Không phải là thơ, Nguyễn Phong Việt chọn tản văn như một niệm lành gửi đến những người yêu thích chữ của mình. Độc giả “ngơ ngác” chẳng hiểu tại sao anh chọn lắng mình với thơ mà lại thao thiết chảy tràn cảm xúc cùng tản văn. Nhưng tin chắc, đó luôn là những điều rất thật mà Nguyễn Phong Việt gói ghém cả năm dài ngõ hầu để bạn đọc soi mình qua chữ.
Lần giở trang đời
Thoảng khi tôi vẫn hay ngồi cùng Nguyễn Phong Việt ở những góc phố quen, bên ly cà phê và những câu chuyện đời thường. Chỉ vậy thôi rồi mỗi người lại rẽ những lối đi khác nhau giữa mênh mang phố xá thị thành này. Nhưng vẫn đọc của nhau, bởi biết chắc đâu đó trong câu chuyện mà chúng tôi chắt chiu trên trang viết, sẽ có những góc nhìn nhân tình thế thái bấy lâu nén chặt ở đáy lòng. Thường thì với người viết là vậy, sự ngưng tụ sẽ được bung vỡ, bứt thoát bằng câu chữ. Chính trên trang viết, tác giả mới trải lòng mình một cách mê đắm nhất, tựu trung vẫn là những bộc bạch truyền đi một thông điệp sống. Vậy nên, với Nguyễn Phong Việt, có thể thấy ở tập tản văn mới này, anh đã chọn viết tiếp chuỗi series Chúng ta sống… sau 3 ấn phẩm lần lượt là Chúng ta sống có vui không? (năm 2020), Chúng ta sống là vì… (2022), Chúng ta sống để lắng nghe (2023).
Tiếp tục với mạch văn nói về cuộc sống, Nguyễn Phong Việt mang đến 45 tản văn gói trong gần 200 trang sách là những câu chuyện giản dị như: Đưa tiền bằng hai tay, Ánh mắt của mình trong bức ảnh ngày xưa, Dáng ngồi cô đơn, Đi dưới hàng cây, Một buổi sáng đầy gió, Những cái cây rụng lá bốn mùa, Sương mù… Vẫn là giọng văn nhàn nhã, mang đầy tính tự sự nhưng thoát lên từ câu chuyện là một lẽ sống được đúc kết từ hành trình của một người tuổi đời đã ở ngưỡng trung niên. Có nghĩa là đã đi qua những thác ghềnh của dâu bể phận người, đã nếm trải đủ chua cay, chát mặn trong muôn vàn mỹ vị nhân gian. Đã từng, nên khi chọn ngồi lại với chính mình, Nguyễn Phong Việt như độc thoại cùng những riêng mang, để từ đó câu chữ dẫn dắt người đọc đi đến những đúc kết của chính mình.
Chấp niệm hay buông bỏ những muộn phiền trong hành trình sống luôn là một khoảng thời gian khiến chính chúng ta chênh chao nhất. Nhưng, kỳ thực, chỉ khi hiểu được sự trĩu trịt của đời mình thì mới hay lòng mình nặng hay nhẹ cũng chính từ mình mà ra. “Những muộn phiền giống như một hòn đá, bắt đầu có thể rất nhỏ, nhưng cứ lăn tròn mỗi ngày trên đường đời… đến một ngày biết đâu thành một ngọn núi cao trong lòng chúng ta” (trích Bỏ đi).
Không ai khác, chính chúng ta mới là người tự tạo ra những ngọn núi của đời mình. Hạnh phúc hay khổ đau cũng từ chính việc chấp nhận, ứng biến và thay đổi trong mỗi con người. Từng trang sách như những trang đời, giở ra, đọc thấy chính mình của một thời hãy còn nặng mang.
Đi qua muộn phiền
Ngay khi tôi gấp trang sách cuối thì nhận được thông tin cuốn tản văn này tái bản chỉ sau một ngày phát hành chính thức. Một điều mà hiếm có tác giả hay cuốn sách nào làm được, ít nhất trong thời điểm này, lúc mà văn hóa đọc đang bị lấn át bởi nhiều hình thức giải trí trên các nền tảng mạng xã hội. Tôi tự hỏi điều gì đã khiến độc giả, trong những ngày cuối năm này, háo hức với cuốn sách? Phải chăng đó chính là cảm giác nhẹ bẫng và thanh nhàn khi đọc xong tập tản văn. Thể như chính chúng ta chiêm nghiệm ra cuộc sống của mình trong một năm đầy biến động, để tự mình xác tín một hành trình mới. Hành trình đi qua những muộn phiền, chạm tay vào những bình yên.
Khi đọc đến tản văn nói về cuộc bầu chọn màu sắc của năm 2024, do Viện nghiên cứu màu sắc Pantone tổ chức với kết quả màu cam đào được chọn lựa, tôi cảm giác chính cái màu sắc biểu trưng cho sự bình yên và chăm sóc là điều mà con người hướng đến khi đã đi qua cơn đại dịch Covid-19, cuộc suy thoái kinh tế, và nhiều tin tức về chiến tranh… Tất cả những tác động đó khiến cho người đọc bộc lộ tâm ý khi lựa chọn màu của năm. “Năm 2024 là năm của màu sắc bình yên và chăm sóc. Vậy thì năm 2025, có nên là màu của niềm vui và bước tiếp?” (trích Màu cùa bình yên).
Rõ ràng chúng ta chỉ một lần sống, vậy tại sao không chọn sống vui giữa mọi hỉ nộ ái ố hoan bi lạc mà cuộc đời vốn dĩ luôn sắp sẵn trên hành trình để ta phải đi. Chỉ khi biết chọn cách sống vui thì mỗi ngày chúng ta sẽ luôn có nguồn năng lượng tích cực để bước tiếp. Trong tản văn cuối cùng của cuốn sách, Nguyễn Phong Việt đã viết: “Chúng ta, ngày mai sẽ khác hơn, vì rằng mỗi bước chân của con người đều có một giá trị nào đó với chính người sở hữu nó” (trích Những bước chân). Hiểu được giá trị của những bước chân ấy là lúc chúng ta bước những bước tiếp theo thật vững vàng với cuộc đời này.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhung-cau-chu-giu-doi-binh-yen-185241213220845958.htm