Ngày 12/12, tại TPHCM, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, Trường Đại học Văn hóa TPHCM tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế với chủ đề “Phát triển du lịch bền vững: bản sắc, nguồn lực – Kinh nghiệm quốc tế và Kiến giải cho Việt Nam”.
Hội thảo quy tụ hơn 100 nhà khoa học, các chuyên gia uy tín đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế; các đại biểu là đại diện Hội LHPN Việt Nam; đại diện Hội LHPN một số tỉnh/thành; đại diện Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch một số tỉnh/thành; các Doanh nghiệp lữ hành trong nước và quốc tế; các tổ chức phi chính phủ.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, phát triển du lịch bền vững đã trở thành mục tiêu chiến lược của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Khai thác hợp lý các giá trị văn hóa đặc trưng, kết hợp với việc sử dụng nguồn lực hiệu quả chính là chìa khóa kiến tạo bản sắc du lịch độc đáo và phát triển bền vững. Điều này không chỉ giúp bảo tồn văn hóa truyền thống và môi trường tự nhiên mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về phát triển du lịch bền vững, hướng đến sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo.
Theo PGS. TS. Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, cho biết: “Để phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa một cách bền vững, cần phải gắn kết với cộng đồng cư dân địa phương. Khi văn hóa được gắn liền với sinh kế, với những hoạt động thường ngày, nó mới có sức sống và được bảo tồn một cách tự nhiên. Việc phát triển du lịch phải dựa trên nền tảng văn hóa kết hợp hài hòa với thiên nhiên, sinh kế, tín ngưỡng, và tôn giáo, đồng thời tạo dựng không gian văn hóa sống động. Nếu chỉ xây dựng các khu vực du lịch mới mang yếu tố cổ truyền hoặc di dời các cơ sở văn hóa đến mà không có sự hiện diện của cộng đồng cư dân bản địa – những “chủ nhân” của văn hóa – thì khu du lịch văn hóa đó khó có thể tồn tại bền vững”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Quy hoạch và phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch TPHCM, nhận định: Từ góc độ ngành du lịch, những sản phẩm du lịch hấp dẫn nhất là những sản phẩm giúp du khách hiểu biết thêm về các nền văn hóa thông qua việc thực hành và trải nghiệm trong chính không gian văn hóa đó. Du khách chỉ dừng lại ở việc xem và nhìn mà không có sự tương tác hay trải nghiệm thực tế thì khó có thể tạo nên sức hút đối với khách du lịch. Muốn phát triển du lịch bền vững, cần chuyển hóa các giá trị văn hóa thành những sản phẩm cụ thể, tinh gọn và làm nổi bật được giá trị cốt lõi.
“Du lịch cần “sống” trong các phong tục tập quán, nếp sống của cộng đồng dân cư. Điều này, giúp cho du khách có thể trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo trong chính đời sống thường ngày của người dân địa phương. Khi du khách được chứng kiến và tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống, họ sẽ cảm nhận được sự chân thật và có những trải nghiệm sâu sắc hơn. Bản thân người dân địa phương cũng được tham gia vào quá trình bảo tồn các giá trị văn hóa đó”, bà Thảo cho hay.
Chia sẻ tại Hội thảo, PGS. John Hutnyk, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, đã chỉ ra rằng, du lịch bền vững cần đảm bảo sự cân bằng giữa các yếu tố môi trường, kinh tế và văn hóa-xã hội. Vì vậy, khi đề cập đến du lịch di sản, việc đánh giá tính bền vững trở thành yếu tố bắt buộc. Việc bảo tồn di sản, từ các công trình kiến trúc cổ kính đến những giá trị văn hóa phi vật thể, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn và sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội. Các yếu tố như lao động, cơ sở hạ tầng và quy hoạch không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành du lịch mà còn tác động sâu sắc đến đời sống của cộng đồng địa phương. Hai nghiên cứu điển hình từ Ấn Độ (Serampore) và Việt Nam (Côn Đảo) cho thấy di sản có thể chuyển thành du lịch với những kết quả khác nhau.
Còn Tiến sĩ Lawson Veronica Janet Lesley, Chương trình Tình nguyện viên Úc – Việt Nam, nhấn mạnh rằng cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Chính phủ, cộng đồng và ngành du lịch để duy trì cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường. Khi có một chiến lược tổng thể và hợp tác hiệu quả, du lịch bền vững mới có thể phát triển mạnh mẽ, đồng thời đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy nền kinh tế quốc gia.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự còn chia sẻ và thảo luận những nghiên cứu với một số nội dung như: Phát triển du lịch bền vững gắn với tăng trưởng xanh và mục tiêu không phát thải; những đóng góp của du lịch sinh thái đối với sự phát triển; rào cản trong thăng tiến nghề nghiệp của phụ nữ trong ngành du lịch tại Việt Nam; các mô hình kinh tế tuần hoàn và cách quản lý sức chứa du lịch nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững…
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Hội thảo, cho biết: Hội thảo đã nhận được 142 bài viết từ các nhà khoa học, kết quả phản biện độc lập đã lựa chọn được 82 bài viết của các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn được lựa chọn đăng trong Kỷ yếu Hội thảo. Các bài viết được chọn đăng đều bám sát chủ đề hội thảo, có hàm lượng khoa học cao, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn…
“Bên cạnh các bài viết, tại hội thảo này, chúng ta còn được lắng nghe, chia sẻ và thảo luận những nghiên cứu, kinh nghiệm quý báu đến từ các quốc gia trên thế giới. Tôi tin tưởng rằng những góc nhìn đa chiều và những bài học thực tiễn được chia sẻ hôm nay sẽ mang lại những giải pháp đột phá, có tính ứng dụng cao, góp phần nâng cao năng lực quy hoạch, quản lý và phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Thu Hương bày tỏ.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/chuyen-gia-quoc-te-chia-se-kinh-nghiem-de-phat-trien-du-lich-ben-vung-202412121702598.htm