ĐẮK NÔNG ‘Vườn mắc ca này sẽ là một điểm du lịch sinh thái bền vững. Đó là lý do tôi trồng cây thực sinh mật độ thưa và canh tác theo quy trình hữu cơ’.
ĐẮK NÔNG ‘Vườn mắc ca này sẽ là một điểm du lịch sinh thái bền vững. Đó là lý do tôi trồng cây thực sinh mật độ thưa và canh tác theo quy trình hữu cơ’.
Đó là chia sẻ của anh Lê Văn Quyền, 51 tuổi, chủ vườn mắc ca 13 năm tuổi ở thị trấn Đức An, huyện Đắk Song, Đắk Nông.
Vườn mắc ca thực sinh của anh Quyền có tổng diện tích hơn 2ha, trồng với mật độ 7 x 7m, tức mỗi ha có khoảng 200 cây, nhưng quá trình sinh trưởng, một số cây chết hoặc phát triển kém nên anh chặt bỏ và thay bằng cây sầu riêng, và cũng là cây sầu riêng thực sinh. Anh không trồng cây ghép và canh tác hữu cơ nhằm mục đích làm “của để dành” cho thế hệ sau.
“Vườn mắc ca này đều là cây thực sinh (trồng bằng hạt) chứ không phải ghép. Hồi đó chưa nhiều người trồng mắc ca và khi trồng họ đều lấy giống cây ghép từ các nguồn uy tín, riêng tôi lại mua hạt trồng nên lúc mới trồng ai cũng can vì rất hên xui. Nhưng may mắn là cây phát triển rất tốt, năng suất cũng rất khá, không thua gì cây ghép. Có thể tôi may mắn có được những hạt giống tốt, năng suất ổn định”, anh Quyền cho biết.
Có mặt tại vườn anh Quyền, ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông phân tích, mắc ca nếu trồng từ cây thực sinh thì phải mất khoảng 7 năm hoặc hơn mới ra hoa. Mặt khác, quả của cây thực sinh dễ bị phân ly. Bù lại cây khoẻ hơn, tuổi thọ có thể lên đến hơn 100 năm nên thời gian thu hoạch dài hơn.
Trong khi đó trồng cây mắc ca ghép có nhiều ưu điểm hơn như chỉ mất 3 – 4 năm là đã ra bói. Tới năm thứ 6 cây đã cho nhiều quả. Còn từ năm thứ 10 trở đi cây sẽ cho năng suất ổn định, đạt từ 20 – 25kg/cây/năm. Vì vậy các chuyên gia vẫn khuyến cáo nên trồng mắc ca ghép, vừa đảm bảo chất lượng, thời gian cho thu hoạch ngắn hơn.
Nói về lý do chấp nhận rủi ro, chỉ trồng cây thực sinh, anh Quyền cho biết, cây thực sinh có tuổi thọ cao, anh mong muốn đến đời con, cháu, những cây mắc ca, sầu riêng vẫn phát triển tốt, và nơi đây sẽ là một vườn cây trái cổ thụ.
“Vườn của tôi nằm trên sườn đồi nhưng không cao, sát phía dưới vườn là hồ thuỷ lợi Đắk R’lon, vị trí rất đẹp và thuận lợi cho việc tưới tiêu. Tôi không tốn nhiều chi phí để đầu tư hệ thống bơm, tưới nhỏ giọt thì lấy nước từ dưới hồ lên. Vì thế, đây là một trong những điều kiện rất thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái vườn. Mà muốn phát triển bền vững thì con đường tất yếu là phải canh tác hữu cơ, khu vườn không chỉ đẹp mà còn phải sạch, sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng.
Thử hỏi, mình chế biến các sản phẩm từ mắc ca hái trong vườn nhà để bán cho du khách mà họ đi tham quan vườn thấy mình dùng thuốc hóa học phun trừ sâu bệnh, bón toàn phân hóa học, mùi nồng nặc thì sao họ dám mua ăn?”, anh Quyền nói.
Hiện nay, vườn mắc ca của anh Quyền chỉ còn khoảng 200 cây, nhưng cây nào cũng to, tán rộng. Năng suất đạt bình quân từ 18 – 20kg/cây/năm. “Bình quân mỗi năm tôi thu khoảng 3 tấn rưỡi mắc ca nhân, bán cho doanh nghiệp thu mua thường xuyên với giá 150 triệu đồng/tấn. Trong đó, trừ chi phí, tính luôn cả công hết khoảng 1 tấn nhân, còn lại là lãi. So với nhiều loại cây khác thì mắc ca vẫn có thu nhập tốt”, anh Quyền cho biết.
Nói về quy trình chăm sóc, anh Quyền cho biết trước khi trồng mắc ca, anh đã có vườn tiêu canh tác hướng hữu cơ, chủ yếu dùng chế phẩm sinh học, phân bò ủ men vi sinh. “Đến khi mua khu vườn này tôi cũng định hướng canh tác hữu cơ. Vùng đất này trước khi tôi mua là vườn cây tạp, do chủ vườn là người bản địa, ít chăm sóc đầu tư, đất không có dư lượng hóa chất nên canh tác theo quy trình hữu cơ cũng đơn giản”, anh nói.
Anh Quyền cho biết, dinh dưỡng cho cây mắc ca không tốn nhiều, bình quân mỗi gốc tốn khoảng 30kg phân bò ủ men vi sinh mỗi năm và tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như vỏ mắc ca tươi, vỏ cà phê xay, trộn rau củ quả thải loại ủ men vi sinh… Ngoài ra, anh còn ủ đạm cá tưới cho cây. Về sâu bệnh, anh sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng, trừ các loại bệnh hại trong thời điểm trước ra hoa và sau đậu trái.
Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk Song, mắc ca là cây lâu năm, không chỉ là cây có giá trị kinh tế cao mà còn góp phần quan trọng trong việc tăng độ che phủ đất. So với các loại cây trồng dài ngày khác như cà phê, hồ tiêu… thì mắc ca là cây trồng dễ tính, đầu tư thấp, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, trong khi đầu ra ổn định, giá cao.
Nhưng để phát triển bền vững và nâng cao giá trị cây mắc ca thì phải áp dụng quy trình canh tác hữu cơ để có sản phẩm chất lượng cao, kèm theo nhiều lợi ích khác. “Loài cây này sinh trưởng, phát triển nhanh, không kén đất, chống chịu sâu bệnh và chịu hạn tốt nên việc canh tác hữu cơ cũng đơn giản hơn nhiều loại cây khác. Trong khi đó, quy trình thu hái, sơ chế, bảo quản trái mắc ca cũng đơn giản. Nếu có vốn đầu tư máy móc, chế biến sâu nữa thì giá trị sẽ tăng thêm”, ông Vinh nói.
Hiện nay anh Lê Văn Quyền đã đầu tư nhà xưởng, máy sấy để đóng gói mắc ca thành phẩm. Sau khi có sự khuyến khích của lãnh đạo địa phương, anh đã thành lập tổ hợp tác trồng mắc ca với 16 thành viên. Mục tiêu của tổ hợp tác là hỗ trợ nhau canh tác mắc ca theo hướng hữu cơ, bền vững, chế biến sâu và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/ong-chu-vuon-mac-ca-huu-co-voi-tu-duy-an-chac-mac-ben-d410399.html