(Dân trí) – Tuần lễ Khoa học – Công nghệ và Lễ trao giải VinFuture 2024 đã khép lại, song dư âm từ sự kiện và những câu chuyện, chia sẻ từ hàng trăm nhà khoa học kiệt xuất của thế giới vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho các nhà nghiên cứu Việt Nam.
Cơ hội thu hẹp khoảng cách giữa khoa học Việt Nam và thế giới
Lễ trao giải VinFuture 2024 đã vinh danh những trí tuệ xuất chúng trên thế giới trong các lĩnh vực cốt lõi và là mối quan tâm chung trên toàn cầu hiện nay, gồm khoa học máy tính, y tế công cộng và sức khỏe toàn cầu, khoa học vật liệu và y học tái tạo.
Bên cạnh đó, chuỗi hội thảo, tọa đàm xuyên suốt Tuần lễ Khoa học – Công nghệ VinFuture đã thu hút hơn 1.000 nhà khoa học, nghiên cứu trong nước và quốc tế đến tham dự. Với PGS.TS. Lê Chí Công, Trường Đại học Nha Trang, đây là một cơ hội không dễ gì có được.
“Thông qua chuỗi hoạt động này, rất nhiều các giáo sư giỏi trên thế giới đã đến đây chia sẻ nghiên cứu về mặt thực nghiệm, những mô hình, khung phân tích liên quan đến phát triển bền vững và ứng dụng của công nghệ, nhất là đổi mới sáng tạo. Những kiến thức này sẽ giúp các nhà khoa học Việt Nam có thể áp dụng trong những bối cảnh, lĩnh vực khác nhau”, PGS TS. Lê Chí Công nhận định.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, cũng đánh giá cao vai trò của hợp tác quốc tế trong khoa học công nghệ. Trong suốt chuỗi hoạt động VinFuture 2024, PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà đã có nhiều cơ hội gặp gỡ, trao đổi chuyên môn với nhiều nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới.
“Việc tiếp xúc và làm việc với các trí tuệ đầu ngành sẽ giúp chúng ta rút ngắn khoảng cách giữa khoa học Việt Nam với thế giới. Chúng tôi đã có các cuộc trao đổi rất sôi nổi và hữu ích để từ đó bắt nhịp cùng với thế giới, cũng như là để nhanh chóng đưa ra các giải pháp cho Việt Nam”, PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà chia sẻ.
Theo các chuyên gia, giá trị quan trọng mà VinFuture mang lại cho Việt Nam là tạo dựng được mạng lưới kết nối sâu rộng những người làm công tác khoa học trên toàn thế giới, từ đó mở ra những cú bắt tay nhằm giải quyết các vấn đề của mỗi quốc gia cũng như thách thức toàn cầu.
“Với việc tham gia mạng lưới toàn cầu này, chúng ta biết được những nhà khoa học hàng đầu về các lĩnh vực, ví dụ đột quỵ, và mời được họ tham gia vào ban cố vấn của chương trình quốc gia về phòng, chống đột quỵ có thể triển khai ở Việt Nam trong tương lai”, PGS.TS.BS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ.
Động lực lớn cho các nhà khoa học nữ
Theo các nhà khoa học Việt, VinFuture còn tạo nên dấu ấn và giá trị riêng khi dành một hạng mục để tôn vinh các nhà khoa học nữ. Trong số 4 giải thưởng của VinFuture 2024, có tới 2 giải thưởng vinh danh các nhà khoa học nữ.
Đó là chưa kể, trong số gần 1.500 đề cử đến từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ của VinFuture năm nay, gần 30% công trình thuộc về các nhà khoa học nữ. Điều này cho thấy sự hiện diện và vai trò của phái nữ ngày càng được đề cao trong mọi lĩnh vực, nhất là khoa học, công nghệ.
GS. Kristi S. Anseth, Chủ nhân Giải Đặc biệt VinFuture 2024 dành cho Nhà khoa học nữ chia sẻ cô con gái 17 tuổi của bà cũng đang theo đuổi lĩnh vực khoa học và kỹ thuật. Điều này khiến bà rất hào hứng và vui mừng cho thế hệ tương lai.
“Hiện nay trên thế giới có rất nhiều vấn đề cần tìm cách giải quyết và sẽ cần có sự hiện diện của các nhà khoa học nữ. Vì vậy, tôi cho rằng việc Giải thưởng VinFuture quan tâm, đề cao vai trò của các nhà khoa học nữ là một tầm nhìn rất tuyệt vời”, GS. Anseth bày tỏ.
Trong khi đó, TS. Firdausi Qadri tự nhận bản thân là một người may mắn được biết đến khoa học và làm việc trong lĩnh vực này. Nữ chủ nhân Giải Đặc biệt dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, cho rằng quá trình nghiên cứu khoa học mất rất nhiều thời gian, thường phụ nữ sẽ ngần ngại khi có gia đình. Tuy nhiên, bản thân bà có 3 con nhưng vẫn có thể làm khoa học, vẫn có thể đạt được những thành công nhất định.
“Tôi mong muốn có thể trở thành một hình mẫu điển hình để tạo niềm tin và cổ vũ cho những người phụ nữ theo đuổi lĩnh vực đầy thách thức này”, nhà khoa học người Bangladesh chia sẻ.
Những thành tựu đáng ngưỡng mộ của các tên tuổi hàng đầu thế giới cũng đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những phụ nữ đang theo đuổi con người nghiên cứu khoa học tại Việt Nam. “Đó là nguồn động lực rất lớn đối với các nhà khoa học nữ, không những ở Việt Nam mà là trên toàn cầu”, PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà khẳng định.
PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà cũng chia sẻ thêm, trước đây, Việt Nam chỉ có một giải thưởng dành cho các tập thể, cá nhân nữ khoa học gia xuất sắc là Giải thưởng Kovalevskaia. Tuy nhiên, phải đến khi Giải thưởng toàn cầu VinFuture ra đời và dành hẳn một hạng mục để tôn vinh sự đóng góp và thành tựu xuất sắc của các nhà khoa học nữ trên thế giới, thì vai trò của phái nữ trong lĩnh vực này mới được nhìn nhận ở một tầm vóc tương xứng.
“VinFuture đã mở ra cơ hội rất lớn để các nhà khoa học nữ tham gia và đóng góp nhiều hơn, cũng như là cơ hội lớn cho ngành khoa học phát triển khi có sự tham gia của các nhà khoa học nữ”, PGS.TS Phạm Thị Thanh nhận định.
Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/vinfuture-nguon-cam-hung-cho-nha-khoa-hoc-viet-but-pha-20241211150809647.htm