Chuyến bay thử nghiệm thứ 6 vừa qua của Starship không thành công như lần thứ 5, bởi lẽ việc bắt lại tầng đẩy bằng cánh tay máy đã bất ngờ bị huỷ bỏ. Thay vì hạ cánh xuống bệ phóng, tầng đẩy của Starship là Super Heavy rơi xuống biển, nổ tung thành nhiều mảnh. Tầng trên là tàu vũ trụ Starship cũng chịu chung số phận, dù có cú đáp nhẹ nhàng hơn.
Giờ đây, nhiệm vụ của SpaceX là thu hồi lại các mảnh vỡ của chiếc tàu vũ trụ thử nghiệm từ bờ biển ngoài khơi phía tây Australia, và từ đó có thêm dữ liệu, kinh nghiệm cho những lần phóng tới.
video-element" data-id="gerg3tjTQGSO9HXhF4stfga_b_ca_b_c">
Video quá trình thu hồi mảnh vỡ tàu Starship. (Video: Interstellar Gateway)
Dựa trên quá trình điều tra của nhà sáng tạo nội dung chuyên về SpaceX Interstellar Gateway, SpaceX sẽ trục vớt toàn bộ Starship về bằng nhiều bước chuẩn bị kỹ lưỡng.
“Đây là lần đầu tiên xuất hiện một con tàu được trang bị đặc biệt để kéo, cho thấy SpaceX đang chuẩn bị đưa toàn bộ Starship trở về cảng. Qua quá trình quan sát tại cảng, chúng tôi nhận thấy họ đã chuẩn bị đầy đủ dây cáp, thiết bị cần thiết để kéo tàu, và một khu vực tập kết có sẵn cần cẩu, sẵn sàng trục vớt Starship khỏi mặt nước”, Interstellar Gateway chia sẻ với Gizmodo.
Trước đó, SpaceX khiến cả thế giới kinh ngạc với thử nghiệm bay quỹ đạo lần thứ 5 của Starship vào tháng 10. Sau khi lên không gian, tầng đẩy dưới của tên lửa, Super Heavy, đã hạ cánh có kiểm soát xuống mặt đất, tự điều hướng trở lại bệ phóng và được đôi cánh tay cơ học tóm gọn giữa không trung – một kỳ tích kỹ thuật đầy ấn tượng.
Tuy nhiên, trong thử nghiệm mới nhất vào tháng 11, tên lửa đã không thể lặp lại thành công này. Chỉ 4 phút sau khi phóng, SpaceX buộc phải hủy bỏ kế hoạch bắt tầng đẩy, khiến nó rơi xuống Vịnh Mexico và phát nổ ngay khi tiếp nước.
Trong khi đó, tầng trên – tàu Starship – đã cho thấy khả năng tái kích hoạt một trong các động cơ đẩy ở trong không gian và hạ cánh nhẹ nhàng, có kiểm soát xuống đại dương. Dù vậy, nó vẫn bốc cháy và vỡ ra sau khi tiếp nước, tất nhiên là không hoàn toàn bị hủy hoại như tầng đẩy dưới.
Bên cạnh mục đích tăng khả năng tái sử dụng trong các lần phóng sau này, SpaceX còn có động lực khác để thu hồi nguyên vẹn tàu Starship.
“SpaceX chỉ có thể thu thập một lượng dữ liệu giới hạn từ Starship thông qua truyền dẫn Starlink, bởi tàu luôn chìm ngay sau khi tiếp nước. Tương tự như các dữ liệu quý giá thu được từ tầng đẩy đầu tiên được bắt và giữ nguyên vẹn, việc đưa Starship trở lại đất liền sẽ giúp phát hiện hàng loạt lỗi cấu trúc và các vấn đề không thể quan sát được“, và từ đó có thêm kinh nghiệm quý báu cho các thử nghiệm tiếp theo.
Chuyến phóng Starship tiếp theo được cho là sẽ diễn ra sớm nhất ngày 11/1 năm tới.