Nếu như ai một lần đi qua dốc Truông Dong, xóm Tân Thịnh, xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An để một lần được thưởng thức chiếc bánh chưng nóng hổi ở đây, mọi người hẳn sẽ nhớ mãi hương vị thơm ngon được làm từ gạo nếp, nhân đỗ xanh, thịt lợn sạch cùng tiêu, hành… Nhờ làm nghề bánh chưng mà nhiều hộ gia đình nơi đây trở nên khấm khá, làm giàu nuôi các con ăn học trưởng thành.
Gia đình ông Phan Đình Thành và vợ là Nguyễn Thị Duyên, ở xóm Tân Thịnh, xã Giang Sơn Đông làm nghề bánh chưng tính đến nay đã hơn 3 đời. Ông Thành làm nghề bánh chứng bắt đầu từ khi mới 15 tuổi. Nối tiếp truyền thống gia đình, ông đã đã duy trì và phát triển tốt nghề làm bánh chưng. Hiện nay mỗi ngày gia đình ông làm từ 200 đến 300 chiếc bánh chưng và bánh tét/ ngày. Bánh chưng loại lớn có trọng lượng 1,2kg, bánh tét trọng lượng 1,5kg. Mùa đông, bánh chưng được làm và bán nhiều hơn mùa hè, dịp lễ, Tết bánh chưng lại làm nhiều hơn.
Ông Phan Đình Thành và vợ là bà Nguyễn Thị Duyên gói bánh chưng, bánh tét để phục vụ khách hàng trong dịp Tết . |
Ngay từ đầu tháng 12 âm lịch đến 30 Tết có thể mỗi ngày sản xuất từ 500 đến 1000 chiếc bánh tét, bánh chứng, với giá mỗi bánh chưng loại to 40 ngàn đồng/ chiếc, bánh tét loại to là 50 ngàn đồng/ chiếc. Có ngày làm không kịp cho khách mua và cháy hàng. Ông Thành phấn khởi cho biết: “Bánh chưng của gia đình chúng tôi ngoài bán cho người dân trong huyện, người đi đường còn xuất bán sang huyện Tân Kỳ, Thanh Chương, Nam Đàn, TP Vinh, gửi ra Hài Phòng, Đà Nẵng, Hà Nội, Bắc Giang và TP Hồ Chí Minh…, Thậm chí người dân còn mua để đưa sang tận Hàn Quốc,Trung Quốc và một số nước khác trên thế giới”.
Ngày thường gia đình gói bánh chưng và bánh tét hết khoảng 40kg gạo nếp, dịp Tết, ngay lễ có khi gói đến 2 tạ đến 2,5 tạ nếp, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 3 đến 4 lao động có thu nhập ổn định. Đặc biệt dây gói bánh phải bằng dây giang lấy từ rừng về. Sản phẩm bánh chưng của gia đình ông Phan Đình Thành đã được UBND huyện Đô Lương công nhận sản phẩm OCOP, đạt hạng 3 sao năm 2023
Cùng làm nghề bánh chưng như ông Phan Đình Thành, năm nay đã hơn 50 tuổi nhưng bà Võ Thị Hoa, ở dốc Truông Dong, xóm Tân Thịnh có đến 30 năm gắn bó với nghề bánh chưng do mẹ chồng truyền lại. Mỗi ngày, bà Hoa gói 200 chiếc bánh chưng loại to, 100 chiếc bánh tét, 100 chiếc bánh chưng các loại. Xuất bán bánh chưng to 40.000 đồng/chiếc, loại nhỏ 10.000 đồng, bánh tét 50.000 đồng/chiếc.
Một số nguyên liệu để cho ra sản phẩm bánh chưng, bánh tét thơm ngon |
“Nhờ làm nghề bánh chưng mà gia đình tôi khấm khá hơn, chi tiêu hàng ngày thoải mái hơn, đầu tư cho các con ăn học đến nơi đến chốn, không bận tâm về kinh tế, ngoài ra mỗi năm trích một phần chi tiêu để làm từ thiện cho thôn xóm và địa phương. Bà Võ Thị Hoa chia sẻ;
Dịp ngày thường, gia đình chị Hoa mỗi ngày gói bánh hết 30 kg nếp, riêng ngày lễ- tết, mỗi ngày gói 1,5 tạ đến 2 tạ nếp, phải thuê người làm phụ, còn 2 vợ chồng bà và cô con gái trực tiếp gói bánh. Dịp tết làm theo đơn đặt hàng cho khách ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng…Hiện nay đã có khách ở thị xã Hoàng Mai đặt làm 300 bánh chưng loại lớn, 100 bánh tét.
Để có bánh chưng thơm ngon, gia đình bà Hoa và một số hộ gia đình ở dốc Truông Dong thường sử dụng nếp Lào, nếp Thái. Rửa sạch gạo nếp bằng nước sạch để ráo, thêm 1 tới 2 muỗng muối vào gạo và trộn đều tuỳ theo lượng gạo. Đậu xanh xay loại vỏ nấu chín vắt thành viên to, hay nhỏ tuỳ theo mức độ của cái bánh to hay nhỏ. Thịt lợn sạch đặt hàng ở nơi thân quen, có uy tính lâu năm. Bên cạnh đó, nhân bánh phải sử dụng thịt lợn có cả chả và mỡ, bổ sung thêm các loại gia vị như tiêu, hành và một số gia vị khác” Chi Hoa cho biết thêm. Bình thường bánh chưng của người Giang Sơn Đông được nấu trong khoảng thời gian 5 tiếng. Bánh Tết thì phải nấu từ 6 đến 7 tiếng vì khách hàng để lâu hơn, có thể để 14 đến 15 ngày. Về chất đốt, các hộ dân nơi đây thường sử dụng củi. Nhà nào cũng tích trữ củi khá nhiều để sử dụng thường xuyên. Bên cạnh đó, nguyên liệu gói bánh ngoài lá dong rừng hoặc lá dong trồng trong vườn nhà, ngoài sử dụng lá dong còn sử dụng thêm lá chuối.
Bánh phải nấu bằng chất đốt là củi khô |
Để giảm chi phí, một số hộ còn trồng cả 1 vườn chuối lớn để lấy lá gói bánh. Nghề làm bánh chưng ở xã Giang Sơn Đông hiện nay đang phát triển rất mạnh, ngoài hộ gia đình bà Hoa, chi Vy còn có nhiều hộ gia đình khác như: hộ gia đình anh Phan Đình Thành, bà Nguyễn Thị Hậu, chị Thanh Hà, chị Hà Hùng… Bánh chưng xã Giang Sơn Đông được khách hàng đánh giá có mùi thơm ngon, khi ăn vào miệng miếng bánh mềm dẻo, quyện lẫn mùi thơm bùi bùi của đậu xanh, cộng với vị béo, thơm ngon của miếng thịt mềm từ da cho đến thịt nạc đã được ninh nhừ. Ngày Tết, bánh được ăn kèm với thịt đông, dưa hành, củ kiệu… Các vị ngon ngọt, mềm mại của bánh được bổ sung thêm vị chua ngọt của dưa kiệu, dưa hành. Bánh chưng Giang Sơn Đông – Đô Lương vừa là món ăn phục vụ những người sành ăn và cũng là món ăn dân dã, vừa tiền cho những người dân lao động.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, ở huyện Quỳnh Lưu và Anh Phan Văn Đức, ở xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu – là những người thường xuyên đi bán muối qua dốc Truông Dong cho biết: “Bánh chưng ở đây có mùi vị rất ngon so với nhiều vùng khác tôi đi qua, giá thành lại rẻ, ăn chắc bụng, người dân lao động như chúng tôi không sợ đói bụng khi đi dọc đường, sau khi ăn xong, ít nhất mỗi người cũng phải mua từ 5 đến 6 cặp bánh chưng để sáng sớm mai các con ăn sáng đi học rất tiện và chắc bụng, hoặc biếu cho người thân”. Dịp cuối năm, những hộ làm nghề bánh chưng ở đây lại bận rộn, tất bật ngày đêm với nghề, tuy phải thức khuya dậy sớm, nhưng bù lại đây là nghề cho thu nhập ổn định, tương đối khá so với một số nghề khác.