(NLĐO) – Bằng chứng về sự sống ngoài hành tinh trên “gã song sinh ác quỷ” của Trái Đất vừa được củng cố bởi một phát hiện mới.
Vài năm trước, phát hiện bất ngờ về phosphine – một loại khí liên quan mật thiết đến sự sống ở Trái Đất – trong biển mây của Sao Kim từng gây tranh cãi.
Một trong những lý do chính là dấu hiệu của phosphine rất mờ nhạt, thậm chí một số quan sát sau đó lại không thấy nó.
Nhưng giờ đây một nhóm khoa học gia không chỉ chứng minh sự tồn tại của phosphine nơi Sao Kim rõ ràng hơn bao giờ hết, mà còn tìm ra một “dấu hiệu sinh học” tiềm năng khác.
Theo TS Dave Clements từ Imperial College London (Anh) – thành viên nhóm nghiên cứu, lần này họ đã sử dụng sức mạnh quan sát của kính viễn vọng James Clerk Maxwell đặt tại Hawaii – Mỹ.
Điều này đã giúp họ thu được lượng dữ liệu gấp 140 lần so với các nghiên cứu trước đó. Một lần nữa họ tìm thấy dấu hiệu của phosphine, nhưng rõ ràng hơn trước rất nhiều, theo đài CNN.
Không những thế, dấu hiệu của amoniac cũng lộ diện.
Sự hiện diện của phosphine và amoniac trong khí quyển của các hành tinh khí khổng lồ như Sao Thổ, Sao Mộc… không phải lạ. Bởi hành tinh khí có bầu khí quyển giàu hydro, các hợp chất chứa gốc hydro tất nhiên phổ biến.
Nhưng với các hành tinh đá như Trái Đất, Sao Kim hay Sao Hỏa, oxy đủ nhiều để “bắt lấy” gốc hydro.
Vì vậy, sự tồn tại của phosphine (PH3) hay amoniac (NH3) nơi các hành tinh đá chính là các dấu hiệu sinh học tiềm năng. Các loại khí này có thể được thải ra bởi sinh vật hoặc là kết quả của quá trình phân hủy động thực vật.
GS Jane Greaves từ Đại học Cardiff (Anh), đồng tác giả, cho biết họ sẽ dùng chính phát hiện về amoniac làm cơ sở cho một bài báo khoa học riêng, sử dụng thêm dữ liệu từ Kính viễn vọng Green Bank ở Tây Virginia.
Các phát hiện trên một lần nữa ủng hộ giả thuyết rằng Sao Kim thực sự là một hành tinh mà sự sống có cơ hội tồn tại cao.
Từ lâu, hành tinh này được cho là một người anh em song sinh của Trái Đất, nhưng là một “gã song sinh ác quỷ” bởi quá trình tiến hóa hành tinh không may mắn đã khiến nó chìm vào hiệu ứng nhà kính khắc nghiệt, nhiệt độ trở nên rất nóng, quay rất chậm và bầu khí quyển đầy axit sunfuric.
Tuy vậy, một thực tế không thể chối cãi đó là Sao Kim vẫn là một hành tinh nằm trong vùng sự sống Goldilocks của hệ Mặt Trời.
Đó cũng là một trong những thế giới thuận lợi nhất để nghiên cứu, bởi Sao Kim là hành tinh gần Trái Đất nhất.
Nguồn: https://nld.com.vn/dau-hieu-moi-ve-sinh-vat-ngoai-hanh-tinh-lo-ra-gan-trai-dat-196240731094231734.htm