STO – Tôm càng xanh là loài thủy sản dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, ít tốn chi phí đầu tư và giá trị kinh tế khá cao. Từ lợi nhuận kinh tế tôm càng xanh đem lại, trong vài năm trở lại đây, người dân vùng chuyên canh “tôm – lúa” của xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) phát triển nuôi tôm càng xanh xen trong ruộng lúa và nuôi luân canh 1 vụ tôm, 1 vụ lúa.
Có nhiều năm kinh nghiệm nuôi tôm xen canh và luân canh trên nền đất lúa ở xã Gia Hòa 2, ông Lê Văn Diện chia sẻ: “Tôi trồng lúa và nuôi tôm hơn 15 năm qua. Thường tôi nuôi 1 vụ tôm trên nền đất lúa sau khi lúa đã thu hoạch xong. Tôm nuôi chủ yếu là tôm sú và tôm thẻ. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, tôi chọn nuôi con tôm càng xanh, do tôm ít gặp các loại dịch bệnh, chống chịu tốt sự biến đổi thất thường của thời tiết và chịu được độ mặn từ 4 – 10‰. Qua 2 mùa vụ nuôi tôm càng xanh trên nền đất lúa, lợi nhuận đem về luôn ổn định, giá bán vẫn duy trì tốt từ 130.000 – 160.000 đồng/kg (tùy kích cỡ), sản lượng tôm sau thu hoạch được thương lái thu mua hết”.
Hộ dân nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa sau khi lúa đã thu hoạch xong. Ảnh: THÚY LIỄU
Theo ông Diện, để đảm bảo thời gian canh tác 1 vụ lúa, 1 vụ tôm trong năm, tầm giữa tháng 9 (dương lịch) hàng năm, ông mua 50.000 con giống tôm càng xanh về ương và nuôi trong ao, đợi đến khi lúa thu hoạch dứt điểm (hơn 3 tháng) cho nước vào ngập ruộng để xử lý gốc rạ trong 1 tháng, sau đó chuyển tôm từ ao nuôi lên trên ruộng cho tôm sinh trưởng. Với 2ha ruộng, số lượng tôm thả nuôi 50.000 con là mật độ vừa phải. Cho tôm ăn 2 lần/ngày (sáng – chiều), buổi sáng cho tôm ăn thức ăn công nghiệp, còn buổi chiều cho ăn gạo lứt. Tôm nuôi khoảng 5 tháng là bắt đầu bước vào giai đoạn thu hoạch. Nuôi theo hình thức này, tôm càng xanh phát triển không đồng đều nên ông thu hoạch tôm đạt trọng lượng bán trước. Hiện ông đã thu hoạch hơn 5 đợt tôm và dự kiến thu hoạch dứt điểm vào tầm cuối tháng 5/2023, ước sản lượng tôm thu về hơn 2 tấn, trừ chi phí lợi nhuận hơn 150 triệu đồng. Từ 1 vụ nuôi tôm kết hợp với 1 vụ trồng lúa, ông Diễn lời hơn 170 triệu đồng/năm.
Cũng là hộ áp dụng mô hình tôm – lúa, ông Lê Văn Hùng, xã Gia Hòa 2, chọn nuôi con tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa được 3 năm qua. Ông Hùng chia sẻ: “Tôi nuôi 1 vụ tôm và canh tác 1 vụ lúa (giống ST24, ST25) trên diện tích 2ha. Trước khi lúa được gieo sạ khoảng 1 tháng, tôi mua con giống tôm ương dưỡng, đợi đến lúc lúa có chiều cao từ 150 – 180cm thì đưa tôm lên ruộng lúa nuôi. Sống trong ruộng lúa, tôm ăn các loại sinh vật nhỏ và các chất cặn bã từ rơm rạ còn sót lại nên thức ăn cho tôm không đáng kể. Thức ăn bổ sung thêm cho tôm là cái dừa khô và gạo lứt, có thể cho tôm ăn 2 lần/ngày”.
“Tôm nuôi 5 tháng trong ruộng lúa bắt đầu thu hoạch theo hình thức thu tỉa, chọn tôm lớn bán trước. Thu hoạch tầm 10 đợt/vụ tôm, mỗi đợt thu hoạch trên 100kg, với số lượng thả nuôi 30.000 con tôm càng xanh giống, thu hoạch đến hết mùa vụ, lời trên 120 triệu đồng/vụ tôm/2ha. Bí quyết để tôm đạt trọng lượng tốt, chất lượng thịt thơm ngon là trong quá trình nuôi phải bẻ bỏ cả 2 càng (vào thời gian tôm từ 3,5 – 4 tháng tuổi); đồng thời, nước trong ruộng nuôi tôm phải thay 1 lần/tháng, tránh để nước bị dơ làm tôm bị rong bám vào thân, gây tình trạng tôm chậm lớn và giá bán không tốt” – ông Hùng cho biết thêm.
Đồng chí Tăng Thanh Chí – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Diện tích nuôi tôm trong mô hình tôm – lúa của huyện Mỹ Xuyên hàng năm khoảng 19.000ha, tập trung tại 6 xã vùng tôm – lúa trọng điểm như: Ngọc Đông, Ngọc Tố, Hòa Tú 1, Hòa Tú 2, Gia Hòa 1, Gia Hòa 2, trong đó diện tích canh tác lúa trên nền tôm đất nuôi tôm hơn 8.000ha. Xã Gia Hòa 2 là địa phương có diện tích trong mô hình tôm – lúa nhiều nhất, với trên 2.000ha, trong đó có hơn 1.300ha canh tác lúa. Nhằm phát triển tốt mô hình tôm – lúa, huyện đang tổ chức sản xuất mô hình theo hướng hợp tác, sản xuất tập trung. Tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân tiếp cận các nguồn vốn, các chương trình, dự án phát triển sản xuất. Đồng thời, tuyên truyền hộ dân tiếp tục mở rộng diện tích nuôi tôm càng xanh trong mô hình tôm – lúa, vì tôm càng xanh ít có rủi ro về dịch bệnh và tỷ lệ tôm nuôi đến thu hoạch đạt gần như 100%. Phối hợp các viện, trường và các sở, ban ngành tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện thành công Dự án Đầu tư phát triển vùng sản xuất tôm – lúa huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 – 2025”.
Trong suốt mấy mươi năm qua, mô hình tôm – lúa tại các địa phương trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên phát triển rất tốt. Theo nhận định của ngành chuyên môn và các chuyên gia, mô hình tôm – lúa là mô hình bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo cho hộ dân có lợi nhuận tốt. Chính vì vậy, bà con vùng tôm – lúa cần có sự nghiên cứu lựa chọn con tôm nuôi trên nền đất lúa cho phù hợp để luôn đem lại thu nhập tốt tại hộ.
THÚY LIỄU