(NLĐO) – Hộp sọ dài gần 0,5m và một số phần xương hóa thạch khác của con khủng long độc đáo đã được khai quật ở tỉnh Giang Tây – Trung Quốc
Theo Sci-News, loài khủng long bạo chúa mới được đặt tên là Asiatyrannus xui, sống ở khu vực phía Đông Nam Trung Quốc vào khoảng 69 triệu năm trước, tức cuối kỷ Phấn Trắng.
Loài mới này là thành viên của Tyrannosaurinae, một trong hai phân họ đã tuyệt chủng của Tyrannosauridae, nhóm có nguồn gốc sớm nhất trong siêu họ Tyrannosauroidea.
Đại diện nổi tiếng nhất của phân họ Tyrannosaurinae mà loài mới này thuộc về chính là khủng long bạo chúa Tyrannosaurus rex (T-rex).
Loài anh em mới của T-rex đã được khai quật từ hệ tầng Nam Hùng thuộc thị trấn Sa Hà, TP Cám Châu, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc.
Việc phát hiện ra nó hoàn toàn bất ngờ, xảy ra khi một công trình xây dựng trong khu vực để lộ các phần hóa thạch.
Hóa thạch được tìm thấy bao gồm một hộp sọ gần như hoàn chỉnh, dài tới 47,5 cm và một số phần xương khác, đủ để các nhà khoa học nhận diện dòng dõi và tái hiện lại vẻ ngoài khủng khiếp của con quái vật.
Công bố các phát hiện trên tạp chí khoa học Scientific Reports, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Wenjie Zheng từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) cho biết con khủng long này khi còn sống phải có chiều dài cơ thể lên tới 3,5-4m.
Mặc dù to lớn, nó vẫn chỉ có kích thước bằng một nửa so với loài họ hàng Qianzhousaurus từng được tìm thấy ở Trung Quốc trước đó và nhiều khủng long bạo chúa khác cùng thời kỳ.
Ngay cả Qianzhousaurus cũng chỉ là loài khủng long bạo chúa có kích thước trung bình lớn, vì vậy Asiatyrannus xui dù dài tới 4 m vẫn được coi là cỡ trung bình nhỏ trong dòng dõi này.
Tuy vậy, kích cỡ của con vật lại là một tin mừng với các nhà nghiên cứu, bởi nó chính là loại quái thú “còn thiếu” trong hồ sơ hóa thạch mà họ luôn đi tìm.
“Asiatyrannus và Qianzhousaurus có tỉ lệ hộp sọ và kích thước cơ thể khác nhau, cho thấy chúng có thể chiếm các hốc sinh thái khác nhau” – TS Zheng giải thích.
Ở vùng Campano-Maastrichtian thuộc miền Đông/Trung Á và Laramidia, các nhóm động vật ăn thịt lớn do khủng long bạo chúa độc chiếm, trong khi những loài săn mồi trưởng thành có kích thước trung bình rất hiếm hoặc không được tìm thấy.
Vì vậy, loài mới có thể là đại diện tốt cho nhóm động vật ăn thịt cỡ trung còn thiếu này, chiếm giữ hốc sinh thái chính giữa các khủng long khổng lồ và các loài cỡ nhỏ nhanh nhẹn. Nó đã giúp hoàn thiện bức tranh về hệ sinh thái trong khu vực cuối kỷ Phấn Trắng.
Nguồn: https://nld.com.vn/lo-dien-loai-khung-long-bao-chua-hoan-toan-moi-o-trung-quoc-196240801102941311.htm