Dự báo của Citi Bank cho biết, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2024 và đà tăng trưởng sẽ kéo dài trong trung và dài hạn.
Citi Bank: Kinh tế Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa cho tăng trưởng
Dự báo của Citi Bank cho biết, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2024 và đà tăng trưởng sẽ kéo dài trong trung và dài hạn.
Tại hội thảo “Đầu tư 2025: Giải mã biến số – Nhận diện cơ hội” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 12/12, ông Hoàng Xuân Trung, Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp – Khối nguồn vốn, Ngân hàng Citi Việt Nam đã trình bày tham luận về vấn rủi ro căng thẳng thương mại có thể xảy ra khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ lần thứ hai và những cơ hội, thách thức của Việt Nam trong bối cảnh này.
Dự báo của Citi Bank cho biết, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2024 và đà tăng trưởng sẽ kéo dài trong trung và dài hạn. Năm 2025, Citi Bank dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt 6,6%, cao hơn mức IMF dự báo.
Ông Hoàng Xuân Trung cho rằng, Việt Nam vẫn còn có nhiều dư địa cho tăng trưởng nhờ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết với các nước, khu vực. Đây được xem là “của để dành” cho Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, mở rộng cơ hội phát triển.
Việt Nam còn có lợi thế về địa chính trị, gần nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu là Trung Quốc và. thuận lợi trong kết nối giao thương. Yếu tố chi tiêu tiêu dùng cũng hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng kinh tế. Hiện Việt Nam có dân số hơn 100 triệu dân, GDP bình quân đầu người năm 2024 ước khoảng 4.700 USD. Tính đến hết năm 2025 GDP bình quân đầu người có thể đạt đến con số 5.000 USD.
Ngoài ra, sự dịch chuyển sản xuất đang mang lại lợi thế cho Việt Nam. Nước ta đang hưởng lợi nhiều khi các doanh nghiệp chuyển dịch sản xuất tìm đến các nước trong khu vực châu Á, trong đó, Việt Nam là điểm sáng.
Ông Hoàng Xuân Trung, Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp – Khối nguồn vốn, Ngân hàng Citi Việt Nam. |
“Trước đây chúng ta hay đặt dấu hỏi Việt Nam có phải là hub (trung tâm) sản xuất thế giới không, nhưng hiện nay rõ ràng Việt Nam là một hub. Trong xu hướng chuyển dịch của doanh nghiệp sản xuất đến châu Á, có ba nước được lựa chọn là điểm đến nhiều nhất gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia. Riêng Việt Nam có điểm sáng về hút vốn FDI. Tính theo GDP, Việt Nam là nước cao nhất trong hút vốn FDI”, ông Hoàng Xuân Trung cho biết.
Về trung và dài hạn, Việt Nam vẫn có tiềm năng lớn trong thu hút vốn FDI nhờ các yếu tố lợi thế địa chính trị, dân số trẻ, chi tiêu tiêu dùng tốt. Đặc biệt, hiện nay, Việt Nam đang thực hiện sáp nhập, tinh giản bộ máy, mạnh mẽ trong cải tổ thể chế, tạo điều kiện tốt cho toàn bộ môi trường kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế, đồng thời có tài chính mạnh để ứng phó với các kịch bản kém tích cực.
Trước các lợi thế trên, kinh tế Việt Nam được thúc đẩy bởi những động lực tích cực về xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng, máy tính,… Thị trường bất động sản đang phục hồi, ngành ngân hàng cũng được hưởng lợi khi trái phiếu doanh nghiệp được mua lại nhiều hơn, hạn chế bớt rủi ro.
“Minh chứng cho những phân tích trên là ngày càng có nhiều tổ chức quốc tế đã nhận định kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao, đó là một điểm sáng tích cực”, ông Hoàng Xuân Trung nhấn mạnh.
Dù vậy, Việt Nam đang là nước có thặng dư thương mại lớn thứ ba tại Mỹ, do vậy, nếu Việt Nam được gọi tên áp thuế suất cao hơn trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump cũng không có gì quá bất ngờ, ông Trung cho biết. Ngoài ra, các vấn đề về tỷ giá cũng có thể tác động đến chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Khi đó, đồng tiền Việt Nam cần phải có sức khoẻ tốt để đối chọi với sự mất giá. Trước bối cảnh này, đại diện Citi Bank đề xuất Nhà nước có thể áp dụng thêm các chính sách tài khoá hơn bên cạnh chính sách tiền tệ để hỗ trợ thêm cho nền kinh tế.
Nguồn: https://baodautu.vn/citi-bank-kinh-te-viet-nam-van-con-rat-nhieu-du-dia-cho-tang-truong-d232443.html