Ngày 9/12, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin-Tư liệu phối hợp Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tổ chức bài giảng đại chúng “Động đất, sóng thần: Nguy cơ và cách ứng phó, kinh nghiệm dành cho Việt Nam”. PGS,TS Nguyễn Hồng Phương – Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Vật lý địa cầu cùng Kỹ sư cao cấp Đinh Quốc Văn – Phó Trưởng phòng Quan sát Động đất, Viện Vật lý Địa cầu và TS Bùi Thị Nhung – Viện Vật lý địa cầu là các diễn giả chính của sự kiện.
PGS,TS Nguyễn Hồng Phương trình bày bài giảng tại sự kiện.
Theo các nhà khoa học, tác động phá hủy của động đất chủ yếu là do sự rung động nền rất mạnh gây ra. Do sự chấn động nền dữ dội, các tòa nhà thấp và cao tầng, các tòa tháp và những cột trụ có thể bị nghiêng đi, nứt nẻ, lung lay hoặc sụp đổ, đường giao thông, đường sắt và những cây cầu có thể bị bẻ gẫy, đường ống dẫn nước và những công trình xây dựng khác có thể bị xê dịch khỏi vị trí của chúng, đê đập và những kết cấu tương tự có thể bị phá hủy, gây ngập lụt và tạo ra những dòng vật chất trôi nổi. Động đất cũng có thể gây ra những hiểm họa thứ cấp như hóa lỏng nền và trượt lở nền.
Sản phẩm dự báo động đất trung-dài hạn thường được thể hiện dưới dạng các bản đồ phân bố không gian các vùng có độ nguy hiểm động đất khác nhau. Tại Việt Nam, bản đồ phân vùng động đất đầu tiên của Việt Nam được xuất bản vào năm 1985. Cho đến thời điểm hiện tại, 6 thế hệ bản đồ nguy hiểm động đất lãnh thổ Việt Nam đã được xuất bản, phản ánh sự tiến bộ liên tục về độ chính xác, chất lượng khoa học và công nghệ, phạm vi ứng dụng thực tế và sự tiện lợi cho người dùng.
Quang cảnh buổi tổ chức bài giảng đại chúng.
Tính đến nay, bộ bản đồ xác suất nguy hiểm động đất lãnh thổ Việt Nam và các vùng biển kế cận công bố năm 2019 là phiên bản mới nhất. Tất cả các bản đồ được thể hiện trên một khung bản đồ thống nhất. Bộ bản đồ bao gồm ba tập (loại) bản đồ, mỗi tập lại bao gồm các bản đồ thể hiện phân bố không gian của một trong ba tham số rung động nền sau: gia tốc cực đại nền (PGA), phổ gia tốc nền (SA) và cường độ chấn động trên bề mặt (I) theo thang MSK-64. Chu kỳ lặp lại và xác suất bị vượt quá của các tham số rung động nền trong mỗi tập bản đồ thay đổi tùy theo yêu cầu ứng dụng vào thực tiễn và phù hợp các quy chuẩn trong xây dựng công trình. Bên cạnh đó, các chuyên gia của ngành Vật lý địa cầu cũng đã xây hơn hơn 125 kịch bản sóng thần phát sinh trên khu vực Biển Đông.
Theo ông Đinh Quốc Văn, quan sát động đất ở Việt Nam, có thể rút ra các nguyên nhân xảy ra động đất gồm: Vận động kiến tạo (Đứt gãy), phun trào núi lửa, sập các hang động ngầm, hoạt động nhân sinh (Hồ chứa, khoan hút dầu khí, khai thác mỏ…).
Dự báo động đất, thực tế là các dự báo xa, nhằm tính xác suất xảy ra một trận động đất có độ lớn xác định trong khoảng thời gian nhất định. Vì thế, việc trang bị kiến thức về động đất và chuẩn bị sẵn sàng các kỹ năng ứng phó là chìa khóa cho sự an toàn của con người, giảm thiểu thiệt hại khi động đất xảy ra.
Tại Việt Nam, trước đây, đã có một số hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng ứng phó cho cộng đồng tại vùng tâm chấn sau mỗi động đất lớn xảy ra, tuy nhiên các hoạt động này mới ở bước nhỏ lẻ, mang tính tình thế của các cơ quan chuyên môn.
Ông Đinh Quốc Văn trình bày bài giảng tại sự kiện.
Từ năm 2021, sau một loạt các trận động đất xảy ra tại Mộc Châu, Cao Bằng…, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã kịp thời chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu thực hiện nhiệm vụ: “Nghiên cứu xây dựng, thiết kế các tài liệu và tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng tránh động đất cho cộng đồng”.
Theo TS Bùi Thị Nhung, thông qua cuốn sách “Những hiểu biết cơ bản để an toàn với động đất tại Việt Nam”, các chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu đã phối hợp các địa phương tổ chức các hội thảo tuyên truyền phổ biến kiến thức về động đất và các kỹ năng phòng tránh rủi ro do động đất cho cộng đồng. Gần đây nhất, trong tháng 8/2024, Viện Vật lý địa cầu đã cử đoàn công tác đi thực địa tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, phối hợp tuyên truyền và hướng dẫn các kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho người dân tại khu vực tâm chấn động đất M=5.0.
Đoàn công tác đã khảo sát, tuyên truyền, hướng dẫn và phát tờ rơi cho người dân về kỹ năng ứng phó động đất tại địa điểm bị tác động của động đất như các xã: Đắk Tăng, Đắk Nên, Đắk Ring, Măng Bút và Măng Càng. Thông qua hoạt động tuyên truyền, các chuyên gia đã giúp người dân có thêm kỹ năng thiết thực để không hoảng loạn, kịp thời áp dụng các biện pháp an toàn cho bản thân, gia đình khi động đất xảy ra.
Theo PGS,TS Nguyễn Hồng Phương, để tăng cường hiệu quả việc nghiên cứu và dự báo về động đất, các nhà khoa học cần được trao thêm công cụ và công nghệ, bên cạnh đó việc tuyên truyền kiến thức về động đất, sóng thần cho người dân càng phải được chú trọng nâng cao.
Bà Nguyễn Thị Vân Nga – Giám đốc Trung tâm Thông tin-Tư liệu đánh giá, thông qua việc tổ chức bài giảng đại chúng “Động đất, sóng thần: Nguy cơ và cách ứng phó, kinh nghiệm dành cho Việt Nam”, công chúng nói chung và truyền thông nói riêng được cung cấp những thông tin khoa học chính xác và quan trọng về hiện tượng động đất, sóng thần và đóng góp thiết thực vào công tác tuyên truyền, ứng phó, phòng tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại do động đất, sóng thần tại Việt Nam.