại.
Dựng lên mô hình sinh kế từ trồng rừng, vốn tín dụng chính sách luôn sẵn sàng, bám sát từng hộ để hỗ trợ, quá trình thuyết phục người dân vay vốn qua từng ngày đã mang lại kết quả đáng mừng. Từ số vốn vay bình quân 100 triệu đồng/hộ, người dân đã đầu tư vào trồng rừng, sử dụng hiệu quả vốn vay, nhờ đó thu nhập bình quân của hộ gia đình đã tăng lên đáng kể, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt.
“Tốc độ xóa đói giảm nghèo thấy rõ. Rất nhiều thay đổi từ sau khi Chỉ thị 40 được ban hành và đi vào cuộc sống”, Giám đốc Lê Hồng Phú cho biết. “Riêng toàn thôn Pắp Cáy nay đã trở thành một điển hình về sự vươn lên thoát nghèo”, ông Triệu Quý Bảo thêm vào.
Ông Triệu Quý Bảo, Trưởng thôn Pắc Cáy, xã Đồn Đạc, trước căn nhà mới xây.
Nhân lên hiệu quả, tạo dựng uy tín
Theo ông Bảo, để bảo toàn nguồn vốn tín dụng chính sách, Tổ tiết kiệm và vay vốn đóng vai trò trung tâm trong việc quản lý và giám sát việc sử dụng vốn vay, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Để thể hiện trách nhiệm, nâng cao nhận thức, có nguồn tích lũy trả nợ khi đến hạn và đảm bảo tính bền vững của tổ đã quy định các thành viên đều tự nguyện đóng góp tiết kiệm hàng tháng với mức tối thiểu từ 100 nghìn đồng trở lên.
Để đảm bảo tính bền vững của quỹ, tổ đã quy định các thành viên phải đóng góp tiết kiệm bắt buộc hàng tháng từ 100 nghìn đồng, tối đa 2 triệu đồng, đồng thời cam kết trả lãi đầy đủ và đúng hạn. Nhờ vậy, không chỉ tạo lập quỹ dự phòng, người dân còn có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ổn định để phát triển kinh tế gia đình.
Còn theo ông Lê Hồng Phú, nhờ chính sách tín dụng ưu đãi, đến nay, hơn 70% trong tổng số 5.700 hộ dân tại huyện đã tiếp cận được nguồn vốn, chủ yếu để phát triển trồng rừng. Nhờ đó, tình hình giảm nghèo đã có bước tiến đáng kể, từ mức hơn 30% hộ nghèo và cận nghèo trước năm 2015, đến nay toàn huyện không còn hộ nào rơi vào tình trạng này. Điều này chứng tỏ người dân đã sử dụng vốn vay một cách hiệu quả và có trách nhiệm cao, thể hiện qua việc không phát sinh nợ xấu hoặc nợ quá hạn.
“Công tác phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, đoàn thể và cộng đồng đã góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu nợ xấu. Nhờ sự quan tâm sâu sát của các cấp chính quyền, cùng với tinh thần tương trợ lẫn nhau của người dân, những khó khăn trong quá trình trả nợ đã được giải quyết hiệu quả. Việc tổ chức các điểm giao dịch tại xã vào ngày định kỳ hàng tháng và cán bộ thường xuyên xuống địa bàn đã giúp tăng cường sự tin tưởng của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cho vay và thu hồi nợ”, ông Lê Hồng Phú chia sẻ.
Qua nhiều cuộc khảo sát và tổng kết, người dân đã bày tỏ sự đánh giá rất cao về hiệu quả của chính sách tín dụng đối với việc cải thiện cuộc sống. Tại buổi tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo (2002-2022), với sự tham dự của Ban Thường vụ Huyện ủy, người dân các địa phương đã khẳng định rõ vai trò quan trọng của nguồn vốn này trong việc hỗ trợ họ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Bởi trên thực tế, với những nỗ lực không ngừng, chỉ trong vòng 10 năm, Ba Chẽ đã đạt được thành tựu ấn tượng khi giảm hơn 30% hộ nghèo. Việc xóa bỏ hoàn toàn nhà dột nát, nhà tạm cho thấy quyết tâm xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Theo ông Lê Hồng Phú, hiện quy trình giải ngân được thực hiện rất nhanh chóng. Đối với giao dịch tại xã đều được Ngân hàng thực hiện vào một ngày cố định trong tháng, trước ngày giao dịch các tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn đã chủ động rà soát hồ sơ và gửi lên xã, ngân hàng trước đó vài ngày. Nhờ vậy, ngân hàng có đủ thời gian để thẩm định và phê duyệt hồ sơ. Vào ngày giao dịch, công việc chính là giải ngân, thu nợ và giải quyết một số công việc khác ngay tại trụ sở UBND cấp xã. Tỷ lệ hồ sơ được duyệt và giải ngân đạt gần 100%, điều này cho thấy quá trình phối hợp giữa ngân hàng với chính quyền cơ sở và các tổ vay vốn đã trở nên rất nhuần nhuyễn.
Các hộ dân trong thôn đã quen thuộc với quy trình và các tổ vay vốn cũng đã nắm vững tiêu chí để bình xét công khai, lựa chọn lập danh sách, hồ sơ vay vốn của khách hàng. Nhờ vậy, việc xảy ra các vấn đề phát sinh sau khi giải ngân là rất hiếm.
Các hộ dân trong thôn đã quen thuộc với quy trình và các tổ vay vốn cũng đã nắm vững tiêu chí để lựa chọn khách hàng phù hợp. Nhờ vậy, việc xảy ra các vấn đề phát sinh sau khi giải ngân là rất hiếm.
“Cuộc sống của bà con đã được nâng cao đáng kể. Từ việc từng phải vay mượn, trồng trọt nhiều vụ để xây dựng nhà cửa, bà con nay đã chủ động mở rộng sản xuất, hướng tới mục tiêu sở hữu ô tô. Nhờ sự đầu tư mạnh mẽ của tỉnh vào các huyện vùng sâu, vùng xa, hệ thống giao thông đã có sự thay đổi rõ rệt. Đường xá được mở rộng, nâng cấp, cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều trạm xá, trường học khang trang. Hạ tầng thôn bản cũng được cải thiện đáng kể”, ông Lê Hồng Phúc cho biết.
Thấy đồng vốn được đảm toàn, hiệu quả đối với công cuộc xóa nghèo nhìn thấy rõ, tỉnh Quảng Ninh cũng tăng cường cấp vốn ủy thác của địa phương cho các địa bàn còn khó khăn. Ông Phúc cho biết, trong nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Chẽ, có 2 tỷ đồng vốn đến từ chính quyền huyện, hơn 135 tỷ đồng từ tỉnh Quảng Ninh.
“Đây là nguồn vốn mồi để giúp bà con làm giàu và nhân lên tính hiệu quả của đồng vốn, đồng thời cũng là uy tín của cả hệ thống khi cùng chung tay giúp bà con cải thiện điều kiện kinh tế, phát triển một cách bền vững”, ông Phú khẳng định.
Đồng thuận, siết chặt công tác phối hợp
Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tính đến 30/6/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Quảng Ninh là 5.075,5 tỷ đồng, tăng 3.426,7 tỷ đồng (tăng 2,07 lần) so với năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20,7%/năm. Trong đó, nguồn vốn Trung ương là 3.880,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 76,5%/tổng nguồn vốn, tăng 2.268 tỷ đồng so với năm 2014; vốn ngân sách địa phương ủy thác đạt 1.195,1 tỷ đồng, chiếm 24% tổng nguồn, tăng 1.158,7 tỷ đồng tăng gấp 31,9 lần so với thời điểm trước khi Chỉ thị số 40-CT/TW được ban hành (cuối năm 2014 là 36,3 tỷ đồng).
Bà Vũ Thị Ngọc Bích, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Việc huy động vốn thành công là nhờ sự quan tâm đặc biệt của tỉnh. Lãnh đạo các cấp đánh giá cao hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách trong việc nâng cao đời sống người dân. Qua các đợt giám sát, ý kiến của bà con được ghi nhận và lãnh đạo tỉnh khẳng định tầm quan trọng của nguồn vốn này. Để tiếp tục hỗ trợ người dân, tỉnh đã chủ động bổ sung nguồn vốn thay thế nguồn vốn trung ương, đảm bảo duy trì và mở rộng tín dụng chính sách”.
Theo bà Bích, lãnh đạo tỉnh tham gia Ban đại diện với vai trò là Trưởng ban, cùng Giám đốc NHNN và lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã nỗ lực tối đa để đảm bảo nguồn vốn, tăng cường quản lý và thường xuyên báo cáo tình hình hoạt động. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng.
So với 10 năm trước, tình hình đã có sự cải thiện đáng kể khi tỷ lệ nợ quá hạn giảm xuống còn 0,03% tổng dư nợ. Việc đánh giá chất lượng tín dụng chính sách đã được đưa vào các tiêu chí chấm điểm của hội đồng từ cấp xã đến cấp tỉnh, tạo động lực thúc đẩy các cấp, các ngành nâng cao hiệu quả hoạt động. Nhờ những nỗ lực không ngừng, Quảng Ninh đã xây dựng được một hệ thống tín dụng lành mạnh, được sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị tỉnh.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh Quảng Ninh cũng nhìn nhận việc thực hiện Chỉ thị 40 đã mang lại những hiệu quả tích cực rõ rệt đối với Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh chuyển sang hỗ trợ các hoạt động của ngân hàng đã tăng lên đáng kể, góp phần triển khai hiệu quả hơn các chính sách và chương trình, đặc biệt trong lĩnh vực hỗ trợ sau thiên tai và cho vay hộ nghèo, cận nghèo…
Ông Hiển cũng nhấn mạnh sự khác biệt so với trước đây: “Lúc trước, nguồn vốn ngân sách tỉnh thường được phân bổ rải rác, kể cả cho các địa phương chưa có khả năng tự cân đối. Tuy nhiên, từ khi có Chỉ thị 40, việc tập trung vốn vào các chương trình chung của tỉnh đã mang lại hiệu quả rõ rệt hơn. Nhờ đó, nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ hiệu quả các đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh”.
Ngân hàng Chính sách xã hội sở hữu mạng lưới rộng khắp từ tỉnh đến xã, với các điểm giao dịch lưu động thường xuyên tại các địa phương. Việc giải ngân và thu hồi nợ được thực hiện theo lịch trình cụ thể, đảm bảo tiếp cận tối đa các đối tượng khó khăn. Tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, phản ánh hiệu quả quản lý tín dụng của ngân hàng. Hệ thống hoạt động ổn định, với tỷ lệ nợ xấu chưa đến 0,1%, cho thấy các tổ vay vốn hoạt động hiệu quả và được quản lý chặt chẽ.
Ông Thái Mạnh Cường – Phó Giám đốc NHNN tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm: “Tỷ lệ nợ xấu thấp là nhờ vào việc triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng và quản lý nợ. Đặc biệt, sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân… trong việc quản lý và thu hồi nợ đã góp phần đáng kể vào việc kiểm soát nợ xấu. Các hình thức cho vay nhỏ lẻ, cho vay cộng đồng cũng đạt hiệu quả cao nhờ vào ý thức trách nhiệm của các tổ vay vốn. Họ luôn muốn giữ gìn uy tín của cộng đồng nên đã thực hiện nghĩa vụ trả nợ rất tốt”.
Chủ trương, chính sách về tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội luôn được thông tin công khai đến người dân.
Tiếp tục phát huy hiệu quả tín dụng chính sách
Mới đây, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã có thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá, sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tín dụng chính sách xã hội đã đi vào cuộc sống, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình, người lao động, các đối tượng chính sách xã hội vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, sửa chữa nhà ở, mua nhà ở xã hội, xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh, tạo việc làm, sinh kế, ồn định và nâng cao thu nhập.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Đề án số 409- QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tạo đột phá nâng cao thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn, miền núi, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống mọi mặt của Nhân dân, nhanh chóng rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW, Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 28/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội coi tín dụng chính sách xã hội là chính sách góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, mục tiêu về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, liên tục để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021 – 2025) và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2021 – 2030). Do đó, các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội phải tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Đồng thời, cần quan tâm cân đối, bố trí vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay theo Nghị quyết số 111/2024/QH/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/tin-dung-chinh-sach-xoa-trang-ho-ngheo-159032-159032.html