Không chỉ ở Việt Nam, mà với các quốc gia, thông tin về vũ khí, trang thiết bị, khí tài quân sự luôn được coi là bí mật. Nhân 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, một số thành tựu về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí quân sự được công bố và lần đầu tiên, Thanh Niên được phép tiếp xúc, tìm hiểu ở một số đơn vị nghiên cứu, sản xuất chuyên ngành thuộc Bộ Quốc phòng.
Trong phòng truyền thống của Viện Vũ khí (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng), tấm hình Bác Hồ nói chuyện với GS Trần Đại Nghĩa được phóng to, đặt ở nơi trang trọng nhất. Đại tá – TS Nguyễn Phúc Linh (Viện trưởng Viện Vũ khí) kể: “Ra đời đầu năm 1947, Viện Vũ khí là đơn vị nghiên cứu khoa học đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) với Viện trưởng đầu tiên là Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa”.
Bazooka và súng không giật
Ngay sau ngày thành lập, Nha Nghiên cứu kỹ thuật (tiền thân của Viện Vũ khí) đã chế tạo thành công súng bazooka với tầm bắn và sức xuyên phá tương tự mẫu súng của Mỹ. Cuối năm 1948, khi thấy bộ đội ta có súng bazooka và đạn AT, có thể diệt xe tăng và xuyên thủng tường bê tông dày 30 cm, quân Pháp cho xây lại hệ thống lô cốt, tường dày lên tới 60 cm.
Dựa trên tài liệu về thuật phóng trong của GS Trần Đại Nghĩa, Viện Vũ khí đã nghiên cứu chế tạo thành công súng và đạn súng không giật SKZ60 (xuyên phá gấp 3 lần bazooka). Sản phẩm này được tổ chức sản xuất tại nhiều xưởng quân giới và trở thành trang bị của các đại đoàn chủ lực.
CT-62 và “cối giải phóng”
Đầu năm 1962, cấp trên chủ trương tận dụng vũ khí chiến lợi phẩm của Pháp và xóa các ký – nhãn hiệu vũ khí của các nước XHCN đang viện trợ, để có nguồn vũ khí cung cấp cho chiến trường miền Nam.
“Viện Vũ khí đã cải biên súng MAT-49 (Tuyn) của Pháp, bắn đạn cỡ 9 mm, sử dụng được đạn 7,62 mm (của súng K50 đang phổ biến lúc bấy giờ). Viện cũng cải biên súng K50 giống y như súng Tuyn, kết cấu gọn nhẹ hơn và ngâm nước dưới 1 m lâu dài. Năm 1963, trên 7.000 khẩu súng cải biên này được đưa vào Nam”, kỹ sư Vũ Viết Trinh kể lại.
Cũng thời điểm này, tướng Trần Văn Trà (khi đó là Phó tổng tham mưu trưởng QĐNDVN) giao nhiệm vụ “sản xuất một loại súng chống tăng có tính năng tương tự súng B40 của Liên Xô”. Ngay sau đó, sản phẩm B50 (sau đổi thành CT-62) đã được nghiên cứu chế tạo với tầm bắn xa nhất 150 m, hiệu quả 100 m, xuyên thép 320 mm, xuyên bê tông 750 mm…
Trong hồi ức của mình, đại tá – PGS – TS Phan Chỉ (Phó viện trưởng và Viện trưởng Viện Vũ khí từ 1976 – 1994) nhớ lại: “Đầu 1964, Cục trưởng Quân giới Nguyễn Duy Thái gọi tôi lên giao nhiệm vụ thiết kế loại súng cối 60 mm thật đơn giản và đưa cho xem khẩu Stock 60 mm của Mỹ chỉ có nòng và cái bệ nhỏ bằng bàn chân, mới thu được ở chiến trường B”.
Trên cơ sở súng cối 60 mm mà Việt Nam đang sản xuất hàng loạt, Viện Vũ khí đã thiết kế loại súng cối 60 mm mang tên “Giải phóng”, chỉ nặng 5 kg, tầm bắn dưới 1.000 m. “Cối Giải phóng được bộ đội miền Nam sử dụng rất hiệu quả do gọn nhẹ, hỏa lực mạnh”, đại tá Phan Chỉ nói.
Lắp pháo bờ biển lên tàu hải quân
Trung tá Nguyễn Viết Chức, cựu thuyền trưởng tàu HQ-07, Trung đoàn 171 (nay là Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân) nhớ lại: “Cuối năm 1977, Phân viện Thiết kế vũ khí – khí tài (nay là Viện Vũ khí) cử đoàn công tác từ Hà Nội vào TP.HCM, thực hiện yêu cầu cấp thiết của chúng tôi “thay đổi các loại pháo trên tàu chiến đấu thu hồi từ hải quân VNCH sau ngày 30.4.1975, để kịp thời chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển đảo”.
Nhiệm vụ ban đầu là lắp pháo cao xạ 100 mm trên 4 tàu khu trục của Lữ đoàn 171 hải quân, cùng với máy chỉ huy K6-19, máy tập AD-2… Tuy nhiên, khi đang thực hiện thì cấp trên lệnh “chuyển sang lắp pháo phòng thủ bờ biển 100 mm (do Liên Xô viện trợ từ năm 1962) lên tàu khu trục, gấp rút phục vụ nhiệm vụ chiến đấu trên vùng biển Tây Nam”.
“Chỉ trong chục ngày, các anh ấy đã khảo sát độ bền bệ pháo, boong tàu, góc tầm hướng, che chắn sóng biển… và hoàn thành bản vẽ thiết kế, giao xưởng Ba Son thực hiện. Cuối tháng 1.1978, việc lắp pháo bờ biển trên 4 tàu chiến hoàn tất và bắn thử rất tốt”, trung tá Nguyễn Viết Chức nhớ lại và kể tiếp: “Trong chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn, đầu năm 1979, pháo 100 mm lắp trên tàu hải quân đã phát huy uy lực, khiến địch khiếp đảm”…
“Ngay sau ngày thống nhất 30.4.1975, chúng tôi tập trung hết sức vào nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí – khí tài, đảm bảo cho nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía bắc, biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo”, đại tá – PSG – TS Phan Chỉ nói và liệt kê một số công việc như: Lắp ngòi vô tuyến của Mỹ cho đạn pháo 130 mm; thiết kế pháo P.85-79… Đặc biệt, trong năm 1979, thực hiện nhiệm vụ đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tư lệnh Đặc công, các kỹ sư của Viện đã nghiên cứu thiết kế giảm nhẹ súng cối 82 mm với yêu cầu “tầm bắn xa nhất 2.000 m, 2 – 3 người mang vác nhẹ nhàng”.
Vũ khí “hệ 3”
“Hệ 1” là vũ khí, khí tài thiết bị do các nước XHCN sản xuất (Liên Xô, Trung Quốc…). “Hệ 2” là của các nước tư bản (Mỹ…). Thế nhưng đến Việt Nam, cả 2 hệ này được những người lính thợ cải biên thành… “hệ 3”.
Sau ngày thống nhất, ta thu được rất nhiều súng tiểu liên cực nhanh AR-15 của Mỹ. Tuy nhiên, đạn của AR-15 là loại 5,56 mm thì rất ít. Cùng với việc cải biên AR-15 thành súng bắn đạn 7,62 mm (chung với đạn tiểu liên AK), đầu năm 1982, Viện Vũ khí triển khai đề tài “Nghiên cứu thiết kế cải biên súng tiểu liên AR-15 thành trung liên bắn đạn 7,62 mm”.
Sau gần 1 năm nghiên cứu, Viện đã cho ra đời sản phẩm đạt các tính năng như trung liên RPK của Liên Xô. Việc cải biên không chỉ rất đơn giản ở một số nhà máy quốc phòng, mà chi phí chỉ bằng một nửa so với sản xuất khẩu RPK mới.
Cũng sau 30.4.1975, súng phóng lựu tự động MK-19 (hải quân Mỹ phát triển từ 1966, lắp đặt trên giang thuyền, xe bọc thép) và đạn M384 được ta thu hồi rất nhiều. Không để các loại súng đạn này mất tác dụng, Viện Vũ khí triển khai đề tài: “Nghiên cứu khai thác sử dụng súng phóng lựu liên thanh MK-19”, nhằm cung cấp một loại trang bị có hỏa lực mạnh cho các đơn vị bảo vệ biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế.
Sau nửa năm nghiên cứu các phương án lắp ghép, cải biên đồng bộ 2 loại súng đạn, việc thử nghiệm ở trường bắn Miếu Môn đã thành công dưới sự chứng kiến của Trung tướng Lê Ngọc Hiền, Phó tổng tham mưu trưởng QĐNDVN (sau là Thượng tướng, đã mất tháng 4.2006).
Từ tháng 6.1983, súng MK-19 cải biên được trang bị cho một số đơn vị Quân khu 2 phòng ngự trên mặt trận Vị Xuyên và lắp lên xuồng máy cho quân tình nguyện tiêu diệt tàn quân Pol Pot ở Biển Hồ (Campuchia).
Theo đánh giá của Hội đồng khoa học, việc nghiên cứu thành công đề tài đã tận dụng tối đa việc khai thác số vũ khí “hệ 2”, góp phần làm tăng sức mạnh chiến đấu cho các điểm tựa ở biên giới. Việc này còn tận dụng nhiều thiết bị có sẵn, vừa hạ giá thành, vừa nhanh có sản phẩm.
(còn tiếp)
Nâng cao năng lực chế tạo vũ khí chiến lược
Định hướng trọng tâm, xuyên suốt của ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP) là tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa quân đội. Để chủ động hơn nữa trong điều kiện toàn cầu hóa và sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần 4, Tổng cục CNQP sẽ đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ quân sự, nghiên cứu thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo CNQP; nâng cao năng lực nghiên cứu thiết kế, chế tạo sản phẩm, nhất là vũ khí chiến lược, vũ khí lục quân thế hệ mới, vũ khí cho các quân binh chủng, bảo đảm khả năng cơ động và tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp.
Trung tướng – TS Hồ Quang Tuấn (Chủ nhiệm Tổng cục CNQP)
Nguồn: https://thanhnien.vn/vu-khi-cua-viet-nam-cai-bien-sung-chuyen-chi-co-o-viet-nam-185241216184353802.htm