Ngày 16/12, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói trừng phạt thứ 15 nhằm vào Nga. Trong đó, có cả các biện pháp cứng rắn hơn đối với các thực thể Trung Quốc và nhiều tàu thuộc “hạm đội bóng tối” của Moscow.
Gói trừng phạt thứ 15 chưa phải là ‘đòn’ cuối của khối 27 thành viên với Nga. (Nguồn: Pravda) |
Gói trừng phạt thứ 15 bổ sung thêm 52 tàu từ “hạm đội bóng tối” của Nga – những con tàu đang cố gắng lách các hạn chế của phương Tây để vận chuyển dầu, vũ khí và ngũ cốc, nâng tổng số tàu bị trừng phạt lên 79.
Trong số 52 tàu bị xử phạt, có 33 tàu vận chuyển dầu thô hoặc sản phẩm dầu mỏ có nguồn gốc hoặc xuất khẩu từ Nga, nâng tổng số tàu bị xử phạt vì vận chuyển dầu lên 43.
Các hạn chế mới cũng bổ sung thêm 84 cá nhân và tổ chức mới, bao gồm 7 cá nhân và tổ chức Trung Quốc.
Tuyên bố của EC nêu rõ: “Một cá nhân và hai thực thể tạo điều kiện cho việc lách các lệnh trừng phạt của EU và bốn thực thể cung cấp các linh kiện máy bay không người lái nhạy cảm và linh kiện vi điện tử của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho quân đội Nga nằm trong gói trừng phạt”.
Như vậy, đây là lệnh trừng phạt chính thức đầu tiên đối với các thực thể tại đất nước tỷ dân. Các thực thể Trung Quốc sẽ đối mặt với lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản.
Một nhà ngoại giao EU cho biết: “Bước tiến tới các biện pháp trừng phạt hoàn toàn gửi một tín hiệu quan trọng đến Bắc Kinh. Chúng tôi rất coi trọng vấn đề này”.
Ông David O’Sullivan, đặc phái viên về các biện pháp trừng phạt của EU chỉ ra rằng: “Trung Quốc là con đường chính để bán công nghệ nước ngoài cho Nga”.
Các nhà ngoại giao cho biết, trong các gói trừng phạt Moscow trước đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ liên quan đến kiểm soát xuất khẩu chứ không phải là lệnh trừng phạt tổng thể.
Ngoài ra, danh sách này còn bao gồm các nhà quản lý cấp cao trong lĩnh vực năng lượng của Nga, hai quan chức cấp cao của Triều Tiên cũng như 20 công ty và tổ chức của Nga ở Ấn Độ, Iran, Serbia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Để hỗ trợ các công ty châu Âu, EU đã ban hành một ngoại lệ cho phép giải phóng các số dư tiền mặt từ các tài khoản của các tổ chức lưu ký chứng khoán châu Âu (CSDs). Ngoại lệ này nhằm ngăn chặn việc tịch thu tài sản từ các công ty châu Âu tại Nga.
Khối 27 thành viên cũng gia hạn thời gian áp dụng một số ngoại lệ để hỗ trợ việc thoái vốn khỏi thị trường Moscow, giúp các công ty châu Âu rút lui một cách trật tự và không gặp rủi ro tài chính không cần thiết.
Bà Kaja Kallas, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU nhấn mạnh, gói trừng phạt mới là phản ứng của khối này trước những hành động tiếp tục gây hấn của Moscow nhằm vào Kiev.
“Đây cũng cam kết của EU trong việc hỗ trợ Ukraine trên nhiều mặt trận, từ nhân đạo, kinh tế, chính trị, ngoại giao đến quân sự”, bà Kaja Kallas nhấn mạnh.
“Hạm đội bóng tối” đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Nga nhằm né tránh các lệnh trừng phạt từ phương Tây. (Nguồn: Getty Images) |
Về “hạm đội bóng tối”, dữ liệu gần đây cho thấy, hơn 80% lượng dầu thô của xứ bạch dương xuất khẩu bằng đường biển trong tháng 11/2024 được vận chuyển bởi các tàu không đăng ký tại Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), EU, Australia, Thụy Sỹ hoặc Na Uy.
Những con tàu đó không được bảo hiểm bởi các tổ chức bảo hiểm phương Tây.
“Hạm đội bóng tối” đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Nga nhằm né tránh các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Bất chấp các nỗ lực quốc tế, đội tàu này ngày càng lớn mạnh, làm giảm tác động của các biện pháp trừng phạt lên doanh thu từ dầu mỏ của Điện Kremlin. Hơn nữa, biên lợi nhuận từ dầu thô của Moscow vẫn đang ổn định, với mức giá dầu Urals duy trì khoảng cách khoảng 12,25 USD/thùng so với dầu Brent trong tháng 11/2024.
Gói trừng phạt thứ 15 chưa phải là “đòn” cuối của khối 27 thành viên.
Các nguồn tin nói với hãng tin Reuters rằng, EC đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ 16. Dự kiến, gói này có thể bao gồm các biện pháp rộng hơn như hạn chế khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Moscow và giới hạn xuất khẩu đối với các công ty con thuộc EU ở nước thứ ba.
Về phía Nga, từ lâu, nước này đã chỉ trích các biện pháp nhắm vào nền kinh tế và thương mại của mình.
Như với gói trừng phạt thứ 14 của EU được thông qua hồi tháng 6/2024, ngay sau đó, Moscow đã “mở rộng đáng kể” danh sách những người bị cấm vào lãnh thổ Nga. Trong số đó có các thành viên của Hội đồng châu Âu, các nghị sĩ của những nước thành viên EU và các phái đoàn quốc gia tại Nghị viện châu Âu.
Nhiều chuyên gia ở cả Nga và phương Tây đều cho rằng, các biện pháp trừng phạt đơn phương gây hại nhiều hơn cho các quốc gia áp đặt chúng hơn là cho xứ bạch dương.
Nguồn: https://baoquocte.vn/loat-trung-phat-moi-khong-chi-nham-vao-nga-eu-lan-dau-tong-tan-cong-trung-quoc-van-co-mot-ngoai-le-297686.html