(PLVN) – Phát triển lĩnh vực bán dẫn là đột phá chiến lược và cũng là nhiệm vụ trọng tâm, là việc cần làm, phải làm và quyết tâm làm bằng được. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi giao nhiệm vụ chung và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể với các Bộ, ngành, địa phương, tại Phiên họp lần thứ nhất vừa diễn ra của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Ảnh minh hoạ. |
(PLVN) – Phát triển lĩnh vực bán dẫn là đột phá chiến lược và cũng là nhiệm vụ trọng tâm, là việc cần làm, phải làm và quyết tâm làm bằng được. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi giao nhiệm vụ chung và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể với các Bộ, ngành, địa phương, tại Phiên họp lần thứ nhất vừa diễn ra của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Công nghiệp bán dẫn đang được kỳ vọng trở thành một trong những động lực đột phá mới, đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình. Thời gian vừa qua, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn. Trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam hiện đang tham gia vào nhiều công đoạn như thiết kế, kiểm thử, đóng gói vi mạch, sản xuất thiết bị và nguyên liệu liên quan bán dẫn. Hiện nay, Việt Nam có hơn 50 doanh nghiệp (DN) thiết kế vi mạch với đội ngũ nhân lực ước tính hơn 6.000 kỹ sư. Công đoạn đóng gói kiểm thử có 7 nhà máy, với khoảng 6.000 kỹ sư và hơn 10.000 kỹ thuật viên. Các DN về sản xuất thiết bị và nguyên liệu cho ngành công nghiệp bán dẫn cũng đã bắt đầu đi vào hoạt động. Việt Nam hiện có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD.
Niềm tin có cơ sở vững chắc khi nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu đã có kế hoạch cụ thể chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam.
Tập đoàn Nvidia hiện thực hóa cam kết “biến Việt Nam thành ngôi nhà thứ hai của Nvida”, thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Trí tuệ nhân tạo (AI) và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam. Ngoài ra, Nvidia còn mua lại VinBrain, là một Cty trí tuệ nhân tạo của Vingroup, để phát triển một trung tâm thiết kế tương lai lớn ở Việt Nam. Mới đây khi sang Việt Nam nhận Giải thưởng VinFuture (ngày 5/12), tỷ phú Jensen Huang, Chủ tịch Nvida đã bày tỏ ấn tượng với tầm nhìn tương lai và quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Chính phủ Việt Nam; đánh giá các lợi thế cạnh tranh, nhất là chất lượng nguồn nhân lực, tiềm năng phát triển và ứng dụng rộng rãi các công nghệ mới của Việt Nam.
Để kỳ vọng trở thành hiện thực, để công nghiệp bán dẫn trở thành động lực thực sự, có nhiều việc phải làm. Trước hết, đó là khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách; cần rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển công nghiệp bán dẫn; phát triển Quỹ Hỗ trợ đầu tư với nhiều đột phá ưu đãi cho các dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển, dự án trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Về nguồn nhân lực, nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học cần khẩn trương thúc đẩy liên kết 3 nhà “Nhà nước – nhà trường – nhà DN” và tổ chức đào tạo ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, đáp ứng yêu cầu xây dựng hạ tầng giáo dục, khởi nghiệp AI.
Nguồn: https://baophapluat.vn/hien-thuc-hoa-chu-truong-phat-trien-cong-nghiep-ban-dan-post535082.html