(NLĐO) – Một loạt cuộc hôn phối dị chủng giữa tổ tiên Homo sapiens và một loài khác đã xảy ra liên tục từ 50.500 – 43.500 năm trước ở châu Á và châu Âu.
Theo Discover Magazine, một nghiên cứu mới cho thấy việc tổ tiên Homo sapiens của chúng ta kết đôi với những người khác loài Neanderthals đã xảy ra phổ biến trong khoảng thời gian kéo dài hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây: Tận 7.000 năm.
Hai nghiên cứu hợp tác – bao gồm một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học California ở Berkeley (Mỹ) và Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck (Đức) – đã phân tích 59 bộ gien từ những người cổ đại sống ở châu Âu, Tây Á và Trung Á khoảng 2.000-45.000 năm trước.
Bên cạnh đó, họ cũng phân tích bộ gien của 275 người hiện đại để đối chiếu.
Các kết quả công bố trên tạp chí Science đã củng cổ mốc thời gian xảy ra những cuộc hôn phối dị chủng giữa tổ tiên chúng ta và người Neanderthals, một loài cùng chi Homo (chi Người), đã tuyệt chủng hơn 30.000 năm trước.
Ước tính các “đám cưới” khác loài kiểu này diễn ra rải rác ở nhiều khu vực trên lục địa Á – Âu trong suốt 7 thiên niên kỷ, từ khoảng 50.500 năm đến 43.500 năm trước.
Như vậy, DNA của những vị tổ tiên khác loài đã xâm nhập cộng đồng Homo sapiens nhiều lần và sâu sắc hơn chúng ta từng nghĩ.
Điều này giúp giải thích mức độ 1-2% gien dị chủng từ loài người cổ đại này hiện diện trong bộ gien người hiện đại sống ở lục địa Á – Âu, bên cạnh các gien khác loài từ các loài khác.
Mức độ xâm nhập tương đối chênh lệch ở các khu vực khác nhau trên lục địa, tùy thuộc vào việc các nhóm thuộc 2 loài đã vô tình gặp gỡ và giao thoa với nhau bao lâu, bao nhiêu lần ở vùng đó, cũng như tác động của các cuộc hôn phối dị chủng với loài khác nữa.
Ví dụ, người Đông Á có nhiều hơn người châu Âu hoặc Tây Á khoảng 20% gien từ những vị tổ tiên khác loài.
Mối quan hệ giữa loài người cổ này và loài người đã tạo ra những kết quả di truyền hấp dẫn vẫn còn tồn tại đến nay. Song, câu chuyện này còn có một chương khác mà các nhà nghiên cứu vẫn đang khám phá.
Vai trò của người Denisovans, một loài người cổ khác với DNA hiện diện phổ biến trong dân số Đông Nam Á và các đảo quốc Thái Bình Dương có một lượng nhỏ, cũng cần được nghiên cứu thêm.
Những điều này sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về toàn bộ phạm vi di cư và tương tác di truyền của loài Homo sapiens, cũng như xem xét các khác biệt về thể chất mà các gien các loài có thể mang lại cho từng cộng đồng.
Nguồn: https://nld.com.vn/phat-hien-soc-ve-to-tien-khac-loai-cua-nguoi-dan-a-au-196241214083654647.htm