Siêu đề án đường sắt đô thị đang được trình Bộ Chính trị và cùng với nghị quyết 98 cũng như các cơ chế đặc thù khác, TP.HCM kỳ vọng sẽ tạo sự đột phá về hệ thống metro.
Để khởi đầu, TP.HCM tính toán dùng vốn ngân sách thay vốn ODA để làm tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương.
Đây sẽ là một bước ngoặt rất lớn cho công trình vốn đã được phê duyệt chủ trương đầu tư cách đây 14 năm và có thể là tiền đề để làm những tuyến metro khác bằng nội lực của mình.
Vì sao phải tính đến chuyện dùng ngân sách?
Metro số 2 được phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2010. Trong lần điều chỉnh chủ trương gần nhất vào năm 2023, dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2030 và bảo hành đến 2032. Toàn tuyến dài khoảng 11km với tổng vốn đầu tư khoảng 47.890 tỉ đồng.
Trong đó vốn ODA và vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) hơn 37.486 tỉ đồng, còn vốn đối ứng từ ngân sách hơn 10.403 tỉ đồng.
Dự án đã ký kết 5 khoản vay nhưng 3 khoản vay từ ADB, EIB đã hết hiệu lực, 2 khoản vay của KfW cần gia hạn để tiếp tục triển khai. Tuyến metro số 2 có tổng cộng 7 gói thầu xây lắp chính nhưng đến nay mới đưa vào sử dụng gói thầu CP1 – xây dựng tòa nhà văn phòng tại depot Tham Lương từ năm 2017.
Để sớm khởi công 6 gói thầu chính còn lại thì vấn đề rất quan trọng là phải huy động được tư vấn mới bởi hợp đồng với tư vấn cũ là liên danh Metro Team Line 2 (tư vấn IC) đã kết thúc. Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) đã đấu thầu tìm tư vấn kiểm soát dự án và giám sát thi công (tư vấn CS2B).
Tại buổi làm việc với chủ đầu tư đầu năm 2024, nhà tài trợ đã nhấn mạnh rằng điều đầu tiên và quan trọng nhất là đảm bảo huy động được tư vấn CS2B càng sớm càng tốt. Tư vấn có nhiệm vụ sẽ rà soát thiết kế nền tảng, cập nhật dự toán các gói thầu, tổng mức đầu tư. Từ đó có thể thấy được bức tranh tổng thể về tài chính và tiến độ của dự án.
Theo kế hoạch trước đây, dự kiến tháng 8-2024 chủ đầu tư sẽ trao hợp đồng tư vấn CS2B, tuy nhiên gói thầu mới dừng ở bước sơ tuyển. Đáng chú ý gói CS2B vẫn chưa có nguồn vốn do KfW đã xác định không tham gia quá trình tiếp theo của gói thầu này.
Như vậy khi chuyển đổi nguồn vốn làm metro số 2, có hai phương án phải đặt ra với gói thầu này. Một là tiếp tục duy trì đấu thầu nhưng tiến trình thực hiện được dự báo sẽ rất khó khăn, vướng mắc quy định. Còn phương án tối ưu là hủy thầu gói CS2B, đồng thời bố trí vốn ngân sách để triển khai đấu thầu lại.
Phát hành trái phiếu là khả thi
Từ tình hình vốn cho metro số 2 như trên, trong quá trình góp ý triển khai dự án, các sở ngành đánh giá việc sử dụng nguồn vốn ngân sách thay vốn ODA để làm dự án metro là hoàn toàn khả thi. Mới đây Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) đã có báo cáo toàn diện về phương thức huy động vốn thay thế nguồn vốn ODA.
Hiện có hai phương thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương gồm đấu thầu phát hành và bảo lãnh phát hành. Các đợt phát hành trái phiếu chính quyền địa phương trước đây của TP chủ yếu thực hiện theo phương thức bảo lãnh phát hành do khối lượng phát hành mỗi năm không nhiều (2.000 – 3.000 tỉ đồng/năm). Trong khi để thực hiện dự án metro 2 dự kiến phát hành trái phiếu chính quyền địa phương khoảng 30.669 tỉ đồng trong giai đoạn 2026 – 2030. Trường hợp đợt phát hành trái phiếu có khối lượng lớn, phương thức bảo lãnh phát hành khó có thể thực hiện, còn đấu thầu phát hành sẽ phù hợp hơn.
Theo HFIC, khả năng thành công của việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương sẽ phụ thuộc tình hình thị trường và nhu cầu của các nhà đầu tư tại thời điểm phát hành. Bên cạnh đó là bối cảnh thị trường trái phiếu có sự tham gia huy động vốn của nhiều chủ thể phát hành.
Với biên độ lãi suất được đánh giá hấp dẫn, cùng mức độ tín nhiệm nhất định của trái phiếu chính quyền địa phương do TP phát hành, trái phiếu metro 2 dự kiến vẫn có khả năng thu hút nhà đầu tư.
Trái phiếu phải thật hấp dẫn
Tuy nhiên, nếu nhu cầu khối lượng phát hành trái phiếu hằng năm của TP.HCM cao hơn (gồm khối lượng dành cho các dự án khác dự kiến 10.000 – 20.000 tỉ đồng/năm) thì việc phát hành thành công trong giai đoạn 2026 – 2030 cũng như giai đoạn sau 2030 sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Cụ thể như tình hình thị trường, mức độ hấp dẫn về lãi suất, khả năng thanh khoản của trái phiếu chính quyền địa phương trên thị trường thứ cấp… Đồng thời cũng cần tuân thủ các quy định như tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp và giá trị huy động không vượt quá mức bội chi ngân sách mà Quốc hội quyết định hằng năm.
Trên cơ sở dự kiến khả năng cân đối ngân sách TP, việc huy động vốn theo hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu vốn giải ngân cho metro số 2. Tại năm dự kiến phát hành, HFIC sẽ phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND TP xác định cụ thể phương thức phát hành trái phiếu (đấu thầu phát hành hoặc bảo lãnh phát hành) và các nội dung liên quan trên cơ sở đánh giá bối cảnh thị trường trái phiếu và thăm dò nhu cầu của nhà đầu tư.
Với giai đoạn 2031 – 2035, khi dự kiến còn khoảng 12.600 tỉ đồng cho dự án metro số 2, TP.HCM cần rà soát khả năng cân đối các nguồn thu từ phát triển đô thị theo mô hình TOD và các nguồn khác. Trong trường hợp cần thiết bổ sung nguồn vốn vay, TP.HCM sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất phương thức huy động phù hợp dựa trên khả năng trả nợ và tình hình thị trường.
Để tăng tính khả thi của phương án huy động vốn, HFIC đề nghị có cơ chế tăng tính hấp dẫn và thanh khoản của trái phiếu chính quyền địa phương, như nâng giá trị của trái phiếu trong các giao dịch danh mục giấy tờ có giá, hoặc được phép áp dụng biên độ lãi suất hấp dẫn hơn…
TS Trần Quang Thắng (viện trưởng Viện Kinh tế quản lý TP.HCM):
Cần thiết nhưng cũng có nhiều rủi ro
Hệ thống metro là rất cần thiết cho các đô thị như TP.HCM. Do đó việc phải phát hành trái phiếu địa phương để bổ sung cho các nguồn vốn hiện có chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông công cộng nói chung và tuyến metro số 2 nói riêng là rất cần thiết.
Tuy nhiên TP.HCM cần phải quan tâm đến các điểm như việc phát hành trái phiếu địa phương cũng có thể gặp phải rủi ro tài chính, đặc biệt là khi kinh tế suy giảm.
Ngoài ra các chính sách tài chính của chính quyền địa phương cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của đầu tư và các thay đổi chính sách nếu có có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận và khả năng thu hồi vốn. Việc định giá trị của trái phiếu địa phương thường không dễ dàng thực hiện như các trái phiếu khác, do phụ thuộc vào nhiều yếu tố kinh tế và chính trị địa phương.
Đặc biệt để chuẩn bị nguồn vốn phát triển hệ thống metro, các đơn vị tập trung đẩy nhanh phát triển mô hình TOD (Transit Oriented Development – mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng – PV) và xem đó là chiến lược.
Mô hình TOD góp phần tối ưu hóa giá trị đất đai quanh các nhà ga, tạo thêm nguồn vốn tái đầu tư hạ tầng giao thông. Đồng thời TOD tăng mật độ dân cư gần các điểm giao thông trọng yếu, thúc đẩy sức hấp dẫn của hệ thống giao thông công cộng.
PGS.TS Nguyễn Bá Hoàng (nguyên phó hiệu trưởng phụ trách Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM):
Cần thu hút các doanh nghiệp lớn tham gia
Chủ trương phát hành trái phiếu địa phương ở TP.HCM làm metro là cần thiết, mang tính lâu dài, bền vững.
Một số nước phát triển đã thực hiện chính sách này, đơn vị bỏ tiền đầu tư, xây dựng, vận hành metro có thể là doanh nghiệp tư nhân (ví dụ Nhật Bản có Tập đoàn Tokyu) với điều kiện nhà nước có định hướng đúng bằng cách tạo ra các chính sách ưu đãi đầu tư như ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính (cung cấp các khoản vay ưu đãi hoặc bảo lãnh tín dụng), cung cấp cơ chế đặc biệt về đất đai và giá đất.
Có như vậy, bên cạnh nguồn vốn nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng chung tay vào việc phát triển hệ thống metro hiệu quả hơn. Với các chính sách hấp dẫn, TP.HCM dễ thu hút, nhận được sự ủng hộ từ các doanh nghiệp. Bởi khi metro hoàn thành đem lại lợi ích kinh tế lớn, thay đổi bộ mặt đô thị, phục vụ người dân.
Đặc biệt TP.HCM phải tính toán, nghiên cứu đưa ra kế hoạch, chính sách thu hút được sự quan tâm trước hết từ các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế. Cụ thể như việc phát hành trái phiếu địa phương kèm những ưu đãi về quỹ đất dọc tuyến, các khu đất hiện nay và thúc đẩy hợp tác công tư (PPP) để doanh nghiệp cùng chia sẻ rủi ro và lợi nhuận khi đầu tư vào dự án.
Dự án thí điểm từ cơ chế chính sách siêu đề án metro
Mới đây Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM đã thống nhất chủ trương sử dụng vốn ngân sách TP.HCM để triển khai tiếp dự án metro số 2 và bổ sung công trình kết nối đồng bộ tuyến metro số 1 và số 2 tại khu vực nhà ga Bến Thành vào dự án metro số 2.
Các sở ngành, đơn vị liên quan sẽ có báo cáo đánh giá tác động toàn diện các vấn đề phát sinh (pháp lý, tài chính…); nghiên cứu, bổ sung cơ chế tổng thầu EPC vào đề án metro theo kết luận số 49 của Bộ Chính trị, đồng thời xác định tuyến metro số 2 phải là dự án thí điểm các cơ chế chính sách từ đề án…
Theo đánh giá của một chuyên gia, khi sử dụng vốn ngân sách làm metro số 2 sẽ cần thêm thời gian để thực hiện các quy trình. Tuy nhiên phương án này sẽ giúp TP chủ động trong toàn bộ quá trình thực hiện, có thể rút ngắn được thời gian làm dự án. Bên cạnh đã có sẵn mặt bằng sạch, metro số 2 còn có thuận lợi là có thể áp dụng các cơ chế đặc thù trong đề án metro của TP hiện đang trình các cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương.
Muốn làm 355km metro: trái phiếu, TOD là then chốt
Trên cơ sở chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, UBND TP.HCM đã hoàn thiện đề án với mục tiêu hoàn thành 355km metro chỉ trong 10 năm. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã hoàn thành đề án metro tổng thể tại Hà Nội và TP.HCM để trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương.
Tăng chiều dài đi ngầm để giảm chi phí mặt bằng
Trong đề án, TP.HCM đã nghiên cứu tăng chiều dài đi ngầm, đi sâu nhằm giảm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Việc này cũng giúp đẩy nhanh tiến độ thi công, phát huy hiệu quả khai thác không gian ngầm, kết hợp chỉnh trang, tái cấu trúc các khu đô thị hiện hữu (hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đáp ứng).
Bên cạnh đó, hướng tuyến được xem xét thiết kế đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, không nhất thiết đi trùng với hành lang đường bộ. Để triển khai 7 tuyến với chiều dài 355km, TP.HCM tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 40 tỉ USD. Trong đó phương án tăng chiều dài đi ngầm giúp chi phí mặt bằng chỉ còn 6,1 tỉ USD (giảm 11,9 tỉ USD so với khi tăng chiều dài đi trên cao).
Trong số 43 cơ chế chính sách đặc biệt, TP.HCM đề xuất được vay vốn thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho TP vay lại và các hình thức huy động vốn hợp pháp khác.
Tổng mức vay và bội chi ngân sách TP hằng năm được Quốc hội quyết định trên cơ sở đảm bảo đủ nhu cầu nguồn vốn vay trong năm của TP. Tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp, trường hợp vượt quá 120% thì Quốc hội xem xét, điều chỉnh tăng mức dư nợ vay phù hợp theo nhu cầu thực tế.
Đối với trong khu vực TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng), TP.HCM đề xuất được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với các khoản để phát triển metro, giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với vận tải hành khách công cộng.
Cụ thể như tiền thu đối với diện tích sàn xây dựng tăng thêm của các dự án xây dựng công trình dân dụng do việc tăng hệ số sử dụng đất và các chỉ tiêu quy hoạch khác của khu vực TOD. Tiền thu từ việc khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD…
Đề xuất lập tập đoàn nhà nước làm metro
TP.HCM cũng kiến nghị thành lập tập đoàn đường sắt đô thị đồng thời với quá trình chuẩn bị đầu tư các metro tại đề án. Tập đoàn đường sắt đô thị sẽ là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM. Mô hình này sẽ được nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm ở một số thành phố của các nước có hệ thống đường sắt đô thị phát triển trên thế giới như Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản…
TP.HCM sẽ nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù để tập đoàn đường sắt đô thị được phép huy động vốn, được Nhà nước giao tổ chức thực hiện hoặc tự thực hiện các công tác thiết kế, quản lý dự án, đầu tư xây dựng; vận hành, khai thác.
Tập đoàn được phép kinh doanh bất động sản khu vực vùng phụ cận nhà ga và depot theo mô hình TOD, kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt.
Trong lộ trình phát triển, TP.HCM đặt mục tiêu sẽ từng bước xây dựng tập đoàn đường sắt đô thị ngày càng lớn mạnh, đủ năng lực về vốn, công nghệ và quản trị doanh nghiệp. Từ đó tập đoàn không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển đường sắt đô thị của TP và vùng lân cận, mà còn mở rộng ra cả nước và tiến tới có thể xuất khẩu sang các nước trong khu vực và trên thế giới.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tp-hcm-muon-tu-chu-nguon-von-lam-metro-so-2-20241214081908307.htm