Dưới ánh trăng vằng vặc, lại nhớ hoa bàng vuông tỏa sắc. Loài hoa ấy đã gắn một phần cuộc đời của tôi với anh lính đảo
Tôi từng ao ước được đặt chân lên quần đảo Trường Sa để được một lần ngắm cây bàng vuông. Một loài cây ví như người lính đảo, có sức chịu đựng kiên cường ở nơi đầu sóng ngọn gió. Một loài cây chỉ nở hoa vào ban đêm và khi bình minh ló dạng sẽ tự rụng xuống thành những thảm hoa tuyệt đẹp.
Đêm ấy, tôi đã thức đến khi trăng lên. Trong tiếng kinh cầu, nội tôi cầu nguyện cho chuyến đi ngày mai của tôi được bình yên. Tôi thắp nén hương lên hai bát hương đặt trên bàn thờ không có di ảnh.
Đảo Song Tử Tây cách đất liền 600 km. Xa xa, Song Tử Tây như chiếc lược ngà cài lên mái tóc biển cả. Mây trắng điểm xuyến vẻ đẹp lãng mạn, nên thơ giữa biển Đông đang dậy sóng. Tôi không thể quên lần đầu cùng đoàn thanh niên tình nguyện đến đảo và không thể nào quên hình bóng anh. Trong số cán bộ, chiến sĩ hải quân đứng ở cầu tàu đón đoàn, tôi chú ý đến anh – một lính đảo có khuôn mặt rám nắng và nụ cười rạng rỡ. Trái tim tôi bỗng xao động như có hàng trăm con sóng vỗ.
Trong cái nắng oi bức của ngày hè ở biển đảo, đoàn thanh niên tình nguyện chúng tôi ngỡ ngàng trước những con đường rợp bóng cây xanh của dừa nước, bàng vuông, mù u và phong ba. Vườn rau tăng gia xanh mơn mởn những cải, mồng tơi; đến những cây đu đủ xum xuê quả và cả một đàn bò đang gặm cỏ, lũ chó nằm ngủ ngoan trên bến phà. Thật đúng với câu khẩu hiệu “Ở đâu có bộ đội, ở đó có rau xanh”.
Chúng tôi đến đảo vào độ cuối tháng năm, là mùa hoa bàng vuông nở rộ. Tôi reo lên thích thú khi tận mắt thấy hoa bàng vuông đang hé nụ. Tôi với tay định bẻ một nhành hoa kiêu sa ấy bỗng có tiếng nói vang lên bên tai: “Hình như cô rất thích loài hoa này?”.
Thoáng giật mình, tôi lùi lại tròn mắt ngạc nhiên khi biết đó là anh lính đảo mình đã gặp ở cầu tàu. Tôi ngượng ngùng đáp: “Vâng, em rất thích. Đây chính là loài hoa lính đảo, vương quốc bàng vuông em từng mơ”. Anh bật cười: “Nếu cô thích, ngày mai tôi sẽ tặng cô quả bàng vuông khắc hình quần đảo Trường Sa”.
Màn đêm buông xuống, Song Tử Tây lung linh như ngọn nến giữa đại dương. Đoàn chúng tôi trang hoàng sân khấu trên tàu HQ-936. Những ca khúc về biển đảo được đoàn chúng tôi và các ca sĩ áo lính say sưa hát. Ánh trăng trong veo, gió biển thổi vào mát rượi.
Tôi ngẩn người khi anh lính xuất hiện, đặt một nhành hoa bàng vuông trong tay tôi. Rồi anh khen: “Em hát hay lắm”. Tôi bẽn lẽn: “Nếu anh không chê, có dịp em sẽ hát riêng cho anh nghe”. Đôi mắt chàng chiến sĩ ánh lên niềm vui: “Được nghe em hát không gì hạnh phúc bằng. Lính đảo tụi anh ở đây bốn bể là biển, chỉ có chim hải âu làm bạn, nên rất mong ngóng những chuyến tàu từ đất liền ra đảo để xua tan nỗi nhớ nhà”.
Tiếng hát của tôi vi vu theo gió, hòa vào tiếng sóng biển. Tôi và anh sánh đôi trên cát. Biển được dát vàng bởi ánh trăng huyền ảo, bầu trời như gần sát mặt đất, những tưởng chỉ cần với tay là chạm được chòm sao khuya lấp lánh. Bất giác anh thì thào vào tai tôi: “Anh tin linh hồn đồng đội đang trú ngụ quanh đây, trong tiếng sóng, dưới biển lạnh, trên tán bàng vuông và cả trong những ngôi mộ gió”. Tôi nắm chặt bàn tay ấm áp của anh, bảo: “Họ đã hy sinh để cho mình được sống. Oan hồn, xương cốt còn vất vưởng đâu đây, anh linh họ hiện về sẽ phù hộ cho đồng đội anh”.
Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc
Hoa bàng vuông, loài cây được ví như người lính đảo, có sức chịu đựng kiên cường
Rồi những cánh thư tay và cuộc điện thoại ngắn ngủi đã đem tôi đến gần bên anh. Tình yêu của chúng tôi cứ thế lớn dần lên. Anh hứa nghỉ phép cuối năm sẽ về thăm tôi và ra mắt nội.
Lần đầu tôi đem chuyện yêu anh thổ lộ cho nội nghe, bà hỏi: “Cháu đã suy nghĩ kỹ chưa? Lấy chồng lính biển khổ lắm, phải mỏi mòn chờ đợi, vừa làm mẹ vừa trụ cột của gia đình. Chỉ có tình yêu và niềm tin mới vượt qua”. Tôi đáp: “Cháu thương anh ấy nội à. Đó không chỉ là tình yêu trai gái đơn thuần mà còn là tình yêu người lính”. Nước mắt tự nhiên tuôn rơi, nội khóc như đứa trẻ. Tôi cầm đôi tay nhăn nheo của nội và an ủi: “Cháu rất tự hào khi ông nội và cha của cháu là liệt sĩ. Và nội cũng rất hạnh phúc là một trong số hàng trăm bà mẹ Việt Nam anh hùng được Nhà nước truy tặng phải không nội? Cháu cũng muốn chồng của mình là người lính chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc như ông và cha cháu”.
* * *
Tôi tỉnh giấc trong tiếng kinh cầu gõ mõ của nội. “Ngày mai cháu lại đi ư?”…
Lòng tôi nóng như lửa đốt, tôi hoàn toàn mất liên lạc với anh. Tôi quyết định quay lại đảo Song Tử Tây. Chuyến đi lần này biển nổi sóng dữ dội, mưa như trút nước. Đoàn công tác làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa. Giờ đây, trong giấc ngủ vĩnh hằng, các anh được ru bằng tiếng sóng, được nghe tiếng hải âu ríu rít gọi bầy. Dòng người trong đoàn xúc động, kính cẩn mặc niệm các liệt sĩ.
Tôi dáo dác tìm kiếm hình bóng thân quen. Mọi thứ nhòe đi trước mắt, tôi òa khóc khi một đồng đội của anh báo tin anh đã hy sinh trên biển trong khi làm nhiệm vụ. Đồng đội anh không nỡ cho tôi biết anh đã không còn trên đời nữa để tôi quên anh. Nhưng họ không biết rằng tôi yêu anh đến nhường nào, những cảm giác, cảm xúc gặp anh tại biển đảo này tôi không bao giờ quên.
Tiếng chuông chùa ngân vang, mùi hương trầm dịu nhẹ lan tỏa giữa thinh không hòa vào tiếng sóng, lòng người tự nhiên lắng lại. Tôi thắp nén hương cầu mong anh được siêu thoát, phù hộ cho đồng đội thêm sức mạnh để vững vàng tay súng canh giữ chủ quyền Tổ quốc.
Có cái gì đó chạm nhẹ trên tóc, tôi ngước nhìn lên những cánh hoa bàng vuông bay bay trong gió, vương trên làn tóc.
Mời gửi bài dự thi “Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm”
Với mục đích đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ vững chắc biển đảo nói riêng và lãnh thổ quốc gia Việt Nam nói chung; đồng thời tiếp nối thành công của Chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển”, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết “Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm” lần 3 năm 2022-2023.
NỘI DUNG, PHẠM VI ĐỀ TÀI
– Phản ánh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; công cuộc bảo vệ, xây dựng, phân giới, cắm mốc, bảo vệ đường biên giới trên bộ.
– Phản ánh khách quan, sinh động, sâu sắc về đường lối ngoại giao của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
– Tập thể, cá nhân, gương điển hình trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới, lãnh thổ quốc gia; sự hy sinh, cống hiến của chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng… đang ngày đêm canh gác ngoài biển khơi, vùng biên giới.
– Đóng góp của người dân, ngư dân, các phong trào “Ngày biên phòng toàn dân”, “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; các mô hình “Kết nghĩa bản – bản”, “Xuân biên cương”… cùng các chương trình vận động, tuyên truyền tình đoàn kết, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền cho nhân dân khu vực biên giới, hải đảo.
– Đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới, lãnh thổ quốc gia; về phát triển kinh tế biển, văn hóa biển, bảo vệ môi trường biển Việt Nam, phát triển kinh tế khu vực biên giới…
THỂ LỆ, YÊU CẦU
– Là bài viết dưới dạng bình luận, bút ký, phóng sự, ký sự, tường thuật, phản ánh, ghi nhanh, bài cảm xúc…
– Mỗi bài dự thi chỉ đăng 1 kỳ, không quá 1.700 chữ; bắt buộc có ít nhất 3 ảnh chụp nhân vật hoặc vấn đề liên quan tình tiết, nội dung bài viết.
– Bài đã gửi tham dự cuộc thi viết “Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm” lần 3 năm 2022-2023 do Báo Người Lao Động tổ chức thì không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác.
ĐỐI TƯỢNG DỰ THI
– Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
– Thành viên trong ban tổ chức, ban giám khảo, đơn vị tài trợ và phóng viên, cộng tác viên cơ hữu của Báo Người Lao Động không được tham gia.
THỜI GIAN NHẬN TÁC PHẨM DỰ THI
– Từ ngày phát động 23-6-2022 đến 15-5-2023.
– Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi: Tòa soạn Báo Người Lao Động: 123-127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM. Điện thoại: 028.3930 5376 – 0903343439. Email: [email protected].
CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG DỰ KIẾN
– Giải nhất (1 giải): 50 triệu đồng.
– Giải nhì (1 giải): 30 triệu đồng.
– Giải ba (1 giải): 20 triệu đồng.
– Giải khuyến khích (2 giải): 10 triệu đồng/giải.
Nguồn: https://nld.com.vn/bien-dao/gui-anh-cua-em-20220820192453935.htm