Nuôi cá chạch kết hợp cá heo trong bể lót bạt cao su đang là mô hình triển vọng được UBND thành phố Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) quan tâm, bởi đây là mô hình nuôi cá đặc sản mới, có tiềm năng kinh tế cao.
Chị Nguyễn Thị Tươi, ở ấp 4, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), là người tiên phong đưa hai loại cá đặc sản là cá chạch lấu và cá heo đuôi đỏ về địa phương nuôi kết hợp trong bể lót bạt cao su.
Mỗi bể có đường kính 14m, tổng thể tích 200m3/bể, được chị Tươi trang bị hệ thống cấp thoát nước, máy phát điện, hệ thống sục khí cung cấp oxy hoàn chỉnh, mỗi bể thả nuôi 20.000 con giống (gồm 10.000 con giống cá chạch lấu và 10.000 con giống cá heo đuôi đỏ), đạt tỷ lệ khoảng 50%.
Chia sẻ thêm về mô hình kết hợp này, chị Tươi cho biết: “Sau 6 tháng thả nuôi thì trọng lượng cá chạch sẽ đạt 550g/con, cá heo đạt 40-50 con/kg.
Trọng lượng này là có thể xuất bán ra thị trường, với giá bán cá chạch lấu dao động từ 150.000-200.000 đồng/kg, cá heo đuôi đỏ có giá từ 300.000-400.000 đồng/kg.
Hiện bể cá của gia đình đã thả nuôi được 3 tháng. Với 3 bể nuôi, dự kiến sẽ thu hoạch vào đúng dịp Tết Nguyên đán 2025 và mang về lợi nhuận cao cho gia đình”.
Được biết, đây là mô hình mới về cách nuôi kết hợp. Mô hình này có nhiều ưu điểm vì người nuôi không cần diện tích đất lớn, giảm chi phí vận hành, chăm sóc, quản lý, kiểm soát được nguồn nước, dịch bệnh trên cá, nguồn thức ăn và cá tạp.
Bên cạnh đó, qua đánh giá bước đầu của ngành chức năng thì việc nuôi xen ghép cá chạch lấu với cá heo nước ngọt rất hiệu quả. Đây cũng được xem là mô hình nuôi kết hợp có tác động kép, mang lại lợi nhuận, bởi giảm chi phí thức ăn, do cá heo tận dụng nguồn thức ăn thừa và chất thải của cá chạch.
Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp cá heo đuôi đỏ-2 loại cá đặc sản ở miền Tây đang mang lại triển vọng cao cho gia đình chị Nguyễn Thị Tươi, ở ấp 4, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.
Chị Tươi bộc bạch: “Về quá trình chọn nuôi kết hợp 2 loại cá đặc sản này, gia đình đã trải qua quá trình tự tìm tòi, nghiên cứu về phương pháp, kỹ thuật nuôi cá, cũng như được cán bộ kỹ thuật địa phương thường xuyên quan tâm, theo dõi.
Nguồn giống 2 loại cá được Trạm Khuyến nông thành phố Vị Thanh chọn giới thiệu từ trại giống uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Cá heo giống có giá 3.700 đồng/con, cá chạch giống giá 4.500 đồng/con, được bắt từ trại giống ở huyện Phụng Hiệp”.
Dù có nhiều ưu điểm là vậy, nhưng mô hình này còn nhiều yếu tố mang tính rủi ro như chưa đảm bảo được vấn đề đầu ra, và với tỷ lệ thả con giống 1:1 giữa 2 loại cá còn mang tính tự nghiên cứu, chưa có cơ sở khoa học. Trong quá trình nuôi, cả 2 loại cá còn mắc phải một số loại bệnh gây hao tổn nguồn giống, trong khi chi phí đầu tư để thực hiện mô hình khá cao, khiến người nuôi phải lo lắng.
Hiện nay, dù chưa có thương lái bao tiêu nhưng việc tiêu thụ cá chạch lấu và cá heo đuôi đỏ cũng tương đối thuận lợi vì nhu cầu cao của thị trường, thương lái đến tận nơi để thu mua với giá khá cao.
Nhận thấy mô hình có cơ hội mang đến thu nhập ổn định cho gia đình và có chiều hướng phát triển rất tốt, chị Tươi dự định tăng quy mô nuôi cá lên tổng số 4 bể trong thời gian tới.
Trên địa bàn thành phố Vị Thanh hiện có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho người dân.
Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp cá heo đuôi đỏ trong bể lót bạc cao su được dự đoán sẽ là mô hình nổi bật, mang lại lợi nhuận cao cho người chăn nuôi.
Ông Nguyễn Bé Sáu, Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, cho biết: UBND thành phố Vị Thanh, đơn vị khuyến nông và các cơ quan chức năng đang theo dõi sát sao tình hình phát triển của mô hình này. Nếu mô hình chứng minh được hiệu quả sẽ được triển khai mở rộng cho các hộ gia đình khác nhằm giúp người dân tăng thu nhập.
Nguồn: https://danviet.vn/lieu-nuoi-ca-dac-san-la-chach-lau-ca-heo-duoi-do-tai-be-lot-bat-o-hau-giang-ban-400000-dong-kg-20241215151408993.htm