Thời gian qua, cùng với việc phát triển nhanh, hiện đại, đồng bộ về hạ tầng nhằm tăng tốc du lịch, Cô Tô cũng đặc biệt chú trọng giữ gìn môi trường xanh – sạch – đẹp, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng, tài nguyên biển. Ý thức rõ ràng tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái chính là lợi thế, nền tảng cũng như vấn đề “sống còn” để phát triển bền vững, chính quyền địa phương và nhân dân huyện đảo luôn kiên định với mục tiêu tăng trưởng xanh.
Với việc phát huy triệt để tiềm năng, lợi thế sẵn có, đặc biệt là lợi thế kinh tế, biển và địa chính trị của huyện Cô Tô, vị trí tiền tiêu của tổ quốc; tận dụng sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, nắm bắt các cơ hội phát triển mới để thu hút đầu tư phát triển nhanh, tạo sự bứt phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhanh chóng phát triển Cô Tô lên thành một vùng đảo có kinh tế phát triển, một căn cứ vững chắc để đảm bảo quốc phòng an ninh và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia vùng biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc.
Phát triển huyện Cô Tô theo hướng mở và hội nhập mạnh với khu vực và khu vực, đồng thời phải trên quan điểm tổng thể, có tầm nhìn dài hạn và bước đi thích hợp, bảo đảm phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Cùng với đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để phát triển những ngành có lợi thế, củng cố và tăng cường chủ quyền và sức mạnh quốc gia trên biển, hình thành một số sản phẩm chủ lực, làm nền tảng thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế. Tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng; đề xuất và được áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi và thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược, đến phát triển sản xuất kinh doanh và thúc đẩy du lịch trên vùng đảo.
Phát triển huyện Cô Tô cần đặc biệt coi trọng việc tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng an ninh xứng đáng với vị trí tiền tiêu của vùng đảo nhằm giữ vững ổn định chính trị và chủ quyền quốc gia vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc. Lấy phát triển kinh tế làm cơ sở để tăng cường củng cố quốc phòng an ninh, đồng thời lấy bảo đảm quốc phòng an ninh làm tiền đề số một để phát triển kinh tế. Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội huyện Cô Tô phù hợp với quy hoạch khu kinh tế quốc phòng, cụm đảo Đông Bắc, tỉnh Quảng Ninh/Quân khu 3.
Với mục tiêu xây dựng Cô Tô trở thành một huyện đảo có nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, có trình độ phát triển đạt mức khá của tỉnh Quảng Ninh; ưu tiên tập trung phát triển kinh tế biển và du lịch sinh thái phù hợp với biển đảo, hướng tới du lịch đẳng cấp cao; là đô thị sinh thái biển thông minh với kết cấu hạ tầng hiện đại, trở thành điểm tựa của ngành ngư nghiệp trên toàn vùng biển Đông Bắc; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được đảm bảo, giữ gìn và phát huy tốt bản sắc dân tộc, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; đảm bảo quốc phòng an ninh và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia vùng biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc.
Hướng đến năm 2030, tiến tới xây dựng Cô Tô thành một huyện đảo có kinh tế năng động, một trọng điểm phát triển trong chiến lược phát triển kinh tế biển đảo của tỉnh Quảng Ninh; đồng thời là căn cứ vững chắc để bảo vệ quốc phòng an ninh và chủ quyền quốc gia vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc.
Phát triển du lịch đi đôi với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biển đảo, tạo môi trường thuận lợi phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Xây dựng Cô Tô trở thành căn cứ vững chắc để đảm bảo quốc phòng an ninh và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia vùng biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc.
Gắn sản xuất nông nghiệp với phục vụ dịch vụ du lịch và chế biến công nghiệp nhằm nâng giá trị gia tăng. Sản xuất nông nghiệp chú trọng tới việc tận dụng lợi thế tự nhiên, sản xuất những sản phẩm hạn chế sử dụng nước ngọt, hạn chế sử dụng những chất hóa học có tác động tiêu cực tới môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên.
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Nhanh chóng thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng theo hướng chuyên canh phù hợp với thổ nhưỡng, tính chất của từng đảo, cây có giá trị phục vụ nhu cầu du lịch trên đảo. Phát triển nông nghiệp theo hướng gắn với công nghiệp chế biến, công nghệ sau thu hoạch và với thị trường trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa các khâu: sản xuất – chế biến – thị trường; hình thành vùng phát triển lâm nghiệp, cây đặc sản theo hướng thâm canh, chuyên canh và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất; hình thành vùng nguyên liệu phục vụ cho phát triển tiểu thủ công nghiệp. Phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và giữ gìn môi trường sinh thái. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác thủy sản; đặc biệt chú ý bảo vệ hệ sinh thái vùng san hô trong khu vực đảo; đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thủy sản là thế mạnh của địa phương để góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của nhân dân; trong đó, tập trung vào các sản phẩm chủ lực như: mực ống, cá duội, hải sâm,…Dừng cấp phép các cơ sở chế biến sứa mới không có hệ thống xử lý nước thải. Đối với các cơ sở chế biến sứa đang hoạt động, nếu không đảm bảo vệ sinh môi trường thì cương quyết thu hồi giấy phép. Đồng thời, tổ chức tháo dỡ hoặc di dời các cơ sở chế biến sứa ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị và du lịch.
Thiết lập và củng cố hệ thống rừng phòng hộ ổn định, đồng thời quản lý chặt chẽ việc khai thác rừng, hạn chế chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên sang các mục đích khác; trồng rừng theo mô hình nông, lâm kết hợp để giữ đất, giữ nguồn nước, đặc biệt khu rừng đầu nguồn để trữ nước ngọt của các hồ. Phát triển phong trào trồng rừng tại các Khu du lịch, Khu dân cư để bảo vệ môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp. Bảo vệ và chăm sóc rừng tự nhiên đang có trên địa bàn huyện; phát triển trồng rừng ngập mặn tại vùng ven biển quanh các đảo.
Thanh Tùng