Tỉnh Hòa Bình bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP từ năm 2018. Sau bảy năm thực hiện đã có 158 sản phẩm OCOP được cấp giấy chứng nhận đạt từ ba sao trở lên. Các sản phẩm OCOP Hòa Bình tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm đặc thù, thế mạnh đã được đông đảo khách hàng trong nước tin dùng và xuất khẩu mạnh sang thị trường quốc tế.
Sản phẩm OCOP của Hòa Bình tham gia gian hàng tại các hội chợ trên toàn quốc. |
Năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận 12 sản phẩm OCOP hạng bốn sao và hai sản phẩm OCOP tiềm năng hạng năm sao. Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận 35 sản phẩm OCOP hạng ba sao. Năm 2024, toàn tỉnh có 55 sản phẩm của 10 huyện, thành phố đăng ký tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP.
Nỗ lực xúc tiến thương mại
Hà Phong là một trong những hợp tác xã (HTX) tiêu biểu với sản phẩm nổi tiếng cả nước là cam Cao Phong thuộc huyện Cao Phong và các sản phẩm được chế biến từ cam. Đại diện HTX Hà Phong cho biết: HTX hiện có 10 sản phẩm được chế biến từ cam, trong đó có hai sản phẩm ba sao và hai sản phẩm đạt bốn sao là cam tươi và nước cam tươi lên men. Năm 2023, HTX đã phấn đấu sản phẩm cam tươi lên năm sao. Hiện sản phẩm cam Cao Phong và các sản phẩm được chế biến từ cam đã có mặt hầu hết thị trường trong nước, nhất là ở các siêu thị lớn Metro, BigC, Hapro, Intimex…
Kể từ khi tham gia chương trình OCOP đến nay, thương hiệu cam Cao Phong và các sản phẩm chế biến từ cam của HTX Hà Phong phát triển gấp từ 200 đến 250%, doanh thu không ngừng tăng. Diện tích trồng cam của HTX cũng được mở rộng, trước HTX chỉ có 200 ha, nhưng hiện nay đã lên hơn 300 ha; từ đó thu hút số lượng lao động trong vùng cũng tăng lên hơn 70 người, góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo cho người dân trong xã. Được thành lập từ tháng 8/2016, HTX Hà Phong sản xuất theo quy trình VietGAP, hướng tới sản xuất cam hữu cơ. Tất cả các công đoạn từ chăm sóc đến thu hoạch đều tuân thủ kỹ thuật nghiêm ngặt, sản phẩm trước khi được vận chuyển tới nơi tiêu thụ được kiểm tra trọng lượng và quy cách. HTX Hà Phong đang đầu tư nhà xưởng, hệ thống trang thiết bị, máy móc vận hành tự động để chế biến.
Với thị trường trong nước, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, kết nối cung-cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP luôn được các sở, ngành, các địa phương quan tâm, ưu tiên hàng đầu để hỗ trợ đưa sản phẩm vào các hệ thống sàn thương mại điện tử như Sendo, Lazada, Shopee; triển khai các chương trình hội chợ thương mại, nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP của tỉnh và các địa phương trên cả nước đến các chủ thể chủ động tham gia hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm của đơn vị mình đến khách hàng trong và ngoài tỉnh; xúc tiến thương mại trên hệ thống các sàn thương mại điện tử, kênh bán lẻ quốc tế tại các thị trường nước ngoài (châu Âu, Trung Quốc…); tổ chức các chuyến công tác đi kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Hòa Bình đến các tỉnh thành trong nước để hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm giá trị gia tăng, được tiêu thụ tại hệ thống phân phối hiện đại, chợ đầu mối của các tỉnh bạn; triển khai hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư tỉnh hằng năm, các hội chợ thương mại, hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP trong nước và quốc tế đến các chủ thể chủ động đăng ký tham gia để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm…
Đối với thị trường nước ngoài, tỉnh đã có 10 sản phẩm OCOP tham gia hoạt động xuất khẩu; hằng năm bố trí kinh phí tổ chức đoàn công tác tham gia xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp, OCOP tại nước ngoài góp phần giới thiệu, quảng bá rộng rãi về hình ảnh, văn hóa, con người Hòa Bình đến khách hàng quốc tế.
Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ
Đánh giá về kết quả đạt được từ chương trình OCOP của tỉnh, ông Hoàng Văn Tuân, Phó Chi cục trưởng Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình (cơ quan thường trực chương trình OCOP của tỉnh) cho biết: Chương tình OCOP đang đạt kết quả tốt là do cả hệ thống chính trị của tỉnh vào cuộc quyết liệt bằng nhiều giải pháp đồng bộ. Tỉnh xây dựng đề án chi tiết về OCOP theo từng giai đoạn và đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp, HTX hiểu được khi họ tham gia được những lợi ích gì. Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ trực tiếp cho các chủ thể từ tem, nhãn, bao bì, công tác truyền thông, tập huấn được tổ chức bài bản. Mỗi khi có chương trình xúc tiến thương mại ở xa, tỉnh hỗ trợ cho doanh nghiệp, HTX toàn bộ công tác vận chuyển đến tận gian hàng ở các hội trợ.
OCOP ra đời nhằm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn phát triển bền vững. Ngoài những sản phẩm nông sản, OCOP còn góp phần tích cực vào phát triển văn hóa, du lịch trong tỉnh. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, định hướng, kết nối, tăng cường quảng bá du lịch, giữ gìn di tích lịch sử. Hòa Bình đang khảo sát chín điểm nghỉ dưỡng homestay gắn với OCOP.
Chương trình OCOP của Hòa Bình đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương, nhất là dịch vụ du lịch. Các địa phương trong tỉnh đã thấy được lợi thế, cơ hội để phát huy và khai thác giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển dịch vụ du lịch nông thôn; nhờ đó góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn.
Trần Hảo
nguồn: https://nhandan.vn/ocop-khoi-day-tiem-nang-phat-trien-kinh-te-nong-thon-hoa-binh-post830021.html