Sau 3 ngày diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn, tối 13.12, Sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận tổ chức Lễ bế mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Thuận năm 2024.
Ngày hội đã mang đến cho người dân và du khách những màn trình diễn trang phục truyền thống, thưởng thức các tiết mục nghệ thuật được trình diễn công phu; những làn điệu dân ca quý báu. Đồng thời, người dân và du khách còn được đắm mình vào không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống địa phương với nhiều hiện vật, sản phẩm mang đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh; những sản phẩm du lịch, điểm đến tiêu biểu, sản phẩm đặc sản truyền thống, sản phẩm OCOP gắn với tiềm năng phát triển du lịch của địa phương.
Với chủ đề: “Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số và miền núi gắn với phát triển du lịch”, Ngày hội thu hút khoảng 200 nghệ nhân, diễn viên đến từ 7 huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh và Đức Linh.
Ngày hội nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam nói chung và 35 dân tộc tỉnh Bình Thuận nói riêng; thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân, đồng thời gắn với phát triển du lịch cộng đồng của địa phương.
Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh cho biết: Văn hóa các dân tộc là tài sản quý giá, việc gìn giữ bản sắc và sự đa dạng văn hóa các dân tộc có ý nghĩa chính trị – xã hội to lớn. Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Thuận lần thứ I là sự kiện văn hóa quy mô lớn của tỉnh, nhằm thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Là dịp tôn vinh, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, gắn với phát triển du lịch bền vững, góp phần phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần chăm lo đời sống văn hóa, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc. Đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Bình Thuận đến Nhân dân trong nước và du khách quốc tế.
Trong khuôn khổ Ngày hội đã diễn ra các hoạt động văn hóa tiêu biểu như: Liên hoan dân ca, dân vũ, dân nhạc và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số và miền núi với chủ đề “Thanh âm núi rừng”; không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương…
Kết thúc Ngày hội Ban tổ chức trao 7 giải A; 5 giải B; 4 giải C và 20 giải Khuyến khích cho các tiết mục và cá nhân theo các thể loại: dân ca, dân vũ, dân nhạc, trình diễn trang phục truyền thống, diễn viên xuất sắc nhất… Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn trao giải A toàn đoàn cho đoàn huyện Bắc Bình; giải B toàn đoàn cho huyện Hàm Thuận Bắc và giải C toàn đoàn cho đơn vị huyện Tuy Phong và Đức Linh. Các đoàn Hàm Tân, Tánh Linh và Hàm Thuận Nam nhận giải Khuyến khích toàn đoàn.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Ngày hội đã diễn ra Tọa đàm khoa học “Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.
Với chủ đề “Bảo tồn – gắn kết – lan tỏa”, Tọa đàm là dịp để các nhà quản lý văn hóa, nhà nghiên cứu khoa học nhìn nhận, đánh giá lại thực trạng trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Bình Thuận. Đồng thời đề xuất các mô hình, giải pháp hay trong bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống dân tộc thiểu số tại địa phương.
Theo ông Bùi Thế Nhân, trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Bình Thuận về nội dung rất mộc mạc, đậm chất dân tộc, gắn với điều kiện tự nhiên; không chỉ phản ánh văn hóa của cộng đồng mà còn lưu giữ những sắc thái về lịch sử, văn hóa qua quá trình tồn tại, phát triển của từng tộc người.
Tuy nhiên, với xu hướng phát triển của cơ chế thị trường và giao lưu văn hóa đang diễn ra đa chiều giữa các vùng miền như hiện nay, trang phục truyền thống của đồng bào đang có nguy cơ mai một, biến đổi và mất dần những giá trị văn hóa mang tính đặc trưng của từng cộng đồng dân tộc. Trang phục truyền thống không còn được người dân sử dụng phổ biến trong đời sống, sinh hoạt thường ngày mà chỉ được dùng dịp Tết, lễ hội, lễ nghi tín ngưỡng cộng đồng. Nghề dệt, may trang phục của người Chăm, Raglai; K’ho, Chơ ro… dần mai một.
Tại Toạ đàm, các đại biểu cho rằng, để bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống dân tộc thiểu số, cần có thêm nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, đề án, dự án để hỗ trợ các hoạt động bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống. Các cấp chính quyền địa phương, mặt trận và tổ chức đoàn thể cấp xã cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho cộng đồng các dân tộc thiểu số, nhất là già làng, trưởng bản, người uy tín, chức sắc, nghệ nhân, trí thức và thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống của cộng đồng.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa-du-lich-dan-toc-thieu-so/ton-vinh-gia-tri-van-hoa-cac-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-115334.html