Khu vực Tây Nguyên gồm các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng. Đây là địa bàn có vị trí trọng yếu, với dân số khoảng 6 triệu người, với 54 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) 2,2 triệu người. Thời gian qua, Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Chỉ thị số 40) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đã tạo động lực cho đồng bào DTTS vươn lên, đưa buôn làng vượt qua bóng tối nghèo nàn và thắp sáng thương lai của hàng vạn học sinh sinh viên.
Thực tế cho thấy rằng, nhờ có Chỉ thị số 40 mà các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã hiểu rõ và quan tâm hơn đến công tác tín dụng CSXH. Cũng từ đó, các địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị thực hiện tín dụng CSXH vì mục tiêu tốt đẹp: “để không ai bị bỏ lại phía sau”.
Chắt chiu nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội
Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40 và xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương. Tỉnh xác định tín dụng CSXH là nguồn lực để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất, xóa nhà tạm, cải thiện môi trường sống; đồng thời, giúp con em hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn yên tâm học tập, qua đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương.
Đối với tỉnh Đắk Lắk, chính quyền địa phương các cấp đã chỉ đạo tốt công tác rà soát, xác định đối tượng vay vốn, bình xét đối tượng vay vốn theo đúng quy định. Phối hợp giữa các hoạt động tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay vốn của NHCSXH, giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả. Xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố và các sở ngành tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hộ vay vốn trên địa bàn. Từ những hoạt động trên đã tạo ra sự lan tỏa, cuốn hút hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa, sử dụng vốn đúng mục đích, nhiều hộ đạt mức thu nhập cao đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đắk Lắk thăm hộ vay tại xã Ea Nam, huyện Ea H’leo |
Hay như tại Đắk Nông, việc thực hiện rà soát, đánh giá, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được thực hiện tại 100% địa bàn cấp xã, tiến hành từ cấp thôn, trực tiếp đến từng hộ, nhằm đảm bảo công bằng, công khai, dân chủ, có sự tham gia của các cơ quan, đơn vị liên quan và của người dân. Sở Tài chính đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành cơ chế đặc thù của địa phương để mở rộng đối tượng vay vốn là những hộ gia đình, các cá nhân gặp rủi ro do các nguyên nhân: Tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh dẫn đến khó khăn về tài chính hộ khó khăn về tài chính, người lao động là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, hộ có kinh tế khó khăn được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồn. Điều này có ý nghĩa hết sức thiết thực, lan tỏa được nguồn vốn tín dụng chính sách đến với nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ và đón nhận.
Theo thống kê đến tháng 6/2024, tổng nguồn vốn phục vụ tín dụng CSXH tại địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên đã đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng, trong đó, Đắk Lắk là địa phương có dư nợ đứng đầu khu vực. Đặc biệt, mặc dù điều kiện, nguồn lực còn rất nhiều khó khăn, nhưng từ khi Chỉ thị 40 đi vào cuộc sống, cấp ủy các cấp ở khu vực Tây Nguyên đã quan tâm dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, tỉnh Lâm Đồng đã trích 624 tỷ đồng ngân sách địa phương các cấp sang Ngân hàng CSXH (tăng 571 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị 40); tỉnh Đắk Nông trích 355 tỷ đồng (tăng 305 tỷ đồng), tỉnh Kon Tum trích 229,3 tỷ đồng (tăng 220,8 tỷ đồng), tỉnh Đắk Lắk trích hơn 502,3 tỷ đồng (tăng 382 tỷ đồng) và Gia Lai trích 470 tỷ đồng (tăng 440 tỷ đồng).
Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị
Bên cạnh vai trò của cấp ủy, chính quyền trong công tác tín dụng CSXH thì MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội là cầu nối đưa vốn ưu đãi đến với hộ nghèo, đối tượng chính sách. Khu vực này hầu như tất cả các hội, đoàn thể ở cấp thôn đều có tổ tiết kiệm và vay vốn. Hội đoàn thể các cấp đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trên địa bàn và chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; làm tốt công tác bình xét cho vay; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ, thu lãi, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả; tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu… đưa đồng vốn tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách kịp thời, đúng đối tượng và phát huy hiệu quả.
Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk hiện quản lý 53.581 lượt hộ vay vốn với tổng dư nợ hơn 2.478 tỷ đồng, tăng hơn 1.406 tỷ đồng so với năm 2014, mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt 10%/năm. Bên cạnh đó, các tổ tiết kiệm và vay vốn đã huy động được hơn 130 tỷ đồng để tạo thói quen tiết kiệm trong chi tiêu hằng ngày, giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên.
Để giúp phụ nữ sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, các cấp hội trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với ngành liên quan tổ chức 902 lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao công nghệ về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thu hút 119.314 lượt phụ nữ vay vốn tham gia. Đồng thời, phối hợp với ngành lao động, thương binh và xã hội tổ chức 426 lớp dạy nghề cho 15.024 phụ nữ nông thôn. Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hội, Tổ TKVVV cũng được chú trọng. Cụ thể, trong thời gian qua, Hội LHPN các cấp đã phối hợp với Ngân hàng CSXH tổ chức 130 lớp tập huấn nâng cao năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, quy trình giải ngân, quản lý nguồn vốn; hướng dẫn thủ tục, quy định mới trong hoạt động ủy thác… cho 12.765 lượt cán bộ hội và tổ trưởng Tổ TKVVV.
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông kiểm tra thực tế sử dụng vốn của hộ vay |
Hay đối với huyện đoàn Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, để việc thành lập Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TKVVV) đạt chất lượng cao, công tác lựa chọn Ban quản lý Tổ được huyện đoàn coi trọng hàng đầu. Huyện đoàn lựa chọn, giới thiệu những cán bộ, đoàn viên có uy tín, có kinh nghiệm hoạt động tín dụng, tiết kiệm… để bầu vào Ban quản lý Tổ. Huyện đoàn đã phối hợp với Ngân hàng tập huấn nghiệp vụ quản lý cho hơn 50 lượt cán bộ đoàn và Tổ trưởng các Tổ TKVVV. Việc bình xét cho vay luôn đảm bảo dân chủ công khai, đúng quy trình, đúng đối tượng, tập trung ưu tiên cho vay những hộ nghèo do đoàn viên làm chủ. Từ năm 2014-2024 có hơn 650 đoàn viên nghèo, cận nghèo, đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Huyện đoàn Cư Jút đang quản lý 56 Tổ TKVVV, với trên 3.451 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, giải quyết việc làm, được vay vốn, số dư trên 138 tỷ đồng và không có nợ quá hạn.
Anh Y Bin Êban, Tổ trưởng của Tổ TKVVV thuộc xã Tâm Thắng luôn nỗ lực, cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình, hết lòng vì đoàn viên. Anh cho biết, thời gian đầu cũng gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người dân về việc vay vốn còn hạn chế, nhiều hộ nghèo không dám vay vốn vì lo không trả được nợ. Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, anh đã tích cực đến từng hộ vận động đoàn viên tham gia Tổ TKVVV, hướng dẫn cách làm ăn, sử dụng đồng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Qua đó, đoàn viên dần hiểu lợi ích nguồn vốn ưu đãi mang lại, tích cực tham gia các hoạt động của tổ, giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Thông qua hoạt động của Tổ TKVVV đã góp phần nâng cao nhận thức của đoàn viên, giúp đoàn viên tự tin hơn trong tham gia các hoạt động xã hội, đồng thời, tăng cường tình đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Đoàn viên ngày càng tin tưởng, gắn bó hơn với tổ chức Đoàn, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý, điều hành của Nhà nước.
Ông Nguyễn Minh Hướng – Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH Đắk Nông cho biết: “Mặc dù kinh tế – xã hội của tỉnh Đắk Nông còn gặp nhiều khó khăn, nhưng hằng năm, Chi nhánh luôn nhận được nguồn vốn ủy thác của tỉnh, huyện, thành phố chuyển sang rất sớm để hòa chung vào nguồn vốn của Trung ương nhằm mở rộng cho vay, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách”. |
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/diem-tua-cho-nguoi-ngheo-noi-dai-ngan-tay-nguyen-bai-1-158820.html