(NLĐO) – “Hiện hình” nguyên vẹn trong mưa sau 233 triệu năm tuyệt tích, con quái vật ở Brazil có thể giúp giải quyết một vấn đề gây tranh cãi nhiều thập kỷ.
Theo Live Science, các nhà cổ sinh vật học Brazil tuyên bố họ vừa tìm thấy một trong những đại diện cổ xưa nhất của “thời đại quái vật” khủng khiếp nhất địa cầu, khi các loài khủng long, thương long, ngư long, dực long… thống trị 3 kỷ Tam Điệp – Jura – Phấn Trắng.
Đó là một đại diện của Herrerasauridae kỷ Tam Điệp, được cho là một trong những nhóm khủng long ăn thịt cổ xưa nhất, dù vẫn gây tranh cãi.
Bộ hài cốt hóa thạch của con quái vật thuộc dòng dõi Herrerasauridae đã bất ngờ tự lộ ra trong những cơn mưa xối xả mà TP São João do Polêsine ở Brazil của bang Rio Grande do Sul – Brazil phải hứng chịu hồi tháng 5.
Theo hãng thông tấn Brazil Agência Brasil bộ xương của con khủng long này gần như được bảo quản trong trạng thái nguyên vẹn bên một hồ chứa nước của thành phố.
Các nhà khoa học mới chỉ nghiên cứu sơ bộ và đưa ra những lập luận đầu tiên rằng nó thuộc dòng dõi Herrerasauridae.
“Đây là một trong những hóa thạch lâu đời nhất trên thế giới và có thể đóng vai trò “giúp chúng ta hiểu được nguồn gốc của khủng long” – nhà cổ sinh vật học Rodrigo Temp Müller từ Đại học Liên bang Santa Maria (Brazil), trưởng nhóm khai quật, cho biết.
Cũng theo TS Müller, nhóm khủng long cổ xưa nói trên thuộc về đợt khủng long săn mồi đầu tiên chiếm giữ chuỗi thức ăn được tiến hóa trên địa cầu.
Cá thể được tìm thấy bên bờ hồ ở Brazil có chiều dài cơ thể khi còn sống khoảng 2,5 m, tuy nhiên đồng loại của nó có thể còn lớn hơn.
Ngoài các bằng chứng còn gây tranh cãi về Herrerasauridae trên thế giới, cũng có những bằng chứng hóa thạch yếu hơn và lâu đời hơn được cho là của một nhóm khủng long tên Nyasasaurus, sống cách đây khoảng 240 triệu năm.
Nguồn: https://nld.com.vn/mua-xoi-xa-quai-vat-233-trieu-tuoi-troi-day-ben-bo-ho-196240803064535615.htm