Tham dự Hội nghị, về phía Việt Nam có đại diện các đơn vị của Bộ Công Thương (Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Công nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu), đại diện Sở Công Thương các tỉnh có chung đường biên giới với Quảng Tây (Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang). Về phía Quảng Tây có Lãnh đạo các Sở, ban, ngành của Khu tự trị (Ủy ban Cải cách và Phát triển, Sở Thương mại, Sở Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Sở Nông nghiệp Nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Thương mại, Sở Ngoại vụ, Cục Địa chất khoáng sản, Cục Hội chợ triển lãm Quảng Tây, Hải quan Nam Ninh, Tổng trạm kiểm tra biên phòng xuất nhập cảnh Quảng Tây, Tập đoàn đường sắt Trung Quốc chi nhánh Nam Ninh) và lãnh đạo Chính quyền nhân dân các thành phố trực thuộc Khu tự trị (Nam Ninh, Phòng Thành Cảng, Bách Sắc, Sùng Tả).
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cảm ơn và đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tổ chức Hội nghị. Nhân dịp này, Thứ trưởng đã đánh giá về những kết quả đạt được trong quá trình triển khai Danh mục nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 triển khai Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Tây). Theo đó, quy mô thương mại giữa Việt Nam và Quảng Tây tiếp tục tăng trưởng tích cực. 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Quảng Tây đạt 33 tỷ đô la Mỹ, tăng 17,4% so với cùng kỳ 2023. Kim ngạch thương mại biên giới Việt Nam – Quảng Tây hiện chiếm tới trên 95% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhiều loại nông sản, thủy sản của Việt Nam thông qua các cửa khẩu biên giới đất liền tại Quảng Tây đi sâu vào thị trường nội địa Trung Quốc, đóng góp tích cực trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam sang thị trường tỷ dân này. Dưới sự phối hợp thúc đẩy tích cực của cả hai bên, hoạt động thông quan qua các cửa khẩu biên giới cơ bản được tiến hành thuận lợi; công tác mở mới, nâng cấp các cửa khẩu, lối mở biên giới đạt nhiều tiến triển; các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư được hai bên phối hợp triển khai đa dạng, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng thẳng thắn chỉ ra một số điểm cần tiếp tục cải thiện hơn nữa như: cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu phụ và lối mở vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu giao thương hiện tại; các loại trái cây được ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật còn khiêm tốn, do đó tỷ lệ kiểm hóa đối với sản phẩm trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc gần như lên đến 100%; công tác phân luồng hàng hóa giữa các cửa khẩu biên giới đất liền còn chưa đạt hiệu quả cao.
Trên cơ sở những đánh giá kể trên, đồng chí Thứ trưởng đưa ra một số phương hướng cụ thể như sau: (i) tiếp tục nâng cao hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu, lối mở biên giới; tiếp tục phối hợp thúc đẩy mở cửa thị trường đối với các loại nông sản Việt Nam nhằm thúc đẩy quy mô thương mại Việt Nam – Quảng Tây tăng trưởng hơn nữa; (ii) phối hợp hoàn thiện cơ sở hạ tầng biên giới, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại; (iii) tích cực phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư Quảng Tây với các địa phương, khu công nghiệp tại Việt Nam; (iv) tích cực triển khai hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phát triển thương mại điện tử, thương mại điện tử qua biên giới; (v) tăng cường hợp tác kết nối điện Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Tây); (vi) tăng cường hợp tác nâng cấp cơ cấu công nghiệp Việt Nam – Quảng Tây.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quảng Tây Hứa Vĩnh Khóa nhất trí cao với những đánh giá và kiến nghị của Thứ trưởng Phan Thị Thắng, đồng thời cho biết đánh giá rất cao tinh thần làm việc, công tác phối hợp, hợp tác của các Bộ ngành, cơ quan và địa phương Việt Nam.
Phía Quảng Tây cho biết, dự án xây dựng Cửa khẩu thông minh tại cặp cửa khẩu Hữu Nghị – Hữu Nghị Quan phía Trung Quốc đã cơ bản hoàn thiện, đề nghị phía Việt Nam đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án phía Việt Nam, sớm triển khai kết nối hai phần dự án và đưa vào vận hành chính thức; đề nghị hai bên phối hợp đẩy mạnh hợp tác công nghiệp qua biên giới, phối hợp xây dựng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn và ổn định; phối hợp thúc đẩy xây dựng trung tâm kiểm nghiệm, kiểm dịch sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhằm nâng cao hiệu suất thông quan, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp hai bên; xây dựng cơ chế ưu tiên thông quan cho các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện tại cặp cửa khẩu Hữu Nghị – Hữu Nghị Quan; phối hợp nâng cấp, mở mới cửa khẩu lối chuyên dụng vận chuyển hàng hóa và xuất nhập cảnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn của doanh nghiệp hai bên, cũng như nhu cầu giao lưu ngày càng chặt chẽ, sôi động hơn của nhân dân hai nước.
Trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết, Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương và Sở Thương mại Quảng Tây đã trao “Bản ghi nhớ hợp tác về việc thúc đẩy khai thác tuyến vận tải công-ten-nơ đường sắt liên vận quốc tế Việt – Trung giữa Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Việt Nam và Sở Thương mại Quảng Tây, Trung Quốc”. Hai bên thống nhất sẽ phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết để thực hiện các giải pháp, biện pháp nhằm hỗ trợ khai thác và phát huy ưu thế của Tuyến vận tải công-ten-nơ đường sắt liên vận quốc tế Việt – Trung, mở rộng quy mô vận tải hàng hóa qua biên giới, thúc đẩy thương mại giữa các địa phương Việt Nam và Trung Quốc (Quảng Tây) tiếp tục phát triển ổn định.
Hội nghị tổng kết diễn ra trong bầu không khí hữu nghị, chân thành, cởi mở. Hai bên đã trao đổi và đạt được nhất trí trong nhiều nội dung hợp tác cụ thể và biện pháp thiết thực cần triển khai thời gian tới nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Quảng Tây phát triển hơn nữa, đóng góp tương xứng vào sự phát triển của quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt – Trung.
Theo số liệu của Hải quan Nam Ninh, 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Quảng Tây và Việt Nam đạt 33 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam 25 năm liên tiếp là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam và Quảng Tây chiếm tỷ lệ trên 95% tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc |
Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/thu-truong-phan-thi-thang-dong-chu-tri-hoi-nghi-tong-ket-nam-2024-ke-hoach-hanh-dong-giai-doan-2024-2026-trien-khai-ban-.html