Nếu ví dòng nước như máu nuôi sống cơ thể thành phố này, Nhà máy nước Thủ Đức chính là trái tim bơm dòng máu đến từng tế bào.
58 năm hình thành, dù đã có thêm nhiều nhà máy khác tiếp sức nhưng Nhà máy nước Thủ Đức vẫn đóng vai trò quan trọng, cung cấp hơn 50% lượng nước sạch cho người dân TP.HCM.
Nhà máy nước Thủ Đức bền bỉ, miệt mài phục vụ
Chính thức vận hành ngày 12-12-1966, Nhà máy nước Thủ Đức khi ấy đã là công trình xử lý nước hiện đại bậc nhất Đông Nam Á với công suất ban đầu đạt 450.000 m³/ngày, cung cấp hơn 90% lượng nước sạch cho người dân Sài Gòn khi đó.
Nhiều lần đầu tư để mở rộng và nâng cấp, đến nay Nhà máy nước Thủ Đức đạt công suất tối đa 750.000 m³/ngày. Đồng thời tiếp nhận thêm 100.000 m³/ngày từ Công ty Cấp nước Bình An. Với tổng công suất này, nhà máy đáp ứng gần 50% nhu cầu nước sạch của TP.HCM.
Trái tim này còn đóng vai trò vô cùng quan trọng khi là trung tâm điều tiết áp lực và sản lượng cho toàn mạng lưới cấp nước thành phố. Trong những giờ cao điểm hay khi có sự cố tại các nhà máy khác, nhà máy lại phát huy vai trò “anh cả” khi đảm bảo phát bù sản lượng, duy trì nguồn nước liên tục.
Trở lại với lịch sử, sáng sớm ngày 30-4-1975, trước khi quân ta tiến vào Dinh Tổng thống chính quyền Sài Gòn, tại Sở sản xuất nước sông Đồng Nai, cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên nóc nhà máy. Công nhân tự tổ chức quản lý, vận hành hoạt động để nhà máy không gián đoạn.
Chiều hôm đó, Ban quân quản đến tiếp quản nhà máy. Lịch sử dân tộc sang trang, nhà máy vẫn tiếp tục hoạt động liên tục cung cấp nguồn nước cho thành phố và vùng phụ cận bước vào xây dựng cuộc sống mới.
Năm 1979, Sở sản xuất nước Thủ Đức được đổi tên thành Nhà máy nước Thủ Đức cho đến hôm nay.
Ngay sau ngày miền Nam giải phóng, ta đứng trước một nhà máy có cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại, quy mô sản xuất lớn.
Và với nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng là duy trì sản xuất nước cung cấp, phục vụ người dân, tập thể cán bộ nhân viên nhà máy đã đề ra phương châm “Tận dụng mọi khả năng hiện có về người và máy móc thiết bị vật tư, chủ động sáng tạo trong tổ chức, quản lý để trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững sản xuất, bảo đảm cung cấp liên tục dòng nước trong lành”.
Hiện nay phạm vi quản lý của nhà máy bao gồm trạm bơm nước sông ở xã Hóa An, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, công trình xử lý nước và trạm bơm nước sạch ở Thủ Đức. Và cuối cùng là hai tuyến ống truyền dẫn nước sông từ trạm bơm Hóa An về Thủ Đức, một phần tuyến ống nước dẫn nước sạch vào thành phố.
Quy trình khép kín, đảm bảo an toàn nguồn nước sạch
Từ trạm bơm cấp 1 ở Hóa An, nước sông Đồng Nai qua công trình thu vào 3 hầm thu nước, qua ống bê tông dẫn nước vào hầm bơm và bơm vào ống truyền tải nước thô về Nhà máy nước Thủ Đức.
Sau đó nước được dẫn vào hệ thống ống đến các mương dẫn và được pha trộn các chất tạo keo để kết tủa các vật chất có trong nước.
Nước thô tiếp tục được dẫn qua các bể lắng trước khi được xử lý qua khu vực khử bằng clo. Mẫu nước này sau đó được đem đi kiểm tra, nếu đạt chất lượng thì mới đưa vào hệ thống bơm đẩy ra mạng lưới cấp nước các công ty trước khi được cấp nước về cho người dân sử dụng.
Tại nhà máy xử lý này có một phòng thí nghiệm, hằng ngày các mẫu nước từ hệ thống sông rạch tại TP.HCM được lấy về để đo đạc chất lượng nguồn nước thô.
Nếu nguồn nước có dấu hiệu bất thường sẽ được báo cáo để tạm ngưng lấy. Ngoài ra việc xử lý nước trong nhà máy sẽ được giám sát trực tuyến qua hệ thống công nghệ thông tin, khi chất lượng nước có sự bất thường ngoài ngưỡng cho phép hệ thống sẽ cảnh báo để nhân viên giám sát báo động cho các công đoạn ngưng cấp nước ra ngoài.
Về quy chuẩn nước đầu ra khi cấp cho người dân, Sawaco cho biết theo yêu cầu nguồn nước trước khi cấp cho người dân đều phải đạt quy chuẩn của Bộ Y tế. Công ty luôn yêu cầu nguồn nước đầu ra phải cao hơn quy chuẩn này, ví dụ như độ đục Bộ Y tế cho phép ở ngưỡng 2 NTU nhưng phía công ty yêu cầu phải đạt 0,5 NTU…
Hàm lượng magan, sắt phải thấp hơn yêu cầu 10 lần để hạn chế tối đa sự lắng cặn trên đường dẫn, ảnh hưởng đến chất lượng nước, ngoài ra còn rất nhiều tiêu chuẩn khác được giám sát bằng hệ thống trực tuyến 24/7.
Với nhiều nỗ lực của các thời kỳ lãnh đạo, Nhà máy nước Thủ Đức là nhà máy có quy mô và công suất lớn nhất nước, nguồn cung cấp nước sạch chủ yếu phục vụ người dân thành phố.
Không dừng lại với kết quả đã có, để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước và phát triển đô thị, cùng với sự phát triển của hệ thống cấp nước thành phố, nhà máy không ngừng được nâng cấp, mở rộng nhằm tăng công suất xử lý. Nơi đây được ví như “trái tim” của ngành nước TP.HCM.
Nguồn: https://tuoitre.vn/58-nam-nha-may-nuoc-thu-duc-trai-tim-cap-nuoc-tp-hcm-20241212164940546.htm