10 tháng năm 2024, tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C Việt Nam đã đạt 18-20%, hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao.
Báo cáo của Bộ Công Thương về tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 đưa vào Nghị quyết năm 2025 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 10 tháng năm 2024, tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C đã đạt 18-20%, hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao.
Thị trường thương mại điện tử B2C Việt Nam tăng khoảng 20% |
Để thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai các tiêu chí, tiêu chuẩn về hạ tầng thương mại; tập trung thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại điện tử, tạo động lực phát triển kinh tế số và thương mại điện tử, góp phần tạo ra không gian phát triển mới.
Theo đó, Bộ Công Thương đã xây dựng, vận hành Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam nhằm mục tiêu hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong kiểm tra, xử lý, tập trung thông tin hợp đồng điện tử của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong hoạt động thương mại; xây dựng và vận hành nền tảng hỗ trợ thanh toán trực tuyến KeyPay nhằm phát triển hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, hạ tầng thanh toán đảm bảo hỗ trợ dịch vụ hành chính công. KeyPay đã và đang giúp các đơn vị, bộ ngành giải quyết khó khăn, rào cản khi ứng dụng triển khai thanh toán trực tuyến trong dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ.
KeyPay cũng góp phần thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, cụ thể: Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử G2B, G2C; xây dựng thói quen sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch điện tử của người dân, doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, để phát triển mạnh kinh tế số, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, yêu cầu và hướng dẫn các thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu wesite/ứng dụng thương mại điện tử cập nhật thông tin, chính sách, bổ sung hồ sơ đáp ứng quy định tại Nghị định 85/2021/NÐ-CP, yêu cầu và hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức sở hữu website/ứng dụng cung cấp dịch vụ Hướng dẫn doanh nghiệp nâng cấp Cổng online.gov.vn đáp ứng các quy định mới của Nghị định số 85/2021/NÐ- CP. Phối hợp với các Sở Công Thương rà soát những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam.
Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh; triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu khai báo C/O (ecosys.gov.vn) mẫu Vsign và Dịch vụ hỗ trợ khai báo xuất xứ hàng hóa; triển khai các giải pháp, chương trình kết nối tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới; chủ động cung cấp thông tin về các hoạt động, sự kiện, vấn đề nổi bật liên quan thương mại điện tử, phát triển kinh tế số ngành Công Thương để cộng đồng cập nhật, nắm bắt thông tin; tổ chức chương trình liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử.
Triển khai sự kiện ngày mua sắm trực tuyến 2024; xây dựng, triển khai sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh/thành (sanviet.vn), nhằm kết nối, tạo nền tảng hỗ trợ cả người bán, người mua và các nền tảng số trong việc cung cấp hàng hóa, kết nối dịch vụ, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu bán lẻ trực tuyến tập trung xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, giúp người tiêu dùng cuối cùng mua được sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý.
Đồng thời triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua thương mại điện tử – Go Export; xây dựng, triển khai sáng kiến về hệ sinh thái xuất nhập khẩu trực tuyến (EcomEx) hỗ trợ doanh nghiệp Việt xuất khẩu tại địa chỉ Vietnamexport.com; website hỗ trợ doanh nghiệp khai báo xuất xứ điện tử với Bộ Công Thương (Vsign.vn)…
Trước những kết quả đã đạt được trong năm 2024, sang năm 2025, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, bám sát tình hình phát triển thương mại điện tử trên thế giới và trong nước để kịp thời ban hành chính sách nhằm quản lý, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam.
Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý hoạt động thương mại điện tử, tổ chức tốt công tác giám sát, thực thi pháp luật thương mại điện tử theo quy định tại Nghị định số 52/2013/NÐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013; Nghị định số 85/2021/ND-CP ngày 25 tháng 9 năm 2021 và các thông tư hướng dẫn.
Trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026-2030; chủ động kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ, ngành, địa phương, phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công an… khai thác thông tin, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Duy trì, đẩy mạnh công tác phối hợp với cơ quan quản lý thị trường, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, đơn vị liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị chấp hành pháp luật về thương mại điện tử theo kế hoạch được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt.
Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, cập nhật, đăng tải thông tinh cảnh báo hành vi lừa đảo, gian lận thương mại, lợi dụng thương mại điện tử để cảnh báo người tiêu dùng; triển khai các hoạt động, sự kiện thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, kinh tế số ngành Công Thương, như: Chương trình định hướng, tư vấn về thương mại điện tử cho sinh viên trên toàn quốc; Tuần lễ mua sắm trực tuyến quốc gia; hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương…
Nguồn: https://congthuong.vn/thi-truong-thuong-mai-dien-tu-b2c-viet-nam-tang-khoang-20-363462.html