Anh Bùi Mạnh Cường ở xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương là tỷ phú nuôi lợn bằng đệm lót sinh học-công nghệ anh “học lỏm” từ Hà Lan. Nhiều năm trước anh áp dụng thành công mô hình nuôi lợn bằng đệm lót sinh học, chỉ riêng tiền bán phân lợn qua đệm lót sinh học anh thu tiền tỷ.
Sang Hà Lan học được cách làm đệm lót sinh học ở trại gà, về áp dụng vào nuôi lợn quy mô lớn
Năm 2023, anh Bùi Mạnh Cường ở xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Sau hơn năm không gặp Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 Bùi Mạnh Cường, chúng tôi hồi hộp nghĩ, không biết tình hình sản xuất, chăn nuôi của anh thế nào?
Lần gặp lại này, nghe Cường kể trong thời gian đó, anh đã phải vật lộn với bao khó khăn với dịch bệnh ở lợn, giá bán lợn thịt thấp, giá nguyên liệu thức ăn cao khiến người nuôi thua lỗ.
Rồi cơn bão số 3 ập về trong thoáng chốc cũng đã kịp “thổi bay” của anh thêm vài tỷ đồng nữa.
Tuy nhiên, xen lẫn với những khó khăn, thiệt hại, anh cũng có chút niềm vui để động viên.
Đó là vừa qua, sản phẩm Nho Thành Đông của anh Cường đã được UBND huyện Cẩm Giàng công nhận OCOP 3 sao.
Anh Bùi Mạnh Cường, nông dân tỷ phú ở xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương và công nhân kiểm tra chuồng nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh học. Ảnh: Nguyễn Việt.
Trở lại với câu chuyện chăn nuôi lợn quy mô lớn, hiện đại, anh Cường cũng khẳng định, yếu tố quan trọng giúp cho việc chăn nuôi của trang trại những năm gần đây, đó là áp dụng thử nghiệm và thành công mô hình làm đệm lót sinh học vào chăn nuôi lợn với quy mô lớn.
Anh Cường kể, năm 2014, tôi được một tập đoàn Hà Lan mời sang tham quan các mô hình chăn nuôi lợn, gà của nước bạn. Ngoài được tham quan trại lợn, nuôi công nghệ hiện đại, anh Cường còn được tham quan mô hình chăn nuôi gà. Quá trình tham quan, anh nhận thấy vào chuồng gà không hề có mùi.
Tìm hiểu mới biết, anh Cường mới biết họ nuôi bằng phương pháp dùng đệm lót sinh học, nguyên liệu là chất độn nền chuồng, khi gà thải phân sẽ được xử lý bằng men vi sinh được đảo lên cùng với chất độn chuồng. Vì vậy, trong chuồng nuôi không có mùi nữa.
Anh thấy cách làm này rất hay giúp chuồng trại sạch sẽ. Nhờ đó, giảm thiểu tình trạng bệnh dịch trên gà và ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, cũng phải mất 2 năm sau anh Cường mới áp dụng được, đó là năm 2016, anh Cường làm thử nghiệm đệm lót sinh học ở 1 chuồng 500 m2 để nuôi lợn con. Vì trong 2 năm đấy, anh thực hiện đầu tư áp dụng khoa học công nghệ chăn nuôi tiến tiến, hiện đại của Hà Lan nên chưa làm đệm lót sinh học trong nuôi lợn.
Anh Cường tâm sự: Hồi đầu làm đệm lót khổ lắm. Khi áp dụng đệm lót sinh học vào nuôi lợn ở 500 m2 chuồng nuôi của trang trại thử nghiệm, trong chuồng anh dành 2/3 diện tích chuồng để làm đệm lót sinh học. Phần diện tích làm đệm lót anh đào sâu 60cm để mùn cưa xuống và giải men vi sinh xử lý chất thải.
Làm chuồng lợn con thành công nhưng năm 2018 khi áp dụng đệm lót cho chăn nuôi lợn to thì nảy sinh bất cập.
Lợn to thải chất thải nhiều, đệm lót nhanh bị bết và men vi sinh xử lý không kịp nên chuồng nuôi rất hôi thối. Cộng với việc khi đảo đệm lót phải làm thủ công, cuốc, cào để đảo rất vất vả và nặng mùi hôi. Mỗi lần đảo đệm lót phải mất 5 – 6 công nhân vào cuốc, đảo như vậy cũng quá mất công sức”.
Sau đó, anh Cường đã phải xuống nhà anh Phạm Văn Hát, chuyên gia sáng chế máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp ở huyện Tứ Kỳ (cũng trong tỉnh Hải Dương) đặt hàng anh Hát sáng chế máy cày chuyên dụng đảo đệm lót.
Chiếc máy cày chuyên dụng đảo đệm lót ra đời, khi thử nghiệm cũng đã thành công. Tuy nhiên, để được áp dụng thuận tiện, hiệu quả hơn, anh Cường đã tự nghĩ và cải tiến thêm một số chi tiết cho phù hợp với điều kiện chuồng nuôi của trang trại.
Từ khi có máy cày, việc cày, đảo đệm lót trong chuồng nuôi đã nhanh hơn, công nhân làm nhàn hơn, chuồng nuôi không có mùi hôi. Lúc đó, anh Cường mới coi việc áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn là thành công.
Anh Cường đã áp dụng đệm lót sinh học rộng ra các chuồng lợn khác, đến nay, tổng diện tích anh áp dụng làm đệm lót sinh học trong nuôi lợn hơn 8000 m2.
Từ bản quyền sáng chế máy cày đệm lót của anh Phạm Văn Hát (anh Cường mua bản quyền sáng chế của anh Hát) và có cải tiến thêm, anh Cường đã sản xuất thêm hơn chục máy cày đệm lót để sử dụng cho các chuồng khác. Số chuồng dùng đệm lót sinh học, anh Cường dùng vào nuôi lợn con, lợn thịt.
Khi triển khai làm đệm lót cho toàn bộ diện tích 8.000 m2, anh Cường đều thực hiện theo tiêu chuẩn kỹ thuật: 1/3 chuồng làm nền bê tông, 2/3 chuồng làm đệm lót.
Công nhân trang trại nuôi lợn của gia đình anh Cường đang rắc men vi sinh cho đệm lót sinh học. Ảnh: Nguyễn Việt.
Phần diện tích làm đệm lót sâu 1,2 m, cứ dải một lượt trấu, tưới ấm, rắc men vi sinh để cấy men, tiếp tục đổ mùn cưa dày 30 cm, rồi lại tưới ẩm, rắc men vi sinh. Công nhân trang trại cứ lặp đi lặp lại việc đó đến khi đệm lót cao 1,2m bằng mặt nền bê tông.
Các lứa sau, khi bán lợn xong, chỗ nào có nhiều phân đưa ra những chỗ ít phân rồi cày đảo để vui xuống, sau đó rắc men, cày, tưới nước. Thường sau khi bán lợn xong nền đệm lót cũng thụt sâu 20 – 30 cm, lúc đó công nhân thêm trấu, tưới nước, rắc men để cho bằng mặt nền bê tông. Trong quá trình nuôi, chỗ nào trũng lại bồi thêm trấu.
Nền đệm lót luôn được kiểm tra, độ ẩm bao nhiêu phần trăm thì tưới phun sương, bao nhiêu phần trăm thì tưới vòi. Hằng ngày, công nhân chủ yếu tưới đệm để luôn bảo đảm độ ẩm để khi lợn hũi đệm không bị bụi, ảnh hưởng đến quá trình hô hấp.
Đối với chuồng nuôi lợn con thường 3 ngày công nhân mới cày đảo, rắc men một lần, tưới nước, còn chuồng lợn thịt áp dụng thời gian 2 ngày/lần, còn chuồng lợn chuẩn bị được xuất bán thì áp dụng 1 ngày/lần.
Phóng viên Dân Việt đã vào khu chuồng nuôi có làm đệm lót sinh học, cảm nhận đầu tiên đó là mặc dù là chuồng kín nhưng không hề có mùi hôi. Quan sát công nhân điều khiển máy cày đảo đệm lót, nhận thấy công nhân làm việc rất nhàn.
Tỷ phú nuôi lợn “công nghệ không mùi hôi”
Nói về tính hiệu quả của mô hình chăn nuôi lợn nền đệm lót sinh học, anh Bùi Mạnh Cường chủ trang trại lợn ở xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng cho biết, nuôi lợn đệm lót sinh học sẽ tiết kiệm chi phí chăn nuôi.
Anh lấy ví dụ, nếu xây chuồng trại chăn nuôi nền bê tông toàn phần, đúng tiêu chuẩn sẽ tốn nhiều chi phí hơn xây dựng chuồng nuôi đệm lót sinh học. Chuồng nền bê tông đắt hơn bởi vừa mất thêm diện tích, chi phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải, vệ sinh môi trường.
Anh Bùi Mạnh Cường, tỷ phú nuôi lợn bằng đệm lót sinh học ở xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giang (tỉnh Hải Dương) ngồi bên trong chuồng lợn để kiểm tra đệm lót sinh học. Ảnh: Nguyễn Việt.
Nếu xây hệ thống chuồng nuôi rộng hơn 20.000 mét vuông, phải dành thêm hơn 14.000 mét vuông xây hệ thống bể bioga, bể lắng, hồ nước.
Trong tổng chi phí khoảng chục tỷ, thì phần kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải mất từ 3 – 4 tỷ đồng. Cộng với đó, trong quá trình nuôi lợn chuồng nền bê tông sẽ dùng nhiều nước, điện hơn cho việc phun rửa chuồng, chiếu sáng ủ ấm cho lợn vào mùa đông.
Còn nuôi lợn chuồng đệm lót sinh học sẽ tiết kiệm hơn, bởi không phải làm hệ thống xử lý nước thải, chỉ phải mua các chất độn chuộng làm đệm lót như trấu, mùn cưa, men xử lý; trong quá trình nuôi chi phí điện, nước sẽ ít hơn.
Hơn nữa, sau 4 năm mới phải thay đệm lót mới, khối lượng đệm lót cũ sẽ được thu, trở thành phân bón để bán cho các trang trại trồng trọt, nhà vườn để bón cho cây trồng. Phân bón này bón cho đồng ruộng, cây cối rất tốt.
Anh Cường cho biết “Như vừa rồi tôi thay đệm lót mới tôi thu đệm lót cũ được hơn 500 tấn phân bón, bán với giá thử nghiệm thị trường 2000 đồng/kg, tôi cũng thu được cả tỷ đồng từ tiền bán phân bón”.
Cũng theo anh Cường, nuôi lợn nền đệm lót sinh học, con lợn phát triển tốt hơn, trọng lượng cao hơn so với lợn nuôi chuồng nền bê tông trong cùng thời gian nuôi.
Đặc biệt, chuồng nuôi nền đệm lót không mùi, không gây ô nhiễm môi trường. Mô hình nuôi lợn nền đệm lót sinh học rất phù hợp với chăn nuôi quy mô lớn và sự đòi hỏi khắt khe về môi trường như hiện nay.
Anh Bùi Mạnh Cường đã mạnh dạn thử nghiệm nuôi lợn nền đệm lót sinh học và đã thành công, giúp cho hoạt động chăn nuôi hiệu quả và không ô nhiễm môi trường. T/h: Nguyễn Việt.
Ông Lê Quý Quỳnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) cho biết: Qua nhiều năm thực hiện mô hình chăn nuôi lợn nền đệm lót sinh học của anh Bùi Mạnh Cường đã khẳng định được tính hiệu quả.
Nuôi theo mô hình này đã giúp anh giảm nhiều chi phí trong xây dựng chuồng trại, chi phí chăn nuôi, nâng cao thu nhập. Đặc biệt mô hình này còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ông Quỳnh cũng cho biết thêm, anh Bùi Mạnh Cường còn là điển hình sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm của huyện Cẩm Giàng nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung.
Năm 2023, anh Bùi Mạnh Cường vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Ít ngày nữa, anh Cường sẽ cùng đoàn cán bộ, hội viên Hội Nông dân huyện Cẩm Giàng đi dự hội nghị tổng kết “Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng” toàn tỉnh do Hội Nông dân tỉnh Hải Dương tổ chức.
Nguồn: https://danviet.vn/ong-ty-phu-hai-duong-nuoi-lon-bang-cong-nghe-dem-lot-sinh-hoc-ha-lan-chi-ban-phan-da-thu-tien-ty-20241214163446478.htm