“Brain rot” (tạm dịch: thối não) được Oxford công bố là từ của năm 2024, phản ánh mối lo ngại về việc lướt nội dung bất tận trên mạng xã hội có thể làm sa sút trí tuệ, tinh thần, nhất là ở giới trẻ.
“Brain rot” không phải là một từ mới hoàn toàn, nhưng trong bối cảnh ngày nay, từ này được sử dụng để mô tả sự suy giảm khả năng tư duy do tiêu thụ quá nhiều nội dung vô nghĩa trên mạng xã hội.
Theo Oxford, từ này lần đầu tiên xuất hiện trong tác phẩm “Walden” của Henry David Thoreau năm 1854. Ngày nay, từ “brain rot” được giới trẻ sử dụng nhiều trên các nền tảng mạng xã hội để mô tả sự “sa sút về trí tuệ hoặc sức khỏe tinh thần” do tiêu thụ quá nhiều nội dung không có giá trị, phần lớn là các video ngắn, meme hoặc bài đăng có tính chất giải trí tầm thường. Điều này cho thấy một sự thay đổi rõ rệt trong cách người trẻ sử dụng ngôn ngữ và cảm nhận thế giới xung quanh.
Theo New York Times, trong 1 năm qua, tần suất sử dụng từ “brain rot” đã tăng 230%.
Casper Grathwohl, chủ tịch của Oxford Languages, bộ phận chuyên về từ điển của Oxford, cho biết sự gia tăng của từ “brain rot” phản ánh sự thay đổi ngôn ngữ nhanh chóng do ảnh hưởng của mạng xã hội. Ông nói: “Với ‘brain rot’, đây là hiện tượng giới trẻ trên TikTok đang nhanh chóng tạo ra xu hướng ngôn ngữ mới chỉ vài phút sau khi chính họ đã sử dụng ngôn ngữ đó”.
Oxford chọn từ “brain rot” dựa trên việc phân tích hơn 26 tỷ từ từ các nguồn tin tức trên khắp thế giới nói tiếng Anh. Mục đích của Oxford là phản ánh “tâm trạng và các cuộc trò chuyện đã định hình năm 2024” thông qua dữ liệu thu thập được. Giống như những năm trước, Oxford mời công chúng tham gia bầu chọn từ của năm, với hơn 37.000 người tham gia bỏ phiếu. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về từ chiến thắng vẫn do nhóm chuyên gia của Oxford đưa ra.
“Brain rot” ảnh hưởng mạnh đến nhận thức của sinh viên, giới trẻ
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, việc sử dụng Internet có thể gây ra những thay đổi nghiêm trọng và kéo dài trong nhận thức, đặc biệt liên quan đến khả năng chú ý và trí nhớ, thậm chí có thể làm thay đổi chất xám trong não.
Việc lướt mạng liên tục ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tư duy khi làm gián đoạn khả năng của não trong việc mã hóa và lưu giữ thông tin. Đồng thời, sự kích thích liên tục từ các thiết bị kỹ thuật số có thể dẫn đến giảm khả năng tập trung.
Ví dụ, một nghiên cứu trên 1.051 người trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 27 cho thấy, nghiện mạng xã hội có mối liên hệ tiêu cực với các kỹ năng tư duy điều hành như: lập kế hoạch, tổ chức, giải quyết vấn đề, ra quyết định và trí nhớ ngắn hạn.
Nhận thức bản thân cũng bị ảnh hưởng bởi hành vi này. Khi số lượng tương tác trên mạng xã hội ngày càng tăng, thế giới trực tuyến đã trở thành một vũ trụ xã hội riêng biệt, đặc biệt với người trẻ. Số lượng “bạn bè”, “người theo dõi” hay “lượt thích” mà bạn có đều được hiển thị công khai, khiến việc so sánh trở nên phổ biến.
Ngoài ra, hàng loạt bài đăng khoe khoang về thành công nghề nghiệp, kỳ nghỉ xa hoa, mối quan hệ hạnh phúc hay vẻ ngoài hoàn hảo (thường được chỉnh sửa kỹ lưỡng) dễ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Não bộ bị quá tải bởi sự kích thích liên tục đến mức khó phân biệt được sự thật và giả tưởng. Kết quả là, giá trị bản thân bị suy giảm, dẫn đến gia tăng mức độ căng thẳng, lo âu và trầm cảm.
Để ngăn chặn “thối não”, chúng ta phải chủ động và có ý thức trong việc sử dụng phương tiện kỹ thuật số. Khi bạn kiểm soát được thời gian sử dụng màn hình, sức khỏe tinh thần và cảm xúc sẽ được cải thiện đáng kể. Dưới đây là một số chiến lược hiệu quả:
Đặt giới hạn thời gian sử dụng màn hình
Hãy theo dõi thời gian bạn dành để lướt web, mạng xã hội, xem video hay chơi game. Đặt giới hạn số giờ mình sử dụng màn hình mỗi ngày.
Gỡ bỏ những ứng dụng gây mất tập trung và tắt thông báo từ mạng xã hội
Tránh sử dụng thiết bị kỹ thuật số trước giờ ngủ
Lựa chọn nội dung một cách có chọn lọc
Tránh những tin tức giật gân và tiêu cực
Đa dạng hóa nguồn thông tin để có cái nhìn cân bằng hơn
Hủy theo dõi những tài khoản gây khó chịu, lo âu, chỉ theo dõi các nội dung tích cực, truyền cảm hứng
Theo đuổi sở thích ngoài đời thực
Khám phá các hoạt động bạn yêu thích: cắm trại, nghe nhạc, chơi nhạc cụ, viết nhật ký, tham gia thiện nguyện, tập thể dục, yoga, thiền…
Kết nối với những người tích cực trong đời thực
Thay vì tìm kiếm sự kết nối qua màn hình, hãy xây dựng mối quan hệ thật sự với bạn bè, gia đình…
Nguồn: https://vietnamnet.vn/ly-do-thoi-nao-vi-song-ao-duoc-chon-la-tu-cua-nam-2024-2347983.html