Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Quân đội nhân dân Việt Nam – Truyền thống hào hùng, sự nghiệp vẻ vang, lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh” do Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an và tỉnh Cao Bằng phối hợp tổ chức ngày 14-12 rất có giá trị về mặt lý luận và thực tiễn.
Qua phân tích nêu bật truyền thống hào hùng, sự nghiệp vẻ vang của QĐND Việt Nam trong 80 năm qua; thành tựu qua 35 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân, các tham luận đã tập trung luận giải và đúc rút những bài học quý báu mang tính nguyên tắc, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, có thể vận dụng và phát huy trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Báo Quân đội nhân dân điện tử trích đăng một số ý kiến tham luận gửi về hội thảo.
Trung tướng NGUYỄN VĂN HIỀN, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân: Vận dụng kinh nghiệm cách đánh máy bay không người lái trong kháng chiến chống Mỹ
Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, từ năm 1964 đến 1975, đế quốc Mỹ đã thực hiện 3.435 phi vụ do thám bằng máy bay không người lái tại Việt Nam, trong đó 578 máy bay không người lái đã bị pháo cao xạ, tên lửa phòng không, máy bay tiêm kích của ta đánh chặn và bắn rơi. Có những phương pháp đã được áp dụng, là cơ sở để các lực lượng phòng không, không quân nghiên cứu, vận dụng để phòng, chống phương tiện bay không người lái của địch trong tác chiến hiện đại.
Hội thảo khoa học “Quân đội nhân dân Việt Nam – Truyền thống hào hùng, sự nghiệp vẻ vang, lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. |
Một trong những bài học kinh nghiệm đã được đúc rút và có thể vận dụng trong giai đoạn hiện nay đó là xây dựng thế trận phòng không liên hoàn, vững chắc, rộng khắp, kịp thời phát hiện và sẵn sàng tiêu diệt phương tiện bay không người lái trong mọi tình huống. Đây là nội dung quan trọng, có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong tác chiến nói chung và phòng, chống phương tiện bay không người lái nói riêng. Để kịp thời phát hiện, chế áp, tiến tới đánh bại mọi cuộc tiến công bằng phương tiện bay không người lái, cần xây dựng hệ thống trận địa phòng không đa dạng, đảm bảo được sự kết hợp của nhiều lực lượng, nhiều chủng loại vũ khí, khí tài, trang bị. Trên cơ sở lấy lực lượng phòng không, không quân của Quân chủng Phòng không -Không quân và tác chiến điện tử làm nòng cốt, xây dựng thế trận phòng không ba thứ quân, lực lượng phòng không nhân dân rộng khắp, vững chắc, phát triển các lực lượng công nghệ thông tin, trinh sát kỹ thuật… tạo thành thế trận phòng không liên hoàn, vững chắc, có chiều rộng và chiều sâu, nhiều tầng, nhiều hướng.
Thế trận phòng, chống phương tiện bay không người lái của các lực lượng phải nằm trong tổng thể thế trận phòng không các cấp, gắn kết chặt chẽ với thế trận phòng không trong khu vực phòng thủ, với nhiều thành phần, phương tiện khép kín vùng trời, tạo thành thế trận phòng không liên hoàn, vững chắc, chủ động phòng, chống và đánh địch từ xa đến gần. Thế trận này vừa có thể đánh rộng khắp, vừa có thể đánh tập trung khi cần thiết; vừa phòng, tránh bảo toàn lực lượng và cùng các lực lượng tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng… sẵn sàng ngăn chặn, vô hiệu hóa, tiêu diệt các phương tiện bay không người lái của địch.
Trung tướng PHẠM QUANG NGÂN, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ: Xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ luôn là “lực lượng vô địch”
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng dân quân, tự vệ (DQTV) luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ và hy sinh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân quân, tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc…”.
Trong giai đoạn hiện nay, lực lượng DQTV được chăm lo, xây dựng ngày càng “vững mạnh, rộng khắp” với đầy đủ cơ cấu thành phần, tổ chức, biên chế chặt chẽ, chất lượng chính trị cao, sẵn sàng chiến đấu tốt, hoạt động hiệu quả. Hiện nay toàn quốc đã tổ chức được hơn 24.000 cơ sở DQTV; tỷ lệ DQTV đạt 1,38% dân số; tỷ lệ đoàn viên trong lực lượng DQTV đạt trên 59%, đảng viên trên 28% và có hơn 93% đơn vị hành chính cấp xã đã tổ chức chi bộ quân sự, hoạt động hiệu quả.
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Lực lượng DQTV trên toàn quốc đã thực hiện tốt chức năng là lực lượng nòng cốt, xung kích trong lao động sản xuất, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương; phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn… Các mô hình mới về đơn vị DQTV, như: Hải đội dân quân thường trực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo; DQTV biển; DQTV cơ động; DQTV pháo binh, phòng không… được xây dựng đúng quy trình pháp luật, sát với yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với thực tiễn từng địa phương, vùng miền.
Trong thời gian tới, việc chăm lo xây dựng lực lượng DQTV vững mạnh, rộng khắp, có chất lượng tổng hợp ngày càng cao, trước hết là chất lượng chính trị là nhiệm vụ quan trọng. Do đó, cơ quan quân sự địa phương cần phối hợp, tham mưu xây dựng, kiện toàn biên chế DQTV. Tập trung chăm lo, xây dựng lực lượng dân quân thường trực, dân quân cơ động, dân quân biển và chốt dân quân thường trực biên giới ngày càng vững mạnh, hoạt động hiệu quả. Phát triển đảng viên, đoàn viên trong DQTV, nâng cao chất lượng chính trị để DQTV thực sự là lực lượng chính trị tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.
Thiếu tướng PHẠM MẠNH THẮNG, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam: Lan tỏa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ ra bạn bè quốc tế
Tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc là nhiệm vụ quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới. Qua hoạt động ý nghĩa này, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ với những giá trị vốn có đã được phát huy, nâng lên tầm quốc tế. Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình và lan tỏa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đến với bạn bè quốc tế.
Đến năm 2024, sau hơn 10 năm triển khai lực lượng Quân đội và Công an tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam đã cử gần 900 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp theo hình thức cá nhân và đơn vị tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở một số quốc gia châu Phi và tại trụ sở Liên hợp quốc. Đối với loại hình đơn vị, năm 2018 Việt Nam lần đầu tiên triển khai thành công bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 với 63 cán bộ, nhân viên quân y cùng các trang thiết bị y tế tại Phái bộ Nam Sudan.
Thiếu tướng PHẠM MẠNH THẮNG, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam
Các bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam luôn bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho nhân viên Liên hợp quốc và người dân địa phương với chất lượng cao. Với những kết quả đạt được, lãnh đạo, các cơ quan Liên hợp quốc và chỉ huy phái bộ cũng như chính quyền địa phương đánh giá cao về tinh thần cống hiến, sự tận tâm, tính chuyên nghiệp của Quân đội Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ và trở thành địa chỉ chăm sóc sức khỏe uy tín, chất lượng với những y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tận tụy, hết lòng vì nhiệm vụ, tạo dấu ấn đặc biệt trên địa bàn.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại các địa bàn, lực lượng “mũ nồi xanh” Việt Nam đã xây dựng và duy trì tốt mối quan hệ với người dân, chính quyền địa phương, tạo được nhiều thiện cảm, sự tin yêu thông qua các hoạt động hỗ trợ thiết thực, giúp cải thiện đời sống của người dân, như: Dạy học, hướng dẫn làm nông nghiệp, làm nhà, xây dựng lớp học, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí… Cách tiếp cận mới đầy tính nhân văn, nhân đạo vì cộng đồng của Quân đội nhân dân Việt Nam được chỉ huy phái bộ và lãnh đạo Liên hợp quốc ghi nhận như một sáng kiến, mô hình tham khảo tốt và được ví như “luồng gió mới” trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc…
Thiếu tướng TRƯƠNG MẠNH DŨNG, Tư lệnh Quân đoàn 12: Đẩy mạnh xây dựng Quân đoàn cơ động chiến lược
Một trong những nhân tố quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chính là xây dựng thành công các đại đoàn chủ lực. Trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sự ra đời của các binh đoàn cơ động chiến lược, quy mô tổ chức quân đoàn binh chủng hợp thành với trang bị khá mạnh, sức đột kích lớn, cơ động cao, chiến đấu liên tục, dài ngày đã góp phần quan trọng nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong giai đoạn hiện nay, quán triệt, thực hiện chỉ thị, nghị quyết các cấp và nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 22-11-2023, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 6012/QĐ-BQP về việc thành lập Quân đoàn 12, tổ chức theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại; được trang bị nhiều loại vũ khí trang bị, phương tiện mới, hiện đại hơn.
Để đáp ứng nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, Quân đoàn 12 đã quán triệt, triển khai thực hiện toàn diện nhiệm vụ trên các mặt công tác. Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn xác định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo gắn kết chặt chẽ giữa điều chỉnh, tổ chức lực lượng với nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, chủ động ứng phó thắng lợi trong mọi tình huống, đẩy mạnh xây dựng Quân đoàn cơ động chiến lược, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quyết định khả năng hoàn thành nhiệm vụ của Quân đoàn trong mọi tình huống. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị trong toàn Quân đoàn khi sáp nhập, tổ chức lại, thành lập mới phải kịp thời bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch, quyết tâm tác chiến cũng như phương án huy động phương tiện kỹ thuật khi có tình huống, bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ tác chiến.
Để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu, Quân đoàn 12 xác định phải tập trung đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập và sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tổ chức biên chế mới. Chú trọng truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao năng lực thực hành, làm chủ vũ khí trang bị, khí tài mới, hiện đại và khả năng tác chiến trong điều kiện chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/hoi-thao-khoa-hoc-nhan-ky-niem-80-nam-ngay-thanh-lap-quan-doi-van-dung-nhieu-kinh-nghiem-quy-bai-hoc-hay-trong-giai-doan-cach-mang-hien-nay-807193