Hôm qua (12.12), Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) giai đoạn 2018 – 2024.
MUỘN CÓ BẢN MẪU SGK GÓP Ý, GV KHÔNG ĐƯỢC TRẢ THÙ LAO
Báo cáo của Bộ GD-ĐT hầu hết là thông tin lạc quan, thuận lợi sau 5 năm học thực hiện chủ trương xã hội hóa SGK. Tuy nhiên, địa phương lại chỉ ra không ít khó, vướng mắc và lúng túng khi lần đầu áp dụng.
Ví dụ, về việc lần đầu áp dụng quy định giáo viên (GV), giảng viên đọc góp ý bản mẫu SGK trước khi phê duyệt, Bộ GD-ĐT cho biết có 245.700 lượt GV và 3.120 lượt giảng viên góp ý. Tuy nhiên, địa phương lại tỏ ra băn khoăn về chất lượng góp ý vì những lý do khách quan. Trong báo cáo tham luận, Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định nêu việc cung cấp bản mẫu SGK để các trường tổ chức đọc, góp ý còn chưa kịp thời; thời gian đọc ngắn, đặc biệt mỗi GV văn hóa cấp tiểu học góp ý 6 môn học, với mỗi môn có từ 3 – 5 bộ sách khiến hiệu quả góp ý chưa cao.
Sở này cũng chỉ ra rằng, ở một số môn có nội dung thực hành, thí nghiệm, nhà xuất bản không cung cấp các video đi kèm, mặc dù SGK đều ghi “quan sát video”, các nhà xuất bản không có kinh phí cho GV góp ý SGK…
Sở GD-ĐT TP.HCM cũng cho rằng thời gian đọc bản mẫu SGK ngắn dẫn đến tình trạng nếu phân công một GV đọc tất cả các bản mẫu của môn học/hoạt động giáo dục thì không đảm bảo thời gian; nếu chia nhỏ ra, mỗi GV đọc một bản mẫu thì không có sự đối sánh và cái nhìn khái quát.
Về lựa chọn SGK, Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định cũng cho biết, có số môn học lựa chọn ở THPT chỉ có một GV (mỹ thuật, âm nhạc, công nghệ, giáo dục công dân…) nên việc lựa chọn SGK dễ mang tính chủ quan. Nhiều thông tư lựa chọn SGK được thay đổi trong các năm gây khó khăn cho các trường vì luôn phải cập nhật và làm theo thông tư mới. Một số nội dung trong thông tư hướng dẫn, lựa chọn SGK của Bộ GD-ĐT quy định chưa rõ ràng (đặc biệt là quy định về tổ chuyên môn đối với cấp tiểu học) gây khó khăn khi thực hiện.
CUNG CẤP SGK: BỘ NÓI KHÔNG CHẬM, ĐỊA PHƯƠNG KÊU THIẾU, MUỘN
Về việc cung ứng SGK, báo cáo của Bộ GD-ĐT nêu đầy lạc quan: “Trong các năm học vừa qua không có địa phương nào thiếu SGK và phát hành SGK chậm, muộn trước thời điểm khai giảng năm học mới”. Tuy nhiên, tham luận của các địa phương nói ngược lại. Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định cho biết, việc đăng ký, lựa chọn mua SGK của nhiều học sinh (HS) và phụ huynh còn gặp nhiều khó khăn do mỗi môn học hội đồng lựa chọn sách có thể lựa chọn ở một bộ sách khác nhau; việc cung cấp SGK của các nhà xuất bản nhiều lúc còn thiếu đồng bộ (thường thiếu một số đầu SGK trong bộ mà HS, phụ huynh lựa chọn).
Sở GD-ĐT TP.HCM thì nêu do mỗi môn học/hoạt động giáo dục có một số SGK nên một số phụ huynh còn gặp khó khăn khi đi mua sách, một số còn mua nhầm sách. Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang chia sẻ, địa phương này là địa bàn có nhiều xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ HS được hưởng chính sách được cấp phát miễn phí SGK rất lớn. Tuy nhiên, do các thủ tục phức tạp nên thường thời điểm trước năm học mới, tiền hỗ trợ mua sách chưa có. Để HS có sách học, có khi ngành giáo dục phải đứng ra “nợ” tiền sách với đơn vị cung ứng, thậm chí trích từ nguồn khác chi trả thì mới kịp có sách cho HS. Với một số cơ sở giáo dục lựa chọn SGK thuộc một bộ sách có số lượng ít nên các nhà cung ứng đã cung cấp SGK chậm so với tiến độ năm học, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của địa phương.
Chỉ ra khó khăn, như một vài trường quy mô nhỏ không đủ GV một số môn học nên không bảo đảm thành phần hội đồng lựa chọn SGK; tổ chức nghiên cứu SGK trong thời gian quá ngắn…, ông Thái Viết Tường, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, đề xuất Bộ GD-ĐT sửa đổi quy định theo hướng giao cho sở GD-ĐT ban hành quyết định phê duyệt danh mục SGK sử dụng tại địa phương; có hướng dẫn với việc lựa chọn lại SGK… Ông Trần Tuấn Khanh, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang, cũng đồng quan điểm vì cho rằng điều này sẽ rút ngắn thủ tục không cần thiết.
CÒN “VÊNH” GIỮA CÁC BỘ SGK
Đánh giá về việc tổ chức dạy và học đối với 1 chương trình có nhiều SGK, Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định cho rằng, cách làm này mở ra nhiều hướng tiếp cận các nội dung giảng dạy cho GV và HS, tạo điều kiện để GV phát huy tính chủ động, sáng tạo trong giảng dạy và kiểm tra, đánh giá. GV và HS có nhiều lựa chọn trong việc chọn SGK trong quá trình học tập để đảm bảo phù hợp với điều kiện địa phương và gia đình. Tuy nhiên, việc tổ chức dạy và học đối với 1 chương trình có nhiều SGK dẫn đến còn băn khoăn trong quá trình kiểm tra, khảo sát, tổ chức các hội thi, hội giảng… gặp khó khăn như công tác xác định phạm vi chương trình để ra đề, thực hành giảng dạy. Việc chuyển trường trong quá trình học tập của HS giữa các địa phương gặp khó khăn do không đồng bộ trong việc học tập các bộ SGK khác nhau.
Sở GD-ĐT TP.HCM nêu có một số nội dung, thuật ngữ được sử dụng trong các SGK chưa đảm bảo tính liên thông giữa các môn học/hoạt động giáo dục. Tiến trình nội dung bài học của các SGK một môn học còn có sự chênh lệch đáng kể giữa các bộ SGK khác nhau. Bên cạnh đó, ngữ liệu, hình ảnh được sử dụng trong một số SGK chưa được chọn lọc, tinh giản; một số hình ảnh chưa được gia công tập trung vào nội dung chính cần biểu đạt, còn hạn chế trong bố cục và tốn diện tích. Việc hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học còn hạn chế, câu hỏi khai thác ngữ liệu, văn bản, hình ảnh chưa sâu sắc, hiệu quả. Yêu cầu về việc vận dụng kiến thức vào thực tiễn chưa rõ ràng; chất lượng một số bản mẫu SGK còn hạn chế, thậm chí có lỗi chính tả, câu từ…
Số tác giả SGK gấp 3 lần chương trình cũ
Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho biết, công tác xã hội hóa biên soạn SGK thu hút được số lượng tổng chủ biên, chủ biên và tác giả đông đảo, tổng số 2.656 tác giả, gấp 3 lần số tác giả tham gia biên soạn SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Các môn học, hoạt động giáo dục đều có SGK được biên soạn theo hình thức xã hội hóa.
Đại diện Nhà xuất bản Giáo dục VN cũng nêu nhiều khó khăn trong việc dự báo nhu cầu và triển khai in ấn phát hành SGK so với chương trình cũ. Nhà xuất bản này đề nghị Bộ GD-ĐT ban hành kế hoạch tổ chức thẩm định sớm để tạo điều kiện thuận lợi cho các tác giả và các đơn vị có bản mẫu SGK trình thẩm định. Cần xây dựng bộ tiêu chí thẩm định cho từng môn học/hoạt động giáo dục để phù hợp hơn thay vì một bộ tiêu chí được áp dụng cho tất cả các môn như hiện nay.
Ghi nhận đề xuất chuyển quyền quyết định phê duyệt SGK cho sở GD-ĐT
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng xã hội hóa SGK là một việc mới, khó, thực hiện trên quy mô toàn quốc nên hạn chế là khó tránh khỏi. Với các nhà xuất bản, ông Thưởng đề nghị tiếp tục rà soát các khâu liên quan đến biên soạn SGK thuộc thẩm quyền, chức năng của mình; hết sức thận trọng trong vấn đề chỉnh sửa, hiệu đính; tiết kiệm các khâu trung gian, đa dạng khâu phát hành để SGK đến HS, GV đúng, đủ, kịp thời, chất lượng, giá cả phù hợp; tăng cường trách nhiệm xã hội, hỗ trợ SGK cho HS vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, vùng bị thiên tai… Ông Thưởng cũng ghi nhận đề xuất giao thẩm quyền ban hành quyết định phê duyệt danh mục SGK sử dụng tại địa phương cho sở GD-ĐT và cho biết sẽ quan tâm nội dung này trong rà soát sửa luật Giáo dục sắp tới…
Thời gian tới, Bộ GD-ĐT nêu sẽ tiếp tục rà soát và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để tạo điều kiện cho việc xã hội hóa biên soạn SGK, ban hành quy định về giá tối đa của SGK theo quy định của luật giá.
Nguồn: https://thanhnien.vn/xa-hoi-hoa-sach-giao-khoa-bo-bao-cao-lac-quan-dia-phuong-noi-con-vuong-mac-185241212202041892.htm