Kinhtedothi – Thảo luận tại tổ, các đại biểu HĐND TP Hà Nội nêu thực trạng đấu giá quyền sử dụng đất bị thao túng, bỏ ngang; đồng thời đề nghị làm rõ động cơ của tình trạng thổi giá đất…
Chiều 9/12, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 20, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã thảo luận tại tổ về 4 nhóm nội dung: kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 của TP; dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp TP năm 2025 (chi thường xuyên và chi đầu tư); điều chỉnh kế hoạch tài chính và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; các dự thảo Nghị quyết triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Đấu giá đất bị thao túng, bỏ ngang
Thảo luận tại tổ, các đại biểu HĐND TP đã nêu thực trạng thao túng đấu giá đất, đẩy giá lên cao nhằm phá hoại cuộc đấu giá, như ở huyện Sóc Sơn. Các đối tượng nâng giá lên 30 tỷ đồng/m2 rồi bỏ ngang, ảnh hưởng đến kết quả phiên đấu giá. Tương tự, tại huyện Thanh Oai, nhiều người tham gia đấu giá đất xong cũng bỏ…
Theo đại biểu Phùng Tân Nhị (tổ huyện Ba Vì), vừa qua đã xảy ra tình trạng đấu giá đất có hiện tượng nâng giá đột biến, nhưng lại không đóng tiền, bỏ cọc. Đối với trường hợp giá khởi điểm thấp, người tham gia đấu giá đặt cọc thấp, từ đó dẫn đến người tham gia đấu giá sẵn sàng bỏ cọc, ảnh hưởng đến kết quả đấu giá. Do đó, cần nghiên cứu mức giá ở các vòng đấu giá; xác định giá khởi điểm sát giá thị trường, đảm bảo nhà đầu tư thực sự có nhu cầu tham gia.
Nhận định tình trạng thổi giá đất là vấn đề bất thường, đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ quận Hoàng Mai) cho rằng, tình trạng thổi giá, tình trạng các dự án bất động sản không được khơi thông đặt ra vấn đề TP cần có những giải pháp thực sự quyết liệt để khơi thông và thúc đẩy thị trường bất động sản; nếu thị trường bất động sản phát triển, các thị trường khác mới phát triển…
Từ thực tế trên, đại biểu kiến nghị cần làm rõ động cơ của tình trạng thổi giá đất. Cùng đó, tới đây, Công an TP phải điều tra, làm rõ triệt tiêu tình trạng thổi giá, bỏ giá làm thất bại các cuộc đấu giá, ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế – xã hội.
Sớm ban hành bảng giá đất mới theo Luật Đất đai
Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (tổ quận Nam Từ Liêm), qua báo cáo của các địa phương cho thấy, Hà Nội có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng bảng giá đất. Hà Nội đã điều chỉnh bảng giá đất theo Luật Đất đai năm 2013 và liên tục điều chỉnh hệ số k để có mức giá phù hợp nhất. Một trong những yêu cầu là bảng giá đất phải tiến hành thận trọng, bảo đảm thu hút được cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lẫn doanh nghiệp trong nước và bảo đảm quyền định giá của Nhà nước.
Theo đại biểu, qua tiếp xúc cử tri, cử tri kỳ vọng khi TP xây dựng cơ sở dữ liệu bảng giá đất sẽ có đầy đủ công cụ quản lý Nhà nước và công khai thông tin cho người dân được biết.
Đại biểu Hoàng Anh Tuấn (tổ huyện Mê Linh) cho hay, nhiều quận, huyện vừa qua không đạt nguồn thu từ đất, nguyên nhân do thay đổi một số nội dung trong Luật Đất đai 2024 so với trước đây, cùng với đó, vừa qua tổ chức đấu giá đất gặp khó khăn. Từ nội dung này, đại biểu đề nghị TP Hà Nội sớm ban hành bảng giá đất mới theo Luật Đất đai 2024 để phục vụ đấu thầu, đấu giá đất.
Liên quan công tác đấu giá đất, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn (đại biểu tổ quận Hai Bà Trưng) cho hay, sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, đồng bộ với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, chúng ta gặp vấn đề hạn chế là không xác định giá trị bảng giá đất mà Luật Đất đai 2024 quy định cần có. Do chưa có bảng giá đất, dẫn đến ảnh hưởng tới việc xác định giá đất phục vụ công tác GPMB. Chính vì thế, công tác GPMB hiện đang bị “tắc nghẽn”, như ở dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô.
“Ngoài ra, việc xác định giá đất cụ thể phục vụ giá sàn đấu giá hiện nay rất thấp, dẫn đến nhiều kỳ đấu giá đất thất bại như tại các huyện Thanh Oai, Sóc Sơn… Do đó, chỉ tiêu đấu giá quyền sử dụng đất tại nhiều địa phương có khả năng không hoàn thành” – Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn chia sẻ.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/dai-bieu-hdnd-tp-ha-noi-lam-ro-dong-co-thoi-gia-trong-dau-gia-dat.html