Hạt chia là gì?
Hạt chia là những hạt màu đen có kích thước nhỏ, thuộc cây Salvia hispanica, cùng loại với cây bạc hà hoặc húng quế. Loại cây này có nguồn gốc từ Guatemala và Mexico, là một thực phẩm thiết yếu trong đời sống hàng ngày của người Maya và Aztec thời cổ đại.
Những người dân ở đây thường đánh giá cao loại hạt này bởi giá trị dinh dưỡng tuyệt vời mà chúng mang lại cho sức khỏe. Mặt khác, từ “chia” trong từ cổ của người Maya có ý nghĩa là “sức mạnh”.
Sở dĩ hạt chia có “sức mạnh” như vậy bởi bản thân chúng rất giàu protein, chất xơ và axit béo omega-3, cùng với nhiều loại khoáng chất và chất chống oxy hóa quan trọng đối với cơ thể. Bên cạnh đó, nó còn được sử dụng như một bài thuốc, giúp cải thiện các tình trạng sức khỏe như bệnh tim, bệnh tiểu đường hoặc các vấn đề về hệ tiêu hóa.
Hạt chia có kích thước khá nhỏ so với các loại hạt khác, có hình giống như một quả trứng, dẹt với kết cấu mịn và sáng bóng. Màu sắc của chúng thường dao động từ trắng đến nâu hoặc đen.
Mặc dù trong thời cổ đại, loại hạt này được xem như một loại thực phẩm ăn kiêng, tuy nhiên, ngày nay nó đã trở thành một siêu thực phẩm được sử dụng rộng rãi và rất nhiều người yêu thích.
Rối loạn tiêu hóa
Đối với một số người, việc kết hợp hạt chia với sữa ấm có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về tiêu hóa. Mặc dù hạt chia có nhiều chất xơ, thường tốt khi được trộn với sữa, nhưng có thể dẫn đến quá nhiều chất xơ, dẫn đến táo bón hoặc tiêu chảy.
Đối với người đang có các vấn đề về tiêu hóa, tốt nhất nên tránh hỗn hợp này để giữ cho đường ruột khỏe mạnh.
Mất giá trị dinh dưỡng ở nhiệt độ ấm
Hạt chia rất giàu axit béo omega-3. Loại axit này nhạy cảm với nhiệt, nên khi tiếp xúc với nhiệt độ cao hơn, chẳng hạn như nhiệt độ trong sữa ấm, các axit béo thiết yếu này dễ bị phân hủy, làm giảm giá trị dinh dưỡng của đồ uống.
Omega-3 đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tim mạch, chức năng não và giảm viêm. Khi trộn hạt chia với sữa ấm, có thể làm giảm hoặc mất đi một số lợi ích, khiến sự kết hợp này kém hiệu quả về mặt dinh dưỡng hơn.
Phản ứng dị ứng
Đối với người bị dị ứng hoặc nhạy cảm với hạt chia hoặc sữa, việc kết hợp chúng có thể làm tăng nguy cơ phản ứng dị ứng. Các triệu chứng có thể bao gồm phát ban da, các vấn đề về dạ dày, hô hấp.
Ở những người có cơ địa nhạy cảm này, cần nhớ các loại thực phẩm gây dị ứng và tham khảo ý kiến chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi thử các loại thực phẩm kết hợp mới.
Tác dụng lên lượng đường trong máu
Hạt chia rất tốt cho việc điều chỉnh lượng đường trong máu do có hàm lượng chất xơ cao. Tuy nhiên, khi trộn với sữa ấm, đặc biệt là sữa có đường, có thể dẫn đến lượng đường tăng đột biến. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người bị tiểu đường hoặc bất kỳ ai đang theo dõi lượng đường trong máu.
Chọn sữa lạnh không đường hoặc chỉ thưởng thức hạt chia (với nước lọc) có thể giúp duy trì lượng đường trong máu ổn định.
Tác động đến enzym tiêu hóa
Sữa có chứa protein như casein và whey, cần các enzyme cụ thể để phân hủy. Sữa ấm có thể làm thay đổi đôi chút hoạt động của enzyme tự nhiên cần thiết cho quá trình tiêu hóa.
Tương tự như vậy, hạt chia có nhiều chất xơ, có thể làm chậm quá trình tiêu hóa. Sự kết hợp giữa sữa ấm và hạt chia có thể làm chậm tiêu hóa, đặc biệt là ở những người có hệ tiêu hóa yếu, dẫn đến khó chịu.
Cách ăn hạt chia đúng tốt cho sức khỏe
Bất kể loại thực phẩm nào có tốt đến đâu nếu ăn quá nhiều cũng không tốt. Tốt nhất chúng ta nên ăn hạt chia với số lượng vừa phải, khoảng 1-2 thìa mỗi ngày. Bạn nên bắt đầu với một lượng nhỏ hạt chia, khoảng nửa thìa để kiểm tra thích ứng của hệ tiêu hóa. Sau đó có thể tăng dần lên.
Để hỗ trợ tiêu hóa tốt, chúng ta nên ngâm hạt chia trong nước trước khi ăn. Hoặc có thể xay hạt chia cũng là cách tốt thay vì ăn nguyên hạt. Khi đó, cơ thể có thể hấp thụ đầy đủ các lợi ích dinh dưỡng của hạt chia tốt hơn.
Mọi người cũng có thể lựa chọn hạt chia đã nảy mầm. Hạt chia nảy mầm tối ưu tính khả dụng của của protein và làm tăng hàm lượng canxi tốt hơn.
Cách đơn giản nhất là pha hạt chia với nước lọc và uống bình thường hoặc trộn với sữa chua, sinh tố… Uống trước bữa ăn khoảng 30 phút giúp bạn có cảm giác no và ít thèm các món nhiều tinh bột và calo hơn.
Do axit béo omega-3 có trong hạt chia dễ bị biến đổi khi tác động với nhiệt độ cao nên tốt nhất nên ngâm hạt chia với nước lạnh hoặc nước hơi ấm vừa phải.
Những trường hợp dễ có nguy cơ cao như: cơ địa dị ứng, tăng huyết áp, đái tháo đường hay có bệnh lý về tiêu hóa nên thận trọng sử dụng hạt chia. Có thể lựa chọn các thực phẩm thay thế cho hạt chia bao gồm các loại thực phẩm giàu chất xơ khác như: rau, các loại đậu, các loại hạt, trái cây và ngũ cốc. Hạt lanh cũng là một thay thế tốt cho hạt chia vì nó mang lại nhiều lợi ích sức khỏe tương tự.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/nhung-nguy-co-tiem-an-khi-ngam-hat-chia-trong-sua-am.html