Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như đồ gỗ nội thất, máy móc, giày dép và sản phẩm cao su đã ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ và ổn định trong quan hệ thương mại song phương. Đến cuối tháng 11 năm 2024, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục tăng, đạt 135 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 123 tỷ USD, tăng 23%, còn nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 12 tỷ USD, tăng 15%.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng là quốc gia áp dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm điều tra chống trợ cấp và chống bán phá giá, tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như đồ gỗ, thủy sản, dệt may, da giày… Các cuộc điều tra xác định liệu các sản phẩm này có được trợ cấp từ chính phủ hay bán với giá thấp hơn giá trị thực tế, gây thiệt hại cho ngành sản xuất Hoa Kỳ hay không. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng siết chặt các quy định nhằm ngăn chặn hành vi chuyển tải, gian lận nguồn gốc xuất xứ để hưởng lợi.
Bên cạnh các vụ việc điều tra, Hoa Kỳ cũng yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe đối với các sản phẩm nông sản, thủy sản nhập khẩu. Hoa Kỳ cũng thay đổi quy trình rà soát hàng năm theo hướng tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại, tạo ra áp lực lớn hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Trước những thách thức ngày càng gia tăng từ các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam cần triển khai các giải pháp đồng bộ để giảm thiểu rủi ro và duy trì vị thế cạnh tranh. Việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Hoa Kỳ là điều kiện tiên quyết, bao gồm minh bạch hóa quy trình sản xuất và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng nhằm đáp ứng các yêu cầu pháp lý, đồng thời tăng niềm tin từ phía đối tác và khách hàng. Các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nguồn nguyên liệu đầu vào để giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất và hạn chế tác động tiêu cực từ các biện pháp phòng vệ thương mại.
Ngoài ra, nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản và thực phẩm, cần đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, bảo vệ thực vật, và môi trường. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất không chỉ giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh mà còn tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đồng thời, doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng và hiệp hội ngành hàng để nắm bắt kịp thời các thay đổi trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ, từ đó xây dựng chiến lược ứng phó hiệu quả.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và các biện pháp ứng phó phù hợp, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua những rào cản thương mại từ phía Hoa Kỳ, duy trì và mở rộng thị phần tại thị trường này. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực mà còn thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phát triển bền vững, tạo nền tảng vững chắc cho Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào thị trường toàn cầu.
Nhằm thông tin thêm về các vấn đề phòng vệ thương mại với thị trường Hoa Kỳ, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Vấn đề phòng vệ thương mại với thị trường Hoa Kỳ”.
Tham dự Tọa đàm gồm có:
– Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn;
– Bà Nguyễn Yến Ngọc – Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ Thương mại
– Bà Virginia Foote- AmCham Hanoi Vietnam (thành viên); President and CEO công ty Bay Global Strategies LLC .
Chi tiết Tọa đàm xem tại đây: talk 2.mp4 – Google Drive
Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/toa-dam-truc-tuyen-van-de-phong-ve-thuong-mai-voi-thi-truong-hoa-ky.html