Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h.
Nga cảnh báo, mối quan hệ với Mỹ ngày càng căng thẳng và đang bên bờ vực tan vỡ. (Nguồn: Shuterstock) |
Châu Âu
* Nga khuyến cáo công dân không tới Mỹ và châu Âu, Canada và một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) “trong bối cảnh quan hệ Moscow-Washington ngày càng căng thẳng, vốn đang bên bờ vực tan vỡ”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói trong một cuộc họp báo. (Reuters)
* Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ồ ạt chuyển thiết bị quân sự đến Ba Lan. Hoạt dộng vận chuyển này lớn đến mức trực tiếp gây chú ý trên các tuyến đường cao tốc châu Âu, theo Điều phối viên của lực lượng kháng chiến Nikolaev thân Nga Sergei Lebedev.
Ông lưu ý: “Vũ khí và thiết bị đang đến Ba Lan một cách ồ ạt như trước một cuộc chiến nghiêm trọng”. (Sputnik)
* Quan hệ Nga-Triều Tiên là “liên minh hoàn hảo”, dựa trên lợi ích chung và nhu cầu duy trì hòa bình, an ninh tại khu vực Á-Âu, theo lời Đại sứ Nga tại Bình Nhưỡng Alexander Matsegora. Theo ông, sự hợp tác này nhằm thiết lập một trật tự toàn cầu mới tập trung vào công lý và bình đẳng giữa tất cả các quốc gia. (KCNA)
* An ninh của các căn cứ Nga tại Syria là vô cùng quan trọng và Moscow đang duy trì liên lạc với những người phụ trách tại quốc gia Trung Đông, theo lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ông bày tỏ hy vọng tình hình tại Syria sẽ ổn định.
Nga bố trí một căn cứ không quân lớn tại tỉnh Latakia và một cơ sở hải quân tại Tartous, trung tâm sửa chữa và tiếp tế duy nhất của Moscow tại Địa Trung Hải. (Reuters)
* Czech chi hơn 160 triệu USD mua xe tăng chủ lực Leopard 2A4 của Đức theo một thỏa thuận trị giá khoảng 161 triệu Euro (169 triệu USD). Hợp đồng mới ký bao gồm việc giao 14 xe tăng cho Czech đến cuối năm 2026, cùng gói đạn dược và hậu cần. (Rheinmetall)
* Phần Lan cập nhật chiến lược quốc gia, vạch ra các biện pháp chuẩn bị đối phó với các mối đe dọa hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân và chất nổ (CBRNE). Chiến lược nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng đối phó với cả các sự cố do tai nạn và cố ý có thể gây rủi ro cho con người, cơ sở hạ tầng và môi trường.
Chiến lược cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giữa các cơ quan chức năng quốc gia và các đối tác quốc tế, bao gồm NATO và EU, nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng. (THX)
* Quan hệ quốc phòng Armenia-Pháp bước vào giai đoạn mới khi hai nước vừa ký kết chương trình hợp tác quốc phòng song phương cho năm 2025, bao gồm hàng chục hoạt động trong gần như tất cả các lĩnh vực hoạt động của lực lượng vũ trang.
Bên cạnh đó, hai bên cũng đã thảo luận về các ưu tiên trong việc chuyển đổi quân đội Armenia và khả năng hợp tác với Paris trong bối cảnh mới. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Tổng thống Ukraine công bố ý tưởng sốc đưa quân nước ngoài đến ‘trấn thủ’, thúc giục Đức tăng cường hỗ trợ |
Châu Á-Thái Bình Dương
* Hàn Quốc thành lập một nhóm chung để điều tra việc Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố thiết quân luật, bao gồm Văn phòng Điều tra Tham nhũng dành cho Quan chức Cấp cao (CIO), Văn phòng Điều tra quốc gia thuộc Cơ quan Cảnh sát quốc gia và Bộ Quốc phòng. (Yonhap)
* Quân đội Hàn Quốc thay thế các hệ thống dẫn đường hàng không chiến thuật (TACAN) lỗi thời tại các căn cứ không quân bằng một hệ thống mới do nước này tự sản xuất, như một bước nâng cấp nhằm tăng cường hỗ trợ hoạt động không quân.
Dự án trị giá 30,7 tỷ Won (21,5 triệu USD) đã hoàn thành gần dây, với việc triển khai đến 13 căn cứ không quân trên toàn quốc. (Yonhap)
* Trung Quốc sẽ đón cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga đến thăm trong tuần này. Theo thông báo của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh, chuyến thăm của ông Medvedev là cuộc trao đổi cấp cao quan trọng giữa hai nước. (AFP)
* Trung Quốc phản đối việc Canada trừng phạt quan chức của Bắc Kinh với cáo buộc vi phạm nhân quyền. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố: “Bắc Kinh luôn tôn trọng quyền con người”, đồng thời kêu gọi Canada ngừng phương hại đến lợi ích của quốc gia châu Á dưới chiêu bài nhân quyền. (Reuters)
* Nhật Bản-Mông Cổ ký thỏa thuận chuyển giao thiết bị, công nghệ quốc phòng nhằm tăng cường quan hệ an ninh. Thỏa thuận nêu ra các thủ tục xuất và nhập khẩu thiết bị, công nghệ quốc phòng nhằm đảm bảo kiểm soát việc chuyển giao sau đó cho bên thứ ba và việc sử dụng ngoài mục đích ban đầu.
Thỏa thuận đã được Nội các Nhật Bản phê chuẩn, sẽ có hiệu lực sau khi Quốc hội Mông Cổ phê duyệt. (Kyodo)
* Ngoại trưởng Thái Lan Maris Sangiampongsa thăm New Zealand từ ngày 12-15/12, một bước tiến quan trọng trong bối cảnh 2 nước nỗ lực để nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược vào năm 2026. (Beehive)
* Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Australia-Thái Lan lần thứ 2 diễn ra ngày 11/12, thảo luận về các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược và giải quyết các thách thức trong khu vực cũng như toàn cầu, đồng thời thúc đẩy lợi ích chung trong một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng. (Mirage News)
TIN LIÊN QUAN | |
Hàn Quốc: Quốc hội sẽ điều tra về lệnh thiết quân luật, Tổng thống Yoon Suk Yeol khó thoát luận tội? |
Trung Đông-châu Phi
* Giáo hoàng Francis kêu gọi các tôn giáo ở Syria “tôn trọng lẫn nhau” vì lợi ích của quốc gia đã phải chịu nhiều năm nội chiến này. Ông bày hy vọng, Syria sẽ đạt được một giải pháp chính trị mà không có thêm xung đột và chia rẽ nào nữa, thúc đẩy một cách có trách nhiệm sự ổn định và thống nhất của đất nước. (Reuters)
* Cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad hiện đang được bảo vệ an toàn tại Nga, cho thấy Moscow hành động đúng như yêu cầu trong tình huống đặc biệt này, theo lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Khi được hỏi về khả năng giao nộp ông al-Assad để xét xử, ông Ryabkov khẳng định: “Nga không phải là thành viên của công ước thành lập Tòa án Hình sự quốc tế”. (Reuters)
* Chính phủ chuyển tiếp Syria bắt đầu tiếp quản quyền lực từ chính quyền tiền nhiệm, với cuộc gặp gỡ giữa các Bộ trưởng mới và thành viên chính quyền cũ.
Thủ tướng chính phủ chuyển tiếp Mohammad al-Bashir cho biết, nội các của ông sẽ điều hành đất nước đến tháng 3/2025. Trong thời gian này, nhiệm vụ trọng tâm là tiếp quản các bộ ngành, đưa công chức trở lại làm việc và phục hồi các dịch vụ thiết yếu trên toàn quốc. (Reuters)
* Iran đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho nhiệm kỳ 2025. Ông Mohsen Paknejad, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, khẳng định cam kết sẽ tận dụng mọi năng lực để duy trì sự đoàn kết và thúc đẩy sự phát triển của tổ chức. (IRNA)
* Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir cải tổ nội các, trong đó thay thế tổng tư lệnh quân đội, tướng Santino Deng Wol và thống đốc ngân hàng trung ương Alic Garang. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Tình hình Syria: Phe đối lập cam kết thời kỳ hòa bình mới, Hezbollah nhắn đôi lời, Mỹ xem xét ‘quà làm quen’? |
Châu Mỹ
* Mỹ giải ngân 20 tỷ USD cho Ukraine, được đảm bảo bằng lợi nhuận thu được từ tài sản Nga bị đóng băng, như một phần trong gói hỗ trợ 50 tỷ USD của nhóm Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7).
* Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cam kết đẩy nhanh quá trình phê duyệt về môi trường cho các nhà đầu tư bỏ ra từ 1 tỷ USD trở lên vào nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, ông chưa đưa ra chi tiết cụ thể về cách thức chính quyền sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc đảm bảo các phê duyệt này. (AFP)
* Tổng thống Brazil Lula da Silva hồi phục sau ca phẫu thuật xuất huyết não vào rạng sáng ngày 10/12. Bác sĩ cho biết, hiện Tổng thống Lula, 79 tuổi, “đang hồi phục tốt” và “đã nói chuyện được”. (Sky News)
Nguồn: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-1112-nga-tuyen-bo-quan-he-voi-my-ben-bo-vuc-do-vo-nato-o-at-do-khi-tai-vao-ba-lan-tong-thong-han-quoc-bi-dieu-tra-297030.html