Trước tình trạng đô thị hóa gia tăng mạnh, giao thông xanh được cho là vấn đề cốt lõi cần giải quyết để đạt mục tiêu thành phố thông minh. Nhiều doanh nghiệp đã có những bước chuyển mình tích cực.
“Thành phố thông minh cần có giao thông thông minh”
Theo Sở Giao thông vận tại Hà Nội, là một trong những thành phố có dân số và mật độ dân cư cao nhất cả nước nên giao thông Hà Nội có tầm quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hành khách, hàng hóa. Song, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng không khí, khí thải tại Hà Nội đang ngày một xấu đi.
Vì vậy, vấn đề “xanh hoá” giao thông Hà Nội là một trong những vấn đề trọng tâm và cốt lõi cần giải quyết để hướng tới mục tiêu thành phố xanh, thông minh mà Chính phủ đã đề ra.
“Muốn có thành phố thông minh cần phải có giao thông thông minh”, ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, nhấn mạnh.
Số liệu từ Sở Giao thông vận tải, hiện nay có khoảng 9,2 triệu phương tiện các loại đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Nhiều năm qua, Hà Nội đã xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông vận tải theo quy hoạch, từng bước ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác quản lý, điều hành giao thông.
Tuy nhiên, công tác đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống giao thông vận tải hiện chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của người dân. Tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, thường xuyên xuất hiện tại các nút giao thông có mật độ lưu thông lớn, đặc biệt vào giờ cao điểm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường…
“Đây chính là những thách thức lớn với các cơ quan quản lý giao thông thành phố. Để giải được bài toán này là ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác quản lý, điều hành giao thông”, ông Hải nhấn mạnh.
Doanh nghiệp tích cực “xanh hóa” giao thông
Dựa vào kinh nghiệm thế giới, hệ thống Quản lý và vận hành hệ thống giao thông thông minh – ITS được hình thành qua 3 giai đoạn, cụ thể: Giai đoạn kiện toàn hình thành; Giai đoạn mở rộng và phát triển; Giai đoạn phát triển bền vững.
Trên cơ sở đánh giá thực tiễn của thành phố, ông Hải cho biết, cần có sự kết hợp, hỗ trợ góp ý của 3 tập đoàn công nghệ lớn, gồm: VNPT, Viettel, FPT để đề xuất lộ trình phát triển cho hệ thống giao thông thông minh của thành phố theo 3 giai đoạn trên.
Bên cạnh xây dựng hệ thống giao thông thông minh nhờ áp dụng công nghệ số thì việc đẩy mạnh di chuyển xanh là một trong những giải pháp có thể nhận thấy rõ nhất hiện nay. Dựa vào cơ sở này, nhiều doanh nghiệp đã dần có những bước chuyển mình rõ rệt từ nhận thức đi vào hành động, đầu tư công nghệ để dần dần chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu giảm khí phát thải ròng bằng “0”.
Điển hình trong số đó là xe tự hành thông minh tại Phenikaa-X. Chia sẻ về dự án này, ông Lê Quang Hiệp, Giám đốc thương mại, cho biết, xe tự hành thông minh đang là xu hướng công nghệ tương lai thế giới.
Theo đó, Phenikaa đang là một trong số ít các công ty xe tự hành thế giới đã đạt cấp độ 4/5 cấp độ của xe tự hành, sánh ngang với các thương hiệu lớn như Baidu… Đơn vị này cũng tích hợp công nghệ tự hành lên các phương tiện sẵn có như xe điện chở khách 4 bánh thành xe tự hành không người lái trong nội khu.
Hiện dự án này đã trở thành phương tiện di chuyển thông minh được triển khai tại một số dự án ở Ecopark (Hưng Yên), dự án của Sơn Kim Land (Quận 9, TPHCM)… để đưa đón khách hàng.
Chia sẻ thêm về bước chuyển mình tích cực nhằm giảm khí thải, hướng tới kinh tế xanh, đô thị thông minh, bà Đặng Thùy Trang, Giám đốc đối ngoại Grab Việt Nam, cho biết, doanh nghiệp thời gian qua cũng đã có những giải pháp nhằm giảm phát khí thải nhiều nhất có thể.
Với mục tiêu này, Grab đã bổ sung một số tính năng mới như gợi ý lộ trình để tài xế đi cung đường ngắn nhất, hạn chế những điểm ùn tắc. Một số phương tiện, tài xế có thể tham gia nhiều dịch vụ khác nhau từ GrabFood (giao đồ ăn), đến giao hàng,… giúp giảm thiểu quãng đường di chuyển, từ đó giảm khí thải.
Bên cạnh những kinh nghiệm đã đạt được, bà Trang cho rằng, trong tương lai, Grab hay những doanh nghiệp cùng lĩnh vực cần hướng tới thử nghiệm xe máy điện giao hàng, khuyến khích chuyển đổi phương tiện sang xe điện. Vì vậy, thời gian qua, Grab đã hỗ trợ chương trình cho đối tác tài xế vay mua xe điện với lãi suất 0% của Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp – BSSC (trực thuộc Thành đoàn TP Hồ Chí Minh và UNDP).
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/doanh-nghiep-tich-cuc-chuyen-doi-xanh-giao-thong-thu-do-20241209145242641.htm