Kết nối, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP, đây là cách mà ngành Công Thương Hà Nội đưa sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng Thủ đô.
Nhiều tiềm năng lợi thế
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực địa phương và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội. (Ảnh: N.H) |
Nhờ Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm an toàn đã tiếp cận được với người tiêu dùng. Đặc biệt, không ít sản phẩm khi được công nhận OCOP đã thúc đẩy kinh tế địa phương.
Tại thị xã Sơn Tây đến thời điểm này đã có 78 sản phẩm của 14 chủ thể hợp tác xã, công ty, hộ kinh doanh được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao, thuộc các ngành hàng thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, trang trí. Trong đó, nhiều sản phẩm truyền thống có tiềm năng OCOP như kẹo lạc, kẹo vừng của xã Đường Lâm; miến dong xã Cổ Đông; chả cá, trà hoa cúc xã Sơn Đông; mật ong xã Kim Sơn…
Còn tại huyện Ba Vì đến nay đã phát triển được 155 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm OCOP nổi bật là sữa tươi, các sản phẩm chế biến từ sữa, gà đồi, rau, khoai lang, miến dong, thịt giò đà điểu, Giò lụa hạt Sen…
Có một điều không thể phủ nhận khi nhìn từ Chương trình OCOP đó là để sản phẩm đến tay người tiêu dùng thì các ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo đã có nhiều hoạt động hỗ trợ hàng Việt, trong đó nổi bật là tổ chức các hoạt động về liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung – cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố; giới thiệu, kết nối nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP, sản phẩm mùa vụ, có khó khăn trong việc tiêu thụ… của các tỉnh, thành phố vào các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm…; phát triển các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn Thành phố đến các quận, huyện, thị xã…;
Từ đó, góp phần tích cực vào việc kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp hàng Việt, góp phần thúc đẩy Thủ đô phát triển. Cũng từ những hoạt động xúc tiến tích cực này đã giúp quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo. Người tiêu dùng được tiếp cận và sử dụng những sản phẩm xanh, an toàn và phù hợp túi tiền.
Nói về công tác kết nối, thúc đẩy đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng nói chung và hệ thống siêu thị nói riêng, ông Nguyễn Thế Hiệp – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội – cho biết, bám sát tình hình thực tế, đồng hành cùng doanh nghiệp, Sở Công Thương đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá sâu rộng các vùng sản xuất, sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên phương tiện thông tin đại chúng; thường xuyên tiến hành rà soát danh mục sản phẩm OCOP cần kết nối vào các kênh phân phối gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối để tổ chức kết nối, tiêu thụ theo nhu cầu.
Bên cạnh đó, ngành Công Thương Hà Nội tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP như triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, trưng bày, kết nối trên các sàn giao dịch thương mại điện tử… cho các sản phẩm OCOP.
Đáng chú ý, về phía các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ cũng có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà sản xuất. Điển hình như Central Group, MM Mega Market, BRG… đã tích cực triển khai nhiều chương trình hỗ trợ quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP của Hà Nội và các địa phương vào hệ thống phân phối của đơn vị bằng nhiều hình thức như: chiết khấu 0% cho các hộ nông dân; tổ chức các tuần hàng OCOP, chợ phiên nông sản tại kênh phân phối…
Tăng cường ứng dụng công nghệ vào tiêu thụ sản phẩm OCOP
Dù có nhiều ưu điểm song thẳng thắn nhìn nhận hiện các sản phẩm OCOP và nhìn rộng hơn là các sản phẩm Việt đều có tình trạng chung là chất lượng, mẫu mã và giá cả chưa hấp dẫn người tiêu dùng; tình trạng hàng giả, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn gây bức xúc và ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước…
Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội. (Ảnh: N.H) |
Để các sản phẩm Việt hấp dẫn hơn với người tiêu dùng, nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần phải đặt quyền lợi của người tiêu dùng vào trung tâm. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc thông tin minh bạch về sản phẩm.
Ông Nguyễn Thế Hiệp cũng khuyến nghị các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm cần ký kết hợp đồng lâu dài về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP cho các đơn vị sản xuất để yên tâm sản xuất đảm bảo số lượng, chất lượng.
Bên cạnh đó, chính chủ thể sản phẩm OCOP cần đầu tư sản phẩm chất lượng đến dịch vụ tốt để tích lũy uy tín nhà bán hàng, xây dựng được lượng khách hàng trung thành. Danh mục các sản phẩm cần đa dạng, phong phú, có chất lượng tốt và truy xuất được nguồn gốc, thành thạo các kỹ năng thương mại điện tử để tăng cường tương tác trực tiếp giữa người sản xuất và tiêu dùng, từng bước khẳng định giá trị và uy tín trên thị trường.
Về phía Sở Công Thương Hà Nội, ông Nguyễn Thế Hiệp cho biết, sẽ hướng dẫn các đơn vị cung ứng sản phẩm OCOP đưa ra các dòng sản phẩm phù hợp mẫu mã, thị hiếu người tiêu dùng, ưu tiên đẩy mạnh kết nối sản phẩm có bao gói thân thiện với môi trường.
Về lâu dài, ngành Công Thương Hà Nội tiếp tục tổ chức có hiệu các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị giao thương, hội chợ, triển lãm, tuần hàng… để đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP giới thiệu đến người tiêu dùng, kết nối vào các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm; thông tin mời các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ phát triển hạ tầng thương mại, tạo địa điểm bán, trao đổi hàng hóa, sản phẩm OCOP cố định giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất có nơi trao đổi, mua bán hàng hóa thường xuyên; phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP rộng khắp trên địa bàn Thành phố để người tiêu dùng nhận diện, ưu tiên trong quá trình mua sắm.
Nguyễn Hạnh
nguồn: https://congthuong.vn/nganh-cong-thuong-ha-noi-ket-noi-tao-dau-ra-on-dinh-cho-san-pham-ocop-356589.html