93% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch
Theo Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Yên Bái, đến hết năm 2022 dân số nông thôn trên địa bàn tỉnh được tiếp cận và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh khoảng trên 600.000 người, đạt 93%. Trong đó, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp về sinh từ công trình cấp nước tập trung là 29% với 358 công trình; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp về sinh từ công trình nhỏ lẻ là 62% với khoảng 100.000 công trình.
Có thể thấy, là một tỉnh miền núi, dân cư sinh sống phân tán nhất là khu vực vùng cao, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống vấn đề cấp nước hợp vệ sinh cho người dân luôn được tỉnh Yên Bái quan tâm. Năm 2017, Cụm công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân 3 xã: Phù Nham, Thanh Lương, Thạch Lương của thị xã Nghĩa Lộ đã được xây dựng. Công trình có tổng mức đầu tư xây dựng trên 21tỷ đồng, theo quy mô thiết kế công trình có công suất gần 1.700m3 một ngày đêm, có thể phục vụ cho gần 2.200 hộ dân. Sau khi đưa vào sử dụng người dân 3 xã rất phấn khởi vì có nguồn nước hợp vệ sinh để sử dụng.
Được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh, bà Nguyễn Bích Thủy – xã Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ phấn khởi nói: “Trước đây khi chưa có nguồn nước hợp vệ sinh sử dụng nhà tôi phải sử dụng nước giếng nhưng nguồn nước không được đảm bảo, bị lẫn một số tạp chất, khi giặt quần áo trắng bị ố vàng. Đến mùa hanh khô lượng nước ít không đủ sinh hoạt rất vất vả. Từ ngày được sử dụng nguồn nước tập trung hợp vệ sinh chúng tôi cảm thấy mừng lắm! Vào mùa khô không còn sợ thiếu nước sinh hoạt nữa”.
Có được kết quả đó, thời gian qua tỉnh Yên Bái đã ban hành kế hoạch hành động và các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện theo Chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đặc biệt là thực hiện Chương trình “ Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả “ vốn vay Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2016-2022.
Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ
Là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, để giải quyết vấn nguồn nước hợp vệ sinh cho người dân vùng cao là bài toán không hề dễ. Trước thực tế này, trong nhiều năm qua tỉnh Yên Bái đã tranh thủ các nguồn vốn từ các chương trình, dự án nên đến nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có 358 công trình cấp nước được đầu tư xây dựng.
Ông Trần Anh Văn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Yên Bái cho biết: Để thực hiện tốt chủ trương nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đáp ứng tiêu chí số 17.1 trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nước sạch và vệ sinh môi trường; công tác quản lý vận hành công trình cấp nước nông thôn được quan tâm, UBND tỉnh có quyết định bàn giao tài sản cho UBND các xã quản lý, ban quản lý công trình hoạt động theo quy chế phân công nhiệm vụ từng thành viên trong ban quản lý nhằm phát huy tốt hiệu quả các công trình. Ngoài nhiệm vụ quản lý, vận hành, bảo dưỡng công trình, thành viên ban quản lý còn có trách nhiệm thực hiện bảo vệ các tác động bên ngoài gây ảnh hưởng đến nguồn nước, nguồn sinh thủy.
Cùng với đó, tiếp tục tập trung mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật cấp nước sinh hoạt tập trung, lồng ghép bằng nhiều nguồn vốn của các chương trình để xây dựng mới và cải tạo sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Tỉnh chỉ đạo Ngân hàng chính sách xã hội sử dụng nguồn vốn giúp người dân xây dựng các công trình cấp nước nhỏ lẻ, tạo điều kiện để nhiều người được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Tuy nhiên, cũng có nhiều công trình bị xuống cấp, hư hỏng hoạt động kém hiệu quả do một số nguyên nhân chủ yếu như: Mưa bão, lũ ống, lũ quét gây hư hỏng, công tác quản lý khai thác và bảo vệ không tốt do thiếu kinh phí, ý thức bảo vệ của người dân chưa cao, việc thu phí nước gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Anh Văn cho biết thêm, để tiếp tục sử dụng có hiệu quả các công trình cấp nước tập trung, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động cấp nước sạch nông thôn, trên cơ sở cần phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các đơn vị, cá nhân tham gia thực hiện chương trình. Xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương và người hưởng lợi đối với việc bảo vệ, sử dụng hiệu quả các công trình đã xây dựng. Đồng thời, tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng để tạo nguồn sinh thủy, tránh mất nguồn nước tự nhiên.
Có thể thấy, trong thời gian qua tỉnh Yên Bái luôn quan tâm đến việc rà soát đánh giá chất lượng các công trình, bảo đảm cấp nước liên tục, ổn định đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng; có phương án kiểm soát nguy hại, rủi ro, sự cố có thể xảy ra trong quá trình vận hành hệ thống; có cơ chế quản lý tài chính rõ ràng để đảm bảo sự bền vững cho các công trình.
Qua đó sẽ giúp tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%; duy trì hoạt động ổn định các công trình cấp nước hiện có; lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo sửa chữa, mở rộng, xây mới các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung; hỗ trợ hộ dân xây dựng các công trình cấp nước nhỏ lẻ trong giai đoạn 2021 – 2025 và mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.