Phóng viên: Thưa bà, hiện nay, nhiều người bị đột quỵ ngay cả khi còn trẻ. Bà vừa nói việc tạo các mô thần kinh là rất khó. Vậy với tế bào não thì sao, liệu có thể tái tạo được tế bào não theo phương pháp này không?
Giáo sư Kristi Sue Anseth: Chúng tôi chưa phát triển nghiên cứu đến giai đoạn này, nhưng đó cũng là một chủ đề rất thú vị. Chúng tôi cũng đang trong quá trình giải mã cái kết nối trong não và cũng có một dự án nghiên cứu đặt mục tiêu thiết kế ra một loại vật liệu sinh học để có thể kết nối được các dây thần kinh ở trong não. Nhưng quá trình từ phòng nghiên cứu đến ứng dụng thực tiễn sẽ rất mất rất nhiều thời gian, nên tôi nghĩ là thế hệ của tôi vẫn chưa làm được, có thể là đến thế hệ con gái tôi.
Phóng viên: Với một nhà khoa học bền bỉ mấy chục năm nghiên cứu về một lĩnh vực rất là khó và đặc biệt là với nữ, làm thế nào để giáo sư cân bằng được giữa công việc và cuộc sống?
Giáo sư Kristi Sue Anseth: Một câu hỏi rất hay. Khi mới bắt đầu sự nghiệp, các thầy giáo hướng dẫn của tôi chủ yếu là nam giới. Tôi là một trong những giảng viên nữ đầu tiên của khoa. Thế nhưng tôi đã thấy được sự thay đổi, đến nay khoa của tôi có khoảng 50% là nữ.
Tôi rất hào hứng trong việc chia sẻ với các sinh viên, trao đổi với các đại sứ, hay có các chương trình về trao đổi sinh viên hoặc giảng viên… Tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng hợp tác với phía Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ cần có thêm nhiều hình mẫu các nhà khoa học nữ để cổ vũ cho phái nữ nói chung, rằng mọi người cần nhìn thấy những người giống mình và họ cũng có thể thành công như vậy. Đó là lý do tại sao tôi vô cùng trân trọng khi VinFuture rất quan tâm và nhấn mạnh về vai trò của người phụ nữ và những đổi mới của họ, điều này thật tuyệt vời trong lĩnh vực khoa học cũng như cộng đồng. Trong tương lai, tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều đại diện là các nhà khoa học nữ.
Tất nhiên sẽ có những rào cản nhất định nhưng đồng thời cũng có nhiều động lực hỗ trợ cho các nhà khoa học nữ. Ví như con gái tôi cũng muốn trở thành nhà khoa học, kỹ sư sinh học, nên tôi muốn làm sao để có thể tạo ra động lực khuyến khích cho các thế hệ tiếp theo.
Phóng viên: Trong phần chia sẻ sau khi nhận giải, bà có gửi lời cảm ơn tới người chồng và người con gái 17 tuổi của bà. Bà có thể chia sẻ thêm về hai người này – nguồn động lực để bà phát triển sự nghiệp nghiên cứu khoa học được không?
Giáo sư Kristi Sue Anseth: Vâng, chia sẻ một chút với tất cả mọi người, chồng tôi cũng là giảng viên. Chúng tôi chia sẻ mối quan tâm chung trong công tác giáo dục, cả về giảng dạy và các chương trình nghiên cứu. Từ đó, chúng tôi có thể hỗ trợ lẫn nhau và chia sẻ những ý tưởng.
Còn về con gái của tôi năm nay 17 tuổi, đang học năm cuối cấp ba trước khi vào đại học. Cháu có rất nhiều tài năng, và một trong những tài năng và hứng thú của cháu là khoa học và kỹ thuật. Tôi thấy rất hào hứng cho thế hệ trẻ ở độ tuổi của con gái tôi. Bởi vì bây giờ chúng ta thấy trên thế giới có rất nhiều vấn đề cần tìm cách giải quyết, sẽ cần phải có sự hiện diện của các nhà khoa học nữ trong lĩnh vực này. Việc đưa ra quan điểm đó và cố gắng thúc đẩy tiến bộ xã hội là điều thực sự quan trọng. Vì vậy khi Giải thưởng VinFuture quan tâm, đề cao vai trò của các nhà khoa học nữ, tôi nghĩ đó là một tầm nhìn rất tuyệt vời để khuyến khích các thế hệ trẻ.
Phóng viên: Nghiên cứu của bà có rất nhiều ý nghĩa, có thể cứu sống hàng triệu người và có thể giúp mọi người hoàn thiện hơn. Trong thời gian tới, hướng nghiên cứu của bà có thay đổi gì không, và bà có nghĩ đến việc hợp tác với các nhà khoa học ở Việt Nam trong việc phát triển mô cơ tái sinh hay không?
Giáo sư Kristi Sue Anseth: Tất nhiên chúng ta cũng đã có rất nhiều tiến triển trong lĩnh vực vật liệu sinh học, ví dụ như có thể tái tạo các mô và cơ trong trường hợp mà bị bệnh hay chấn thương. Nhưng mọi thứ ngày càng trở nên phức tạp hơn, thí dụ như cần phải giải quyết các tổn thương ở trong não, hay là đối với các đối tượng cần phải ghép nội tạng, ghép thận, thì vấn đề ngày càng trở nên rất phức tạp. Do đó chúng ta sẽ cần phải nghĩ đến việc hợp tác.
Trong các cuộc thảo luận với các nhà khoa học, nghiên cứu tại Việt Nam, chúng tôi rất quan tâm tới việc xây dựng các cơ sở sản xuất tế bào, đây là một phần quan trọng của vấn đề. Việc tìm hiểu về các phương pháp tiếp cận kỹ thuật mô có thể hữu ích cho những người mắc bệnh tim mạch hoặc đột quỵ – những vấn đề lớn ở Việt Nam.
Có nhiều người dẫn đầu trong lĩnh vực này và tôi mong muốn được tiếp tục trao đổi, nghiên cứu. Đặc biệt, Việt Nam có thế hệ các nhà khoa học và kỹ sư rất trẻ. Việc hợp tác với họ sẽ giúp chúng ta giải quyết một số vấn đề quan trọng, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu.
Tôi nghĩ sẽ có rất nhiều các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực của tôi. Ví dụ như hợp tác để tích hợp các loại vật liệu sinh học mới vào các loại thuốc hiện có được sử dụng để điều trị bệnh tim hoặc đột quỵ. Thứ hai, tôi cũng đã tìm hiểu về cơ sở cốt lõi của ngân hàng tế bào của bệnh nhân. Lĩnh vực của tôi có thể giúp ích đối với các bệnh ung thư. Đội ngũ chuyên môn ở Việt Nam có thể nuôi cấy các tế bào ung thư để sàng lọc, đưa ra được các loại thuốc được cá nhân hóa, tức là các loại thuốc dựa trên tế bào của bệnh nhân đó để điều trị ung thư. Tôi nghĩ có rất nhiều cơ hội hợp tác, trong đó một số có thể có tác động ngay lập tức.
Phóng viên: Và với Giải thưởng VinFuture thì bà thấy điều gì là ấn tượng nhất ?
Giáo sư Kristi Sue Anseth: Đây là một giải thưởng rất danh giá, uy tín, được biết đến trên toàn cầu. Những nhà khoa học đạt giải từ những năm trước đó cũng là những nhà khoa học rất nổi tiếng và được biết đến rộng rãi. Tôi nghĩ rằng giải thưởng này kết nối và thu hút rất nhiều các nhà khoa học và chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới. Qua đó có thể thấy được rằng Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn trong cộng đồng các nhà khoa học cũng như các nhà nghiên cứu quốc tế. Tất cả chúng tôi đều ấn tượng và mong muốn có cơ hội kết nối và tham gia vào mạng lưới này.
Phóng viên: Từ sự kết nối của VinFuture thì bà đã nhận được lời mời hợp tác nào khác từ Việt Nam chưa?
Giáo sư Kristi Sue Anseth: Mặc dù tôi bận rộn với chương trình, sự kiện cũng như các hội thảo khoa học, nhưng tôi cũng đã có cơ hội đến thăm Bệnh viện Vinmec và các trung tâm nghiên cứu. Tôi gặp 8 người và chúng tôi cũng đã có những trao đổi ban đầu. Chúng tôi sẽ tiếp tục việc trao đổi này.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Ngày xuất bản: 13/12/2024
Nội dung: THẢO LÊ – THIÊN LAM
Trình bày: ĐẶNG LUÂN
Ảnh: THÀNH ĐẠT – VINFUTURE
Nguồn: https://nhandan.vn/toi-dang-co-mot-so-co-hoi-hop-tac-voi-viet-nam-ve-y-hoc-tai-tao-post849957.html