(NLĐO) – Sáng 14-12, chương trình “Bồi dưỡng kiến thức ứng xử với báo chí-truyền thông” diễn ra tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám – TP HCM.
Chương trình do Báo Người Lao Động phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 7 tổ chức, với sự tham gia của hơn 100 cán bộ quản lý là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn quận 7 – TP HCM.
Phát biểu tại chương trình, nhà báo Lê Cường, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã có phần trình bày với nhiều thông tin thiết thực và đưa ra những tình huống ứng xử thực tế.
Nhà báo Lê Cường cho biết chương trình “Bồi dưỡng kiến thức ứng xử với báo chí-truyền thông” cung cấp các kỹ năng ứng xử với báo chí-truyền thông gồm tiếp xúc, trả lời phỏng vấn báo chí, phát ngôn, cung cấp thông tin ban đầu, ứng xử với thông tin báo chí, mạng xã hội. Qua đó, giúp nhận diện nguy cơ khủng hoảng truyền thông mà ngành giáo dục hay gặp phải, đồng thời xây dựng quy trình xử lý khủng hoảng truyền thông chi tiết cho trường học.
Các cán bộ quản lý, thầy cô giáo đã nhiệt tình trao đổi kinh nghiệm, thảo luận về các vướng mắc trong quá trình giải quyết những tình huống khi làm công tác quản lý tại đơn vị.
Chia sẻ tại chương trình, ông Đặng Nguyễn Thịnh, Quận ủy viên, Trưởng Phòng GD-ĐT Quận 7, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng xử và tiếp xúc với báo chí, định hướng thông tin, giới thiệu về trường học, đặc biệt là ứng xử khi xảy ra sự cố đối với phản ánh từ phụ huynh và thông tin trên mạng xã hội.
Ông Thịnh cho rằng đây không chỉ là cơ hội học tập mà còn là dịp để các cán bộ quản lý, thầy cô giáo trao đổi kinh nghiệm, thảo luận và tìm ra những giải pháp hữu ích trong công tác quản lý tại các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn quận 7 trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin.
Trao đổi tại chương trình, các cán bộ quản lý, thầy cô giáo đề cập đến những vấn đề khủng hoảng truyền thông phổ biến như tai nạn, sự cố học sinh, bạo lực học đường, tranh cãi về học phí/thu chi, an toàn thực phẩm, cơ sở vật chất và nhận được những chia sẻ hữu ích thiết thực từ các báo cáo viên của Báo Người Lao Động.
Bà Tô Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Phong 2 (quận 7), cho hay chương trình cung cấp những kiến thức, nội dung cần thiết nhằm giúp giảm thiểu tối đa khủng hoảng truyền thông đối với các đơn vị giáo dục, qua đó giúp công tác quản lý giáo dục hiệu quả hơn.
Bà Dung cho rằng kỹ năng xử lý tình huống khủng hoảng truyền thông rất cần thiết trong thời đại phát triển mạnh mẽ của truyền thông số và mạng xã hội. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giao tiếp với báo chí, vượt qua các rào cản để giao tiếp hiệu quả, biết cách áp dụng các nguyên tắc giao tiếp đạt hiệu quả và có tính lan tỏa.
Ông Dương Khắc Sinh Nhựt, Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Phạm Hữu Lầu, cho rằng sự bình tĩnh trong xử lý vấn đề của các cán bộ quản lý nhà trường hết sức quan trọng và nhấn mạnh sự cần thiết của giao tiếp giữa ban lãnh đạo nhà trường và báo chí, truyền thông nội bộ, từ đó đưa ra nhận định, đánh giá vụ việc và phân công xử lý hiệu quả.
Ông Hà Thanh Hải, Phó trưởng Phòng GD-ĐT Quận 7, nhận xét chương trình chia sẻ những nguyên tắc xử lý khủng hoảng truyền thông thiết thực, qua đó giúp lường trước các tình huống. Ông cho rằng việc chủ động cung cấp, chia sẻ thông tin với báo chí chính thống là cần thiết để giải quyết các sự cố, tránh che giấu thông tin khiến khủng hoảng xảy ra nghiêm trọng hơn tại các cơ sở giáo dục. Ông nhấn mạnh cách thức sử dụng mạng xã hội của viên chức quản lý phải phù hợp với nhiệm vụ và quy định pháp luật.
Nguồn: https://nld.com.vn/hon-100-can-bo-giao-duc-tham-du-boi-duong-ky-nang-ung-xu-voi-bao-chi-truyen-thong-196241214125906935.htm