80 năm qua, mọi chiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam đều gắn chặt với sức mạnh nhân dân, với sự đoàn kết keo sơn quân – dân
80 năm qua, mọi chiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam đều gắn chặt với sức mạnh nhân dân, với sự đoàn kết keo sơn quân – dân; và trong thời bình, đoàn kết quân – dân, hết lòng vì nhân dân phụng sự tiếp tục được quân đội ta phát huy
Ngày 7-9-2024, siêu bão Yagi (bão số 3) đổ bộ miền Bắc. Không chỉ có sức tàn phá ghê gớm, hoàn lưu bão còn gây ra thảm họa lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Thực hiện nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, quân đội đã huy động hàng trăm ngàn cán bộ, chiến sĩ giúp dân khắc phục hậu quả.
Mệnh lệnh từ trái tim
Lào Cai là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất bởi bão số 3 và mưa lũ sau bão. Để việc khắc phục hậu quả được triển khai nhanh chóng, hiệu quả, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên.
Trung tướng Phạm Hồng Chương – Tư lệnh Quân khu 2 – đã trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 đã hành quân trong đêm, phối hợp với lực lượng tại chỗ và tăng cường của Bộ đội Biên phòng, tổ chức tìm kiếm, cứu nạn, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân.
Rạng sáng 11-9, ngay khi nhận được lệnh, hơn 300 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98 – Sư đoàn 316 đã hành quân đến Làng Nủ. Đây là nơi sinh sống của 158 người và là nơi xảy ra vụ sạt lở đất kinh hoàng vùi lấp toàn bộ 37 hộ dân.
Đường vào vùng lũ gặp nhiều khó khăn, ngăn cách nên gần trưa, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 mới hành quân đến điểm tập kết trung tâm Sở Chỉ huy tiền phương. Chỉ ít phút nghỉ ngơi, họ liền bắt tay vào nhiệm vụ. Hàng dài cán bộ, chiến sĩ rầm rập băng qua tuyến đường ngập sâu trong nước lũ để với đến Làng Nủ đang chìm trong đau thương.
Vượt bao chông gai đến với Làng Nủ, trung tá Nguyễn Ngọc Ba, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98, khẳng định cán bộ, chiến sĩ quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, tìm kiếm bằng được nạn nhân mất tích. Các lực lượng bám dân, tìm kiếm ở những khu vực trọng điểm và liên tục mở rộng phạm vi. Khu vực này có nguy cơ sạt lở cao, Trung đoàn 98 tổ chức các đài quan sát, hệ thống thông báo – báo động khép kín, trên diện rộng để kịp thời thông báo cho các lực lượng và người dân trong khu vực khi có tình huống bất ngờ xảy ra.
Trong khi đó, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cử 30 cán bộ, chiến sĩ cùng 5 chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm ở khu vực thượng lưu và hạ lưu nơi sạt lở đất. Lực lượng tìm kiếm chia thành nhiều tổ, mỗi tổ 3 người, rà từng mét vuông bùn lũ. Đại tá Kiều Phi Hùng – Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai – trực tiếp động viên cán bộ, chiến sĩ quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, tìm kiếm các nạn nhân sớm nhất. Một mũi do các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động triển khai cũng tích cực dầm mưa dãi nắng chạy đua với thời gian tìm kiếm người mất tích.
Mỗi ngày qua đi, việc tìm kiếm các nạn nhân càng trở nên khó khăn. Song, việc luôn gắng sức, quên mình giúp dân phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai chính là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là mệnh lệnh từ trái tim của các anh…
Sau chiến dịch này, các anh trở về đơn vị. Những hình ảnh xúc động của người lính về với người dân lúc nguy khó sẽ luôn đọng mãi, là sợi dây vô hình gắn kết tình cảm quân – dân.
Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, nhớ lại: “Những nơi xảy ra lũ quét nằm cách xa khu vực trung tâm, giao thông bị chia cắt, mất thông tin liên lạc nên việc cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Nếu không có Quân khu 2 và các đơn vị quân đội ứng cứu, nếu không có sự hy sinh quên mình của cán bộ, chiến sĩ thì Lào Cai không thể vượt qua nỗi đau, mất mát quá lớn do thiên tai”.
Không nản chí, sờn lòng
Mưa lớn khiến lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở nhiều địa phương, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của người dân. Một số khu vực xảy ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng – như tại các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Hòa Bình… – đòi hỏi phải huy động cùng lúc nhiều lực lượng, phương tiện.
Với sự chuẩn bị chu đáo về lực lượng, phương tiện, phương án; với công tác huấn luyện chặt chẽ, sự vào cuộc chủ động, đồng bộ, cơ quan quân sự các cấp đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy “4 tại chỗ”, giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Bộ Tư lệnh Quân khu 1 đã cử hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, hàng chục phương tiện tìm kiếm nạn nhân mất tích, khắc phục hậu quả, ổn định đời sống người dân tại Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh. Bộ Tư lệnh Quân khu 2 điều động gần chục ngàn bộ đội và dân quân, gần 200 phương tiện phối hợp với các lực lượng tìm kiếm nạn nhân mất tích, khắc phục hậu quả bão lũ tại Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ.
Bộ Tư lệnh Quân khu 3 và Quân đoàn 12 điều động hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ, cùng hàng trăm phương tiện giúp người dân các tỉnh, thành Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn khắc phục hậu quả. Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không – Không quân, Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển… cũng huy động tối đa lực lượng, phương tiện cho “tuyến đầu” khắc phục hậu quả bão lũ.
Trước, trong và sau bão số 3, quân đội tổ chức trực gần 359.000 cán bộ, chiến sĩ; điều động gần 144.000 người (gần 61.000 bộ đội, hơn 83.000 dân quân tự vệ) đi chống bão. Ngoài ra, quân đội còn hỗ trợ người dân trong vùng bị thiệt hại gần 60 tấn hàng hóa thiết yếu; sử dụng trực thăng vận chuyển hàng hóa cứu trợ người dân ở khu vực bị cô lập trên địa bàn các Quân khu 1, 2, 3; vận chuyển 100 tấn gạo do Chính phủ cấp hỗ trợ các tỉnh trên địa bàn các Quân khu 1, 2, 3; hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.
Quân đội cũng đã thông báo, kêu gọi hơn 51.000 tàu thuyền với gần 220.000 người về nơi an toàn; gia cố, hộ đê, xử lý sạt trượt hơn 21 km; tổ chức di dời hơn 96.000 hộ với gần 375.000 người đến nơi an toàn; cứu nạn được 870 người, tìm kiếm được 175 thi thể, bàn giao cho địa phương.
Không chỉ bão số 3 mà còn với biết bao đợt bão lũ, thiên tai khác, người lính không bao giờ quản ngại gian khó, hiểm nguy; sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Trong thư gửi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân và dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ phòng chống, khắc phục hậu quả bão số 3, Đại tướng Phan Văn Giang – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – nhấn mạnh: Tính mạng con người là trên hết, trước hết, “ở đâu có khó khăn, hiểm nguy, ở đó có bộ đội”; bộ đội và dân quân đã chủ động đến với nhân dân, giúp nhân dân phòng chống, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả.
Hình ảnh người dân ở Yên Bái đổ ra đường mang theo cờ và hoa vẫy chào, cảm ơn bộ đội sau thời gian giúp họ khắc phục hậu quả bão lũ, nhân lễ chia tay các anh trở về đơn vị do UBND tỉnh tổ chức ngày 22-9, là minh chứng về những đóng góp to lớn của quân đội trong thời bình.
Tỏa sáng hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”
Theo Bộ Quốc phòng, quân đội luôn là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần tỏa sáng phẩm chất, hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.
Trong 10 năm qua (2014-2024), toàn quốc đã huy động gần 2,75 triệu lượt người/87.810 lượt phương tiện ứng phó, xử lý hiệu quả 22.078 vụ, cứu được 47.507 người và 3.165 phương tiện. Trong đó, quân đội điều động hơn 2,2 triệu lượt người, 59.259 lượt phương tiện, tham gia tìm kiếm cứu nạn 14.773 vụ, cứu được 26.121 người và 1.954 phương tiện; giúp dân gia cố, khắc phục 448.162 nhà, sửa chữa 2.550 km đường giao thông…
Với tình cảm tương thân tương ái, sẻ chia những thiệt hại, mất mát của người dân các vùng bị thiên tai, toàn quân đã huy động hàng vạn ngày công; quyên góp, ủng hộ hàng ngàn tỉ đồng và nhiều thuốc men, lương thực – thực phẩm, hàng hóa thiết yếu… nhằm hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, sinh hoạt và sản xuất.
(Còn tiếp)
Nguồn: https://nld.com.vn/tham-tinh-doan-ket-quan-dan-196241215211812524.htm