Chuyển đổi số là lực đẩy cho nông sản Việt Nam phát triển, phủ sóng sâu rộng ở thị trường trong nước và không ngừng ‘chinh phục’ nhiều thị trường quốc tế.
Xu hướng tất yếu nâng cao giá trị nông sản
Cách đây 10 năm, việc xây dựng mô hình sản phẩm hữu cơ còn hết sức mới mẻ tại Việt Nam, tuy nhiên, Công ty cổ phần Sản xuất và xuất khẩu Quế hồi Việt Nam (Vinasamex) đã quyết tâm bắt tay thực hiện. Điều này đồng nghĩa, doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ, chuyển đổi số vào quy trình sản xuất ngay từ vùng trồng nguyên liệu, truy xuất ngồn gốc, kiểm soát được nguồn nguyên liệu.
Theo bà Nguyễn Thị Huyền – Tổng Giám đốc Vinasamex, đối với doanh nghiệp, số hoá, hay là chuyển đổi số chính là một cuộc chuyển đổi toàn bộ chiến lược kinh doanh với tầm nhìn, sứ mệnh rộng lớn. “Chúng tôi xác định, số hoá nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược đề ra đó là xuất khẩu được sản phẩm gia vị Việt Nam đến được các thị trường khó tính nhất thế giới như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… ”- bà Huyền chia sẻ.
Ưng dụng công nghệ vào sản xuất nông sản là xu thế tất yếu. Ảnh: TTXVN |
Trước dây Vinasamex chủ yếu xuất khẩu gia vị, quế, hồi chủ yếu sang thị trường Ấn Độ và Bangladesh – những thị trường vốn không yêu cầu quá cao về mặt tiêu chuẩn chất lượng. Tuy nhiên, bà Huyền cho hay, khi lựa chọn sang một mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn cao đồng nghĩa doanh nghiệp phải chấp nhận tìm kiếm khách hàng lại từ đầu, chỉ mua số lượng rất ít, từ 500 kg đến 1 tấn. “Khách hàng có thể mua số lượng ít hơn nhưng sản phẩm bán với giá trị cao hơn rất nhiều và doanh nghiệp có thể quay về để mua với giá cao hơn cho người dân. Đặc biệt, điều chúng tôi đạt được là tạo sự khác biệt, có cơ hội phát triển mới” – bà Huyền nói.
Nhờ ứng dụng công nghệ, số hoá vào quy trình sản xuất, kinh doanh, Vinasamex đã được cấp hàng chục chứng nhận quốc tế về chất lượng, xuất xứ sản phẩm. Cũng từ đây, sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu tới 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính bật nhất thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đặc biệt, quyết tâm số hoá nâng cao chất lượng sản phẩm cũng đã đưa Vinasamex sau 10 năm hoạt động đã trở thành thương hiệu quế, hồi cao cấp tiên phong tại Việt Nam xây dựng và sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín, đồng hành bền vững với người nông dân vùng cao ở Yên Bái, Lạng Sơn, Lào Cai… góp phần nâng tầm sản phẩm quế, hồi Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Xác định sớm xu thế, cũng như vai trò quan trọng của chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, Hợp Tác xã Nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn cũng đã có một chặng đường khá dài triển khai ứng dụng công nghệ vào hoạt động, sản xuất, kinh doanh nông nghiệp sạch. Nhờ đẩy mạnh số hoá, đơn vị này tự tin đưa sản phẩm của lên kệ nhiều siêu thị trong nước cũng như xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Ông Trần Thanh Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp Tác xã Nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn cho biết, trước đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm của thị trường, cũng như các đơn vị bao tiêu sản phẩm, việc ứng dụng công nghệ để cập nhật dữ liệu, truy xuất nguồn gốc được đơn vị này quan tâm hàng đầu. Cùng với đó, là thường xuyên phải triển khai nâng cao nhận thức cho bà con về chuyển đổi trong canh tác thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số.
Đánh giá về tác động của chuyển đổi số, theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ đã giúp giảm chi phí đầu vào, tăng giá thành cho sản phẩm. Từ đó tạo điều kiện cho bà con nông dân, các tổ chức kinh tế, hợp tác xã, doanh nghiệp hứng khởi trong sản xuất, và quyết tâm đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, doanh nghiệp, hợp tác xã… cũng đã chủ động về sản xuất, định hướng sản xuất sát với nhu cầu của thị trường, qua đó cũng giúp làm lành mạnh hoá trong quá trình thương mại, bớt đi khâu trung gian. “Những thắng lợi xuất khẩu của nông sản thời gian qua có tác động, vai trò của chuyển đổi số. Và quan trọng là giúp nâng tầm giá trị nông sản xuất khẩu”- ông Thuỷ nhấn mạnh.
Thúc đẩy liên kết số hoá sản xuất
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nâng cao giá trị nông sản, đối với các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp là một quá trình không hề dễ dàng bởi liên quan đến nguồn lực đầu tư, tài chính và con người. Trong đó, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, bài toán khó chính là liên quan đến vấn đề con người. Bởi mỗi vùng miền, mỗi khu vực đều có thói quen canh tác khác nhau, nên khi thay đổi cách thức sản xuất là cả một quá trình, phải đào tạo, tập huấn và quan trọng đó là nhận thức về chuyển đổi số. Vì thế, số hoá là xu hướng nhưng để bắt nhịp nếu không có sự hỗ trợ, quyết tâm sẽ rất khó khăn thực hiện.
Đề cập đến vấn đề nguồn lực, nhất là nhân lực thực hiện, bà Nguyễn Thị Huyền cũng nhìn nhận, doanh nghiệp có phát triển, có đi xa được không đều liên quan đến vấn đề con người. Và các vấn đề về hình thành chuỗi giá trị, các mô hình liên kết với việc áp dụng công nghệ hiện đại sản xuất có thành hay không cũng phụ thuộc vào con người.
“Cách đây hơn 10 năm, khi tiếp xúc với người dân ở Lào Cai, Yên Bái để xây dựng mô hình chuỗi giá trị và xin chứng nhận hữu cơ quốc tế chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, bởi thời điểm đó rất ít người biết đến khái niệm hữu cơ là gì; ứng dụng công nghệ thông minh truy xuất nguồn gốc, cập nhật dữ liệu vùng trồng là những khái niệm hoàn toàn mới mẻ. Vì thế doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian, nỗ lực kiên trì thuyết phục người dân cũng như chính quyền địa phương thực hiện”- bà Huyền nói.
Hiện nay, chuyển đổi số là giải pháp chủ yếu giúp các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam tiệm cận được với những tiêu chuẩn quốc tế để nâng tầm giá trị nông sản xuất khẩu. Tuy nhiên, để nông sản Việt đi được đường xa, tạo dựng vị thế vững chắc trên thị trường toàn cầu cần sự chung tay, chủ động vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm xóa bỏ rào cản, hỗ trợ người lao động cùng các tổ chức và doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn trong quá trình chuyển đổi số
Bà Nguyễn Thị Huyền chia sẻ, thời gian qua, doanh nghiệp nhận được nhiều hỗ trợ từ Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương ứng dụng công nghệ sản xuất, xúc tiến xuất khẩu. Tuy nhiên, thời gian tới, doanh nghiệp mong các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sẽ vào cuộc một cách sâu hơn, hành động quyết liệt hơn để cùng với doanh nghiệp đào tạo, hướng dẫn cho bà con nông dân thực hiện tiêu chuẩn hữu cơ, ứng dụng công nghệ một cách nghiêm ngặt, nghiêm chỉnh.
“Doanh nghiệp cần có những chương trình, dự án khuyến khích doanh nghiệp thực hiện mô hình chuỗi liên kết, tạo động lực cho doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh; có các chính sách cung cấp nguồn vốn ưu đãi theo mô hình liên kết này. Hỗ trợ tuyên truyền để các hộ nông dân tiếp cận thông tin, có nhận thức sẵn sàng chuyển đổi số trong sản xuất“- bà Huyền kiến nghị.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Bình, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị nông sản là xu thế tất yếu. Để tăng hiệu quả đối với chuyển đổi số cần tăng cường sự liện kết giữa bà con nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần có chính sách, chủ trương, tạo động lực, niềm tin để triển khai số hoá sản xuất đối với các tổ chức kinh tế, hợp tác xã, doanh nghiệp.
Ý kiến từ góc độ chuyên gia nông nghiệp, ông Hoàng Trọng Thuỷ cũng cho rằng, cần xây dựng các chính sách; có cơ chế để khuyến khích bà con, tổ chức, doanh nghiệp áp dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nông sản. Trong đó, cơ quan quản lý địa phương cần phải đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, tạo điều kiện cho bà nông dân về đất đai sản xuất sản phẩm hữu cơ; hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái để phát triển vùng trồng đáp ứng yêu cầu từ đơn vị bao tiêu, cũng như tiêu chuẩn cao của thị trường xuất khẩu.
Nguồn: https://congthuong.vn/chuyen-doi-so-nong-san-viet-nam-tang-co-hoi-chinh-phuc-nhieu-thi-truong-kho-tinh-364149.html