Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho hay Ankara đã thúc giục Nga và Iran không can thiệp quân sự để hỗ trợ lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad khi phe đối lập tiến vào Damascus.
“Điều quan trọng nhất là phải nói chuyện với phía Nga và Iran để đảm bảo rằng họ không tham gia vào cuộc chiến quân sự đó. Chúng tôi đã có cuộc họp và họ đã hiểu”, Ngoại trưởng Fidan nói với đài truyền hình tư nhân NTV của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 13.12, theo AFP.
Ông Fidan còn nói rằng nếu Moscow và Tehran, cả hai đều là đồng minh chủ chốt của Tổng thống Syria Bashar al-Assad kể từ khi cuộc nội chiến Syria bùng nổ vào năm 2011, đã hỗ trợ ông al-Assad, thì phe đối lập vẫn có thể giành chiến thắng nhưng kết quả có thể có thương vong nhiều hơn.
Thổ Nhĩ Kỳ thuyết phục Nga, Iran ngừng can thiệp giúp chính phủ al-Assad chống phe đối lập?
Ông Fidan nhấn mạnh mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là “tổ chức các cuộc đàm phán tập trung với hai thế lực quan trọng này để đảm bảo giảm thiểu thương vong”.
Khi liên minh quân sự đối lập do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu lần đầu tiên bắt đầu cuộc tấn công vào ngày 27.11, Moscow và Tehran ban đầu đã đề nghị hỗ trợ quân sự cho ông al-Assad để ngăn chặn cuộc tấn công đó. Nhưng quy mô sụp đổ của lực lượng al-Assad đã khiến họ bất ngờ.
Vụ việc đó xảy ra vào thời điểm cả Nga lẫn Iran đều đang phải đối mặt với những vấn đề của riêng mình: Nga bận rộn với chiến dịch quân sự ở Ukraine và các lực lượng được Iran hỗ trợ, bao gồm Hezbollah ở Li Băng, đang hứng chịu đòn tấn công nặng nề từ Israel.
Ngoại trưởng Fidan cho rằng cả Moscow lẫn Tehran nhanh chóng nhận ra rằng trò chơi đã kết thúc và ông al-Assad “không còn là người để đầu tư vào nữa”.
Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự ủng hộ đối với lực lượng đối lập khi các chuyên gia cho rằng Ankara thậm chí còn bật đèn xanh cho cuộc tấn công của HTS mà không trực tiếp tham gia, theo Reuters.
Nhiều quốc gia, đặc biệt là trong khu vực, đã bày tỏ lo ngại về HTS, vốn có nguồn gốc từ chi nhánh Syria trước đây của al-Qaeda và bị nhiều chính phủ phương Tây coi là tổ chức khủng bố.
Tuy nhiên, ông Fidan nói rằng “hoàn toàn bình thường” khi có những lo ngại như thế về HTS và những lo ngại này “cần phải được giải quyết”.
“Không ai hiểu họ rõ bằng chúng tôi, chúng tôi muốn một Syria không có chủ nghĩa khủng bố, không gây ra mối đe dọa cho các quốc gia trong khu vực”, ông Fidan nhấn mạnh.
Kể từ năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã có ảnh hưởng đáng kể đến tây bắc Syria, duy trì mối quan hệ làm việc với HTS, nhóm kiểm soát hầu hết tỉnh Idlib, vốn là thành trì cuối cùng của phe đối lập Syria.
Qua các kênh liên lạc mở với HTS, Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển những lo ngại như trên trực tiếp đến nhóm này, theo ông Fidan.
“Chúng tôi phản ánh mối quan tâm của bạn bè mình với họ và đảm bảo họ thực hiện các bước. Họ đã đưa ra nhiều thông báo và mọi người thấy rằng họ đang đi đúng hướng”, ông nói.
Ngoại trưởng Fidan nhấn mạnh thông điệp mà Ankara gửi đến chính quyền mới ở Damascus là: “Đây là điều mà Thổ Nhĩ Kỳ mong đợi sau khi đã sát cánh cùng quý vị trong nhiều năm. Và đây là điều mà thế giới mong đợi”.
Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Moscow lẫn Tehran cũng như HTS về phát ngôn trên của ông Fidan.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tho-nhi-ky-da-tac-dong-nga-iran-luc-phe-doi-lap-syria-tien-quan-18524121409393654.htm