(PLVN) – Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ An Phong cho rằng, du lịch nông thôn không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn mà còn bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái, môi trường, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp góp phần thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng giữa người dân nông thôn và đô thị.
Ngày 10/12, tại Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An, Bộ VH-TT&DL phối hợp với Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn lần thứ nhất và Phiên họp thường niên Mạng lưới Làng Du lịch Tốt nhất lần thứ hai của UN Tourism (ngày 9-11/12/2024).
Đây là sự kiện mang tính toàn cầu đầu tiên của UN Tourism về du lịch nông thôn, thu hút sự tham dự của hơn 300 đại biểu từ 50 quốc gia trên toàn thế giới, đại diện cho các cơ quan quản lý cấp quốc gia và địa phương các nước thành viên UN Tourism và Việt Nam, các tổ chức quốc tế, cộng đồng du lịch và khu vực tư nhân.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Công Huy). |
Tại hội nghị, các đại biểu sẽ thảo luận và định hướng các chính sách phát triển du lịch nông thôn bền vững, đảm bảo phân phối công bằng lợi ích du lịch, tạo việc làm, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, hòa nhập xã hội, trao quyền cho cộng đồng địa phương và các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, thanh niên và người dân bản địa.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ An Phong đã bày tỏ niềm tự hào khi Việt Nam là đất nước đăng cai, đồng hành cùng UN Tourism trong việc tổ chức Hội nghị.
Theo Thứ trưởng Phong, khu vực nông thôn sở hữu đa dạng các di sản văn hóa và và thiên nhiên đặc sắc với nhiều giá trị đặc trưng khác biệt với khu vực đô thị, đó là cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa truyền thống và cộng đồng địa phương đầy bản sắc. Đây là những tài nguyên quý giá cung cấp các giá trị trải nghiệm khác biệt, góp phần thu hút khách du lịch về khu vực nông thôn và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ An Phong phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Công Huy). |
Việt Nam là đất nước nông nghiệp với hơn 70% dân số sống ở khu vực nông thôn với lợi thế về tài nguyên giàu bản sắc. Trong những năm qua, Việt Nam rất quan tâm phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc, hấp dẫn, có khả năng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đem lại sự đa dạng trong cung ứng dịch vụ, thúc đẩy kết nối tour tuyến, mở rộng không gian đón khách về nông thôn.
“Du lịch đã đóng góp không nhỏ việc làm thay đổi “bộ mặt” của nhiều vùng nông thôn, đưa nhiều vùng nông thôn hạn chế về điều kiện phát triển nhưng trở thành “vùng quê đáng sống”, du lịch nông thôn không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn mà còn bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái, môi trường, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp góp phần thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng giữa người dân nông thôn và đô thị”, Thứ trưởng Phong nhấn mạnh.
Du khách quốc tế tham quan, trải nghiệm tại làng rau Trà Quế (Hội An) vừa được công nhận là Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2024. (Ảnh: Công Huy). |
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phong cho rằng, cũng như nhiều quốc gia đang phát triển, khu vực nông thôn của Việt Nam cũng phải đối mặt với với nhiều thách thức. Mặc dù đã có sự phát triển nhưng đa số các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn ở vùng sâu, vùng xa của Việt Nam có quy mô nhỏ, lẻ, thiếu tính chuyên nghiệp, gặp khó khăn về hạ tầng giao thông và các điều kiện kinh tế xã hội khác, hạn chế về nguồn lực đầu tư; nguồn nhân lực và khả năng kết nối thị trường… Điều này đặt ra những yêu cầu trong việc định hướng tầm nhìn, tìm kiếm các giải pháp hiệu quả trong việc thực thi các chính sách phát triển du lịch nông thôn ở Việt Nam đảm bảo các mục tiêu đề ra cũng như thích ứng với những vấn đề mang tính toàn cầu.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cũng bày tỏ niềm vinh dự khi địa phương được lựa chọn là địa phương đăng cai tổ chức hội nghị quan trọng này.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Công Huy). |
Theo Bí thư Triết, du lịch nông nghiệp – nông thôn tại Quảng Nam bắt đầu hình thành từ những năm 2010 và phát triển mạnh từ năm 2013. Các điểm du lịch phân bố ở hầu hết các địa phương toàn tỉnh, hiện nay có 126 điểm đã được thống kê, trong đó nhiều điểm hoạt động rất hiệu quả như: Làng gốm Thanh Hà, Làng rau Trà Quế, Rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh, Làng mộc Kim Bồng (Hội An), Làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơtu (Nam Giang)…
“Hội nghị là cơ hội quý giá để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh “Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh”; thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa du lịch Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng với UN Tourism và các nước, các tổ chức thành viên, Làng Du lịch tốt nhất của UN Tourism”, ông Triết nhấn mạnh.
Bà Zoritsa Urosevic, Phó Tổng Thư ký UN Tourism cho biết, rất vinh dự khi được tham dự Hội nghị Du lịch Liên Hợp Quốc đầu tiên về Du lịch vì Phát triển Nông thôn tại TP Hội An đầy mê hoặc.
Thứ trưởng Hồ An Phong và Bí thư Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết tặng quà lưu niệm cho bà Zoritsa Urosevic, Phó Tổng Thư ký UN Tourism. (Ảnh: Công Huy). |
Bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Chính phủ Việt Nam, Bộ VH-TT&DL và UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức sự kiện mang tính bước ngoặt này một cách nồng nhiệt và chuyên nghiệp, bà Zoritsa Urosevic khẳng định, Hội nghị này là một cột mốc quan trọng của UN Tourism. Hội nghị là cam kết mạnh mẽ của Du lịch Liên Hợp Quốc, dưới sự lãnh đạo của Tổng thư ký Zurab Pololikashvili, trong việc ưu tiên phát triển nông thôn như nền tảng cho sự phục hồi và bền vững toàn cầu.
“Chương trình Du lịch Phát triển Nông thôn và Sáng kiến Làng Du lịch tốt nhất là minh chứng cho cam kết này. Chúng ta có mặt ở đây không chỉ để thảo luận, đưa ra định hướng phát triển du lịch nông thôn mà còn lan toả các giá trị, tiềm năng của du lịch như một nhân tố quan trọng có thể làm thay đổi cuộc sống, trao quyền cho cộng đồng nông thôn và thúc đẩy công bằng kinh tế- xã hội”, bà Zoritsa Urosevic chia sẻ.
Nguồn: https://baophapluat.vn/du-lich-nong-thon-thu-hep-khoang-cach-ve-thu-nhap-va-thu-huong-post534330.html