Cà phê từ lâu đã trở thành ‘bạn đồng hành’ trong nhịp sống của nhiều người. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu cà phê có thực sự tốt cho sức khỏe tim mạch?
Bác sĩ chuyên khoa 2 Lâm Mỹ Dung, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Tim Tâm Đức (TP.HCM) cho biết, cà phê, với thành phần chính là caffeine, mang lại một số lợi ích đáng kể như sau:
Chống mệt mỏi và tăng sự tỉnh táo: Caffeine có tác dụng kích thích thần kinh, giúp chống lại cơn buồn ngủ và cải thiện hiệu suất làm việc.
Chất chống oxy hóa: Trong cà phê có chứa các chất chống oxy hóa, góp phần tăng cường sức đề kháng và bảo vệ cơ thể trước một số bệnh mạn tính như Parkinson và Alzheimer.
Nguồn dinh dưỡng bổ sung: Cà phê chứa một số vitamin nhóm B (B1, B3, B5) và khoáng chất như kali, hỗ trợ sức khỏe tổng thể.
Tác động của cà phê đến tim mạch
Theo bác sĩ Mỹ Dung, dù mang lại nhiều lợi ích, cà phê cũng có tác động trực tiếp đến hệ tim mạch. Caffeine kích thích cơ thể, tạo cảm giác hưng phấn, nhưng nếu tiêu thụ quá mức có thể dẫn đến tăng nhịp tim, tăng huyết áp và gây rối loạn nhịp tim.
Vậy người bệnh tim mạch có nên uống cà phê không? Bác sĩ Mỹ Dung khuyến cáo rằng người mắc bệnh tim mạch hoặc cao huyết áp vẫn có thể uống cà phê, nhưng chỉ nên uống với liều lượng thấp, dưới 200 mg caffeine mỗi ngày.
Nếu chưa rõ cơ địa có nhạy cảm với caffeine hay không, bạn có thể đo huyết áp trước và sau khi uống cà phê (sau 30-120 phút). Nếu huyết áp tăng từ 5-10 mmHg, tốt nhất nên hạn chế hoặc tránh dùng cà phê.
Tiêu thụ cà phê thế nào cho phù hợp?
Người có sức khỏe bình thường. Tiêu thụ từ 250 mg đến dưới 400 mg caffeine mỗi ngày được xem là an toàn. Tuy nhiên, liều lượng này còn phụ thuộc vào loại cà phê, cơ địa và phản ứng của từng người.
Người có bệnh lý nền. Những người mắc bệnh tiểu đường hoặc rối loạn mỡ máu nên hạn chế thêm đường, kem, hoặc sữa vào cà phê. Hãy chọn các loại đường ăn kiêng và tiêu thụ trong giới hạn được khuyến cáo.
Dân văn phòng. Với thói quen uống một ly cà phê sữa vào buổi sáng, bạn cần lưu ý không tiêu thụ quá mức, tránh nghiện cà phê. Uống quá nhiều có thể gây uể oải nếu không có cà phê và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe lâu dài.
Phụ nữ mang thai. Phụ nữ mang thai vẫn có thể uống cà phê, nhưng với liều thấp (dưới 200 mg caffeine mỗi ngày). Nếu có thể, nên chuyển sang dùng cà phê khử caffeine hoặc thay thế bằng các loại thức uống khác.
Cà phê có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe nếu được sử dụng đúng cách và với liều lượng hợp lý. Tuy nhiên, mỗi người nên lắng nghe cơ thể mình và tham khảo ý kiến bác sĩ, đặc biệt khi có các bệnh lý nền.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bac-si-chi-ra-cach-uong-ca-phe-an-toan-cho-nguoi-benh-tim-tieu-duong-185241212232952932.htm