HÀ NỘI Người mê nhảy dù ở Hà Nội không lạ gì đồi Bù của xã Nam Phương Tiến bởi thỏa thích ngắm màu vàng của những vườn bưởi chín xen màu xanh của những vườn rau…
HÀ NỘI Người mê nhảy dù ở Hà Nội không lạ gì đồi Bù của xã Nam Phương Tiến bởi thỏa thích ngắm màu vàng của những vườn bưởi chín xen màu xanh của những vườn rau…
Xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) mấy năm nay là thiên đường cho những người muốn tìm cảm giác mạnh trong bộ môn nhảy dù lượn mạo hiểm. Đây cũng là nơi có điều kiện thiên nhiên ưu đãi mà hiếm vùng nào có thể sánh được khi cận kề với các dãy núi của tỉnh Hòa Bình, có rừng, có suối tạo thành một vành đai xanh thuận lợi để sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Điều ít ai ngờ mới chỉ hơn 20 năm trước, Nam Phương Tiến hầu hết chỉ toàn là đồi núi trọc vì nạn phá rừng. Trên những mảnh đất cằn cỗi ấy mùa nóng khô như rang, mùa mưa thì bùn nhão nhoét, hoa màu trồng xuống đều không cho hiệu quả kinh tế.
Trước thực trạng đó, Sở NN-PTNT Hà Tây (cũ) rồi sau sáp nhập là Sở NN-PTNT Hà Nội đã có kế hoạch chuyển đổi đất đồi gò ở đây sang trồng bưởi Diễn, lúc đầu chỉ được 50ha. Từ năm 2011 – 2015 do để cây ra hoa, thụ phấn tự nhiên nên năm được, năm mất, bà con gọi là “bưởi đặt vòng”.
Về sau, các nhà khoa học đã thực nghiệm thụ phấn bổ sung rồi trồng xen bưởi chua với bưởi Diễn để chúng thụ phấn chéo khiến nạn “bưởi đặt vòng” chấm dứt. Khi năng suất, sản lượng bưởi đã tăng cao, lại xẩy ra tình trạng ế bởi nhiều vùng khác cũng trồng quá nhiều bưởi Diễn. Vậy là xu hướng chuyển sang bưởi hữu cơ để cải thiện chất lượng, an toàn thực phẩm bắt đầu ở Nam Phương Tiến.
Trong khoảng 200ha bưởi của xã, riêng HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến có hơn 50ha gồm 3,5ha hữu cơ, 20ha hướng hữu cơ, 10ha được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường châu Âu…
Các thành viên của HTX được tập huấn kỹ càng về cách chăm sóc, bón phân, phun thuốc sinh học. Việc triển khai ứng dụng tem điện tử thông minh đã giúp truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa sản phẩm. Nhờ đó, cây bưởi đem lại thu nhập bình quân 500 – 700 triệu đồng/ha.
Về sản phẩm gạo, ở Nam Phương Tiến thời gian qua đã có đơn vị áp dụng nhật ký điện tử kết hợp camera hiện trường để quản lý mọi khâu trong quá trình sản xuất theo thời gian thực. Một vùng sản xuất lúa theo chuẩn hữu cơ với diện tích 35ha, sản lượng khoảng 400 tấn/năm đã được hình thành. Tuy nhiên do thị trường khó phân biệt giữa sản phẩm gạo hữu cơ và gạo bình thường nên trước đây có sự hỗ trợ của nhà nước, nông dân còn làm theo, nay hết hỗ trợ thì lại bỏ. Đây là một điều rất đáng để các nhà quản lý phải suy nghĩ, tìm cách giải quyết.
Trên địa bàn xã có tới 6 HTX nhưng thực tế nhiều cái chưa thực sự phát huy được vai trò do mới chỉ đứng ra tổ chức sản xuất hay làm đầu mối nhận sự hỗ trợ của các chương trình, còn bao tiêu sản phẩm cho các thành viên lại chưa làm được. Tuy nhiên, có một HTX ở ngoài địa bàn khi nhận thấy tiềm năng nông nghiệp hữu cơ của Nam Phương Tiến đã quyết định đầu tư vào.
Chị Vũ Huyền Trang – Giám đốc HTX hữu cơ Chương Mỹ vốn là nhân viên của Phòng NN-PTNT huyện Chương Mỹ nhưng năm ngoái đã nghỉ việc để chuyên tâm cho việc sản xuất rau hữu cơ: “Ngay từ năm 2015 tôi đã sản xuất rau sạch ở xã Thụy Hương, xã Hợp Đồng rồi nhưng vừa làm trong vừa làm ngoài tới năm 2023 thì nghỉ hẳn nhà nước, đổi tên HTX thành HTX hữu cơ Chương Mỹ, chọn xã Nam Phương Tiến là vùng sản xuất thứ hai.
Mới đây, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp đã về Nam Phương Tiến để khảo sát chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái. Nông nghiệp sinh thái dựa trên việc giảm thiểu dùng phân hóa học, thuốc BVTV hóa học. Nam Phương Tiến có đầy đủ điều kiện để sản xuất nông nghiệp sinh thái bởi có rừng phòng hộ, có nước suối đầu nguồn, có sự đa dạng về cây trồng khi trên núi là cây rừng, dưới là cây ăn quả và rau màu xen kẽ.
Chị Trang đã đầu tư cho bà con làm nhà lưới, nhà màng, cấp vật tư phân bón, chế phẩm sinh học, đồng thời cử người chỉ đạo trực tiếp về kỹ thuật rồi thu mua luôn sản phẩm. HTX đã phát triển được gần 2ha rau đang trong giai đoạn chuyển đổi hữu cơ và có kế hoạch sẽ mở rộng lên diện tích tối thiểu 5ha nữa.
Sản lượng rau của đơn vị hiện còn khá khiêm tốn, mỗi ngày chỉ hơn 100kg nhưng giá bán khá cao, trung bình 35.000đ/kg với đầu ra là các trường học lớn rồi chuỗi khách sạn, nhà hàng ở Hà Nội.
Chị Trang hào hứng nói với tôi về kế hoạch trong tương lai gần khi sản xuất kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm thành một chuỗi, trong đó liên kết với các trường học để làm tour cho học sinh vừa trồng rau, vừa hái bưởi rồi thu hoạch sản phẩm, chế biến trực tiếp tại chỗ. Lúc đó khách đến đồi Bù của Nam Phương Tiến không chỉ vì có bộ môn nhảy dù mà còn cả vì có những sản phẩm hữu cơ rất đặc sắc nữa.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/chuyen-nong-nghiep-sinh-thai-duoi-chan-doi-bu-d412735.html