GĐXH – Hầu hết 3 bữa ăn của thanh niên bị đột quỵ này đều bao gồm đồ chiên rán. Đây chính là những món chứa lượng lớn chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa, đường và natri, nếu ăn trong thời gian dài sẽ gây tác hại rất lớn cho cơ thể.
Nam thanh niên 26 tuổi ở Trung Quốc đang ngồi làm việc bỗng đột ngột xuất hiện triệu chứng yếu tay phải, không thể cử động nên được gia đình đưa đến viện khám.
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị đột quỵ. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ huyết khối khẩn cấp. Sau 5 ngày nằm viện điều trị, bệnh nhân được xuất viện trở về nhà.
Bác sĩ khuyến khích, sau hồi phục đột quỵ này, bệnh nhân nên giảm cân để phòng ngừa đột quỵ tái phát. Bởi cân nặng của anh vượt quá chỉ số cho phép (nặng 120kg dù chỉ cao 1,65m, chỉ số BMI là 45,7), huyết áp cao, mỡ máu cao… Đây là những yếu tố nguy cơ gây ra cơn đột quỵ cấp tính.
Các xét nghiệm máu cũng ghi nhận chỉ số trao đổi chất kém, mạch máu bị tắc nghẽn, chế độ ăn uống bất hợp lý sinh ra các độc tố và gốc tự do, làm tăng gánh nặng cho gan.
Nguyên nhân khiến người trẻ béo phì, đột quỵ
Theo bác sĩ, kết quả kiểm tra cho thấy, người đàn ông trẻ bị béo phì nghiêm trọng, các chỉ số đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Mấu chốt đằng sau tình trạng này là hầu hết 3 bữa ăn của thanh niên này đều bao gồm đồ chiên rán. Các bác sĩ cảnh báo, những món ăn như vậy chứa lượng lớn chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa, đường và natri, nếu ăn trong thời gian dài sẽ gây tác hại rất lớn cho cơ thể.
Đồ chiên rán chứa nhiều chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa, có thể làm tăng cholesterol xấu (LDL) và giảm cholesterol tốt (HDL), dẫn tới nguy cơ xơ cứng động mạch, bệnh tim và đột quỵ. Nguyên liệu và nước xốt trong các món chiên rán chứa nhiều đường, làm tăng đường huyết, tiêu thụ lâu dài dẫn tới kháng insulin, tăng nguy cơ bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, nấu nướng ở nhiệt độ cao có thể tạo ra các chất oxy hóa có hại, sử dụng lâu dài gây viêm mạn tính và hội chứng chuyển hóa. Trong khi đó, hàm lượng natri cao trong thực phẩm chiên rán làm tăng huyết áp, tạo gánh nặng cho tim và thận.
Chế độ ăn uống giúp nhanh phục hồi sau đột quỵ
Tăng cường rau xanh
Chuyên gia khuyên rằng, người sau khi bị đột quỵ nên ăn nhiều rau xanh, măng tây, cà rốt… Đồng thời, nên cẩn thận nếu bạn dự định ăn những loại thực phẩm phủ lên rau. Nếu bạn dự định ăn món salad với thịt xông khói hay phô mai thì tốt nhất bạn nên thay thế giấm vào món salad, đồng thời cân nhắc thêm các loại hạt để giữ cho bữa ăn có nhiều rau xanh tốt cho sức khỏe.
Tăng cường các loại đậu
Nên ăn các loại đậu vì chúng ít chất béo và giàu folate (vitamin B9), kali, sắt và magie. Chúng cũng không chứa cholesterol và nhiều chất xơ.
Tăng cường ăn cá, gia cầm thay vì thịt đỏ
Các nghiên cứu cho thấy rằng, chế độ ăn nhiều rau củ quả, hoặc chế độ ăn bao gồm cá, không có thịt sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Cá chứa chất béo lành mạnh – chất béo không bão hòa bao gồm chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa, cả hai đều được công nhận có lợi cho tim.
Tránh thực phẩm chế biến sẵn
Thực phẩm chế biến sẵn được đóng gói như: Bánh quy giòn, một số loại bánh mì, khoai tây chiên… thường chứa nhiều đường và muối, có thể góp phần gây ra đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Một số nghiên cứu cho thấy, những phụ nữ uống một hoặc nhiều loại đồ uống có đường như soda, nước tăng lực… có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 20% so với những phụ nữ hiếm khi uống đồ uống có đường. Lượng đường dư thừa gây tăng cân và tiểu đường, cả hai đều là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.
Ngoài ra, cần duy trì tập luyện thể dục thể thao để thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Duy trì lịch sinh hoạt đều đặn, không thức khuya và duy trì sức khỏe thể chất, tinh thần, để bạn có thể tránh được nguy cơ mắc bệnh.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/thanh-nien-26-tuoi-dot-quy-ngay-tren-ban-lam-viec-thua-nhan-co-thoi-quen-nhieu-ban-tre-viet-mac-phai-172241213104914725.htm