Ngày 6/12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Giám đốc các trung tâm giáo dục thường xuyên toàn quốc.
Báo cáo tại hội nghị, Vụ trưởng Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Hoàng Đức Minh cho biết: Năm học 2023-2024, cả nước có 92 trung tâm giáo dục thường xuyên, 526 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên; số phòng học và phòng chức năng tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên là 10.658; phòng thí nghiệm, thư viện, máy tính là 4.438. Cơ bản đến nay điều kiện cơ sở vật chất của các trung tâm đã bảo đảm tối thiểu cho việc dạy học các chương trình giáo dục thường xuyên.
Thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên, năm học 2023-2024, cả nước đã huy động được 90.508 học viên tham gia học các lớp xóa mù chữ, tăng gần 2,8 lần số học viên so với năm học trước trong đó học viên là người dân tộc thiểu số chiếm 93,73%.
Số lượt người học tham gia các lớp chuyên đề phổ biến cập nhật kiến thức, kỹ năng và các lớp bồi dưỡng thường xuyên khác tại trung tâm học tập cộng đồng và Trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên là hơn 23 triệu lượt người học.
Tuy nhiên, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, mặc dù trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập và phát triển nguồn nhân lực nhưng cũng có một số hạn chế cần phải được khắc phục để nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm. Đó là, chất lượng giáo dục chưa đồng đều; cơ sở vật chất và trang thiết bị còn thiếu thốn; khả năng cập nhật và ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế; một số địa phương còn thiếu cơ chế giám sát, kiểm tra chất lượng giảng dạy và học tập hiệu quả…
Quang cảnh hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Giáo dục thường xuyên đã vượt khó, đã nỗ lực, đã làm được nhiều việc, nhưng thẳng thắn rằng sự đổi mới ở mảng giáo dục thường xuyên còn vừa phải và còn nhiều việc phải làm phía trước. Mục tiêu đặt ra là đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cho tương xứng với đổi mới của toàn ngành.
Thẳng thắn chỉ ra rằng sự quan tâm dành cho giáo dục thường xuyên còn ở mức vừa phải, theo người đứng đầu ngành giáo dục, trước mắt một trong những vấn đề cần làm là đánh giá, định vị, nhận thức lại để có thái độ, ứng xử cần có đối với giáo dục thường xuyên từ bên ngoài, bên trong và từ trên xuống dưới.
Xã hội càng phát triển, đất nước càng giàu có, đời sống càng thay đổi, nhu cầu học tập kiến thức mới, kỹ năng mới để thích ứng lại càng lớn. Vì vậy, cần có kế hoạch đổi mới về cách thức, quản trị, chính sách, đầu tư… với mảng giáo dục thường xuyên để cung cấp nhân lực trong tương lai.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng chỉ ra hàng loạt công việc mà giáo dục thường xuyên sẽ phải tiếp tục làm “nòng cốt”, như tích cực thực hiện xóa mù chữ, tái mù ở người trưởng thành; tích cực trong xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời và chuẩn bị cho xây dựng Luật học tập suốt đời. Cùng với đó, thực hiện tốt nhiệm vụ mới là chuẩn bị cho phong trào bình dân học vụ số, “xóa mù số”, phổ cập số; cùng với toàn bộ hệ thống giáo dục triển khai kết luận của Bộ Chính trị từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học…
Các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên cần bám rất sát với địa phương, nắm bắt chiến lược phát triển, nhu cầu nhân lực của địa phương; chủ động đề xuất chính sách, mô hình, mạnh dạn đổi mới, thí điểm đổi mới…, chuẩn bị cho giai đoạn đổi mới sắp tới.
Tại hội nghị, lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc các trung tâm giáo dục thường xuyên đã trao đổi về kết quả quản lý, kinh nghiệm hoạt động, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị các giải pháp để khắc phục khó khăn, phát huy hơn nữa hiệu quả của giáo dục thường xuyên với phát triển giáo dục, đào tạo và xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.
Nguồn: https://nhandan.vn/giao-duc-thuong-xuyen-chuan-bi-cho-phong-trao-binh-dan-hoc-vu-so-xoa-mu-so-pho-cap-so-post848961.html